Một vài hành vi xấu từ cá nhân này nọ đã làm u ám cả cách nhìn cách nghĩ của thế giới, bạn bè về đất nước chúng ta, về nhân cách và vẻ đẹp của người Việt, tạo ra cái nhìn không mấy thiện cảm về Việt Nam trong mắt người nước ngoài.
Trên báo điện tử Một Thế Giới cách nay vài hôm có bài của nhà báo Đoàn Khắc Xuyên bàn về chuyện phẩm giá của người Việt, nhất là sau mấy vụ trộm cắp xảy ra ở xứ người. Tôi muốn góp thêm vài ý về vấn đề này.
Ai cũng hiểu rằng xây thì khó chứ phá thì dễ và nhanh lắm. Có những thứ, những điều phải mất cả trăm năm, nghìn năm, phải bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau dày công mới tạo dựng được, nhưng kẻ phá nó chỉ cần một sớm một chiều, chỉ bằng vài hành vi cá nhân là tan hoang, không biết bao giờ mới khôi phục được.
Tôi muốn nhắc lại mấy vụ trộm cắp vừa xảy ra, cả ở trong lẫn ngoài nước, mà thủ phạm đều là người Việt. Chuyện trộm cắp, kẻ đạo chích thì ở đâu cũng có, nhưng có những hành vi trộm cắp không chỉ gây thiệt hại về tài sản vật chất mà còn kéo theo tác hại khôn lường về nhiều mặt, nhất là những giá trị tinh thần, danh dự, ở tầm quốc gia.
Là người Việt tử tế, chắc ai cũng đau lòng khi nghe những thông tin về công dân nước mình ra xứ người thực hiện hành vi trộm cắp, bị nhà chức trách nước sở tại bắt giữ. Gần như 2 vụ liên tiếp hồi đầu tháng 1 này, vụ đầu xảy ra ở Thái Lan, cảnh sát theo dõi và bắt cả băng đạo chích 5 người Việt chuyên ăn cắp hàng ở những cửa hàng, khu du lịch, chỗ đông người, tang vật là bóp tiền, điện thoại, túi xách. Theo nhà chức trách Thái, những người này sang Thái Lan không phải để du lịch hay công tác gì cả, chỉ có mỗi mục đích trộm cắp.
Vụ thứ 2 xảy ra ở Singapore cũng rất đáng xấu hổ, nhục nhã. Hai người Việt ăn mặc bảnh bao, ở nơi sang trọng (khách sạn nổi tiếng nhất Singapore, Marina Bay Sands) nhưng lại đào tường khoét ngạch, thực hiện vụ trộm gần 500.000 đô la Sing. Cảnh sát đã theo dõi và bắt với đầy đủ tang vật, nếu bị truy tố, những người này phải đối mặt mức án 14 năm tù bởi luật pháp Singapore rất nghiêm, nước này rất ghét thói trộm cắp.
Vụ thứ 3 là vụ trong nước, như báo chí tường thuật, xảy ra ở khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM), cả băng nhóm trộm cắp suốt bao năm rút ruột một công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, ăn cắp hàng nghìn đôi giày Nike đắt giá, gây thiệt hại cho chủ đầu tư nước ngoài hàng chục tỉ đồng.
Hành vi trộm cắp tạo ra hiệu ứng không tốt đối với hình ảnh con người Việt Nam. Mà những vụ trộm cắp nói trên đều có yếu tố nước ngoài, lại càng ảnh hưởng rất xấu đến thanh danh đất nước và con người Việt Nam, tạo ra cái nhìn không mấy thiện cảm về Việt Nam trong mắt người nước ngoài. Một vài hành vi xấu của cá nhân này nọ làm u ám cả cách nhìn cách nghĩ của thế giới, bạn bè về đất nước chúng ta, về nhân cách và vẻ đẹp của người Việt. Nhà đầu tư nước ngoài trước những “vụ Nike” như vậy sẽ nghĩ gì khi có ý định đầu tư vào Việt Nam? Nhà chức trách ở các cửa khẩu nước khác sẽ nhìn bằng con mắt nào khi người Việt đến nước họ du lịch hoặc công tác? Sự thân thiện, cởi mở, tốt bụng có thể sẽ bị thay bằng sự nghi ngờ, cảnh giác, e dè, thậm chí thô bạo.
Đành rằng có chuyện “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, không dễ gì buộc ai đó bỏ được thói tắt mắt, trộm cắp, tham lam, xấu tính nhưng với những trường hợp nổi cộm “con sâu làm rầu nồi canh” nghiêm trọng như đã nói, có lẽ cần phải có những biện pháp thích đáng, nghiêm khắc hơn. Đó không đơn giản là hành vi trộm cắp tài sản mà còn là làm nhục quốc thể, gây ra quốc sỉ, mất uy tín của đất nước và dân tộc. Khi việc giáo dục đã bất lực với những kẻ này thì chỉ còn cách để cho pháp luật trừng trị.
Nguyễn Thông