Cuối cùng thì Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, khúc xuân ca vui tươi rộn rã, đầy không khí Tết truyền thống của dân tộc với những lời chúc tốt lành dành cho mọi thành phần trong xã hội, với ước nguyện ngàn đời của dân tộc “chúc non sông hòa bình, hòa bình - ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui - đợi anh về trong chén tình đầy vơi” đã được chính thức cho phép hát... sau 40 năm, mặc dù ca khúc này từ lâu đã vang lên khắp hang cùng ngõ hẹp, trong nam ngoài bắc, mỗi độ xuân về. 

Và bao nhiêu năm nữa cho ly rượu hoan ca?

22/01/2016, 07:28

Cuối cùng thì Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, khúc xuân ca vui tươi rộn rã, đầy không khí Tết truyền thống của dân tộc với những lời chúc tốt lành dành cho mọi thành phần trong xã hội, với ước nguyện ngàn đời của dân tộc “chúc non sông hòa bình, hòa bình - ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui - đợi anh về trong chén tình đầy vơi” đã được chính thức cho phép hát... sau 40 năm, mặc dù ca khúc này từ lâu đã vang lên khắp hang cùng ngõ hẹp, trong nam ngoài bắc, mỗi độ xuân về. 

Đơn giản, vì nó hợp lòng người. Một câu hỏi nảy sinh: Tại sao 40 năm mà không phải là 30 năm? 20 năm? 10 năm? 5 năm? Hoặc không có năm nào cả? Câu hỏi nảy sinh, mặc dù ai cũng hiểu để cuối cùng khúc xuân ca kia chính thức được cho phép phổ biến, bộ máy quản lý đã phải vượt qua biết bao nhiêu rào cản về nhận thức, tư tưởng, tâm lý và sự thấu hiểu lòng người. Và, chỉ một ca khúc giúp lòng người Việt xích lại gần nhau, để được công nhận, đã phải tốn nhiều thời gian đến vậy thì những vấn đề to lớn khác phù hợp với quy luật cuộc sống, với lòng người, mang lại sự giàu mạnh cho đất nước, nâng cao cuộc sống của người dân sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để vượt qua những rào cản về nhận thức và tư tưởng, để được công nhận và đi vào cuộc sống? Đó là băn khoăn không của riêng ai. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, một vị bộ trưởng được coi là có tinh thần đổi mới mạnh mẽ từng nói thẳng thắn tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 22.10.2015 rằng ông có 3 mối băn khoăn lớn về tương lai đất nước.
Đó là sự yếu kém của khối doanh nghiệp trong nước, sự yếu kém của ngành nông nghiệp và vấn đề sử dụng lãng phí, kém hiệu quả ngân sách. Theo ông, băn khoăn lớn nhất là doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam. Một đất nước muốn tự chủ kinh tế thì DN của nước ấy phải phát triển, nó không chỉ hỗ trợ cho DN đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn phải đủ sức để tiếp thu công nghệ của nước ngoài. Một nền kinh tế không có được lực lượng DN mạnh không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ. Nền tảng sản xuất của đất nước ngày càng mất đi.
DN Việt Nam đông, nhưng phần lớn là buôn bán, kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Điều trăn trở thứ 2, theo ông Vinh, Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng nền nông nghiệp rất thô sơ. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm về sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng rất thấp. “Bao nhiêu năm vẫn còn con trâu đi trước, cái cày theo sau, ruộng chia bé tí, kể cả ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân đất cho các hộ gia đình tự cứu mình thời gian trước đã trở thành cản trở cho giai đoạn này.
Nông nghiệp phải đi vào chất lượng, bắt đầu từ giống, phải canh tác quy mô lớn. Cần phải có một chủ trương về tích tụ đất đai. Ta có thể có năng suất lớn trên từng diện tích, nhưng giá thành không bao giờ rẻ được vì ta chia nhỏ ra. Phải làm cánh đồng mẫu lớn thì mới đưa công nghệ cao vào được”, ông Vinh nói. Cuối cùng, theo bộ trưởng, cần phải cơ cấu lại ngân sách vì trong khi nguồn thu rất eo hẹp thì ngân sách lại được sử dụng rất lãng phí, không đúng mục tiêu, thiếu hiệu quả, do đó mà không giúp kinh tế tăng trưởng nhanh được.
Tất cả những vấn đề được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ra đều không mới, đã được nói đến nhiều, thảo luận nhiều trong những năm qua, nhưng tiến bộ đạt được rất ít. Chẳng hạn vấn đề quyền sở hữu và tích tụ đất đai cho sản xuất lớn đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ngân sách vẫn chưa được cơ cấu lại. Doanh nghiệp tư nhân, ngoài một số ít tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, còn lại vẫn èo uột.
Tất cả dường như vẫn đang vướng một cái chốt để có thể tràn ra thành một nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ, mạnh mẽ và bền vững. Đó là chưa nói đến không ít vấn đề bức xúc về phân hóa giàu nghèo trong xã hội, về nạn tham nhũng chưa được chặn đứng, về những xuống cấp về văn hóa và đạo đức xã hội, về lòng người Việt trong và ngoài nước chưa hòa hợp.
Trở lại với Ly rượu mừng. Ca khúc đã được chính thức công nhận sau 40 năm, dù sao cũng là dấu hiệu đáng mừng. Câu hỏi tiếp theo là bao giờ tất cả những trở ngại cho phát triển được dẹp bỏ để người Việt sớm được nâng ly và hát khúc hoan ca về một đất nước phát triển; một dân tộc hòa hợp, đầy tự tin và lạc quan hướng đến tương lai; một cuộc sống văn minh, no đủ và yên bình cho mọi người dân?
Đoàn Khắc Xuyên / Duyên dáng Việt Nam - Xuân Bính Thân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
‘Ông lớn’ công nghệ mong muốn đầu tư vào chíp, bán dẫn tại Việt Nam
một giờ trước Thị trường và chính sách
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Và bao nhiêu năm nữa cho ly rượu hoan ca?