Nằm dọc khắp dải đất hình chữ S, các điểm đến sau đều là điểm du lịch nổi tiếng và từng xuất hiện trong những truyền thuyết Việt Nam.

Những điểm đến dọc đất nước Việt Nam từng xuất hiện trong truyền thuyết

Nhật Hạ | 23/04/2021, 16:22

Nằm dọc khắp dải đất hình chữ S, các điểm đến sau đều là điểm du lịch nổi tiếng và từng xuất hiện trong những truyền thuyết Việt Nam.

Lịch sử văn học Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú với đủ các truyền thuyết về những mối tình trái ngang, lịch sử chống giặc ngoại xâm hay quá trình hình thành nên các di tích còn sót lại của ngày hôm nay. Nhiều nơi trong những câu chuyện đó hiện đang là những điểm đến du lịch thú vị để du khách tìm về và khám phá bề dày văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Nhân ngày Sách Thế giới 23.4 năm nay, Agoda đã gợi ý cho du khách yêu thích các câu chuyện cổ tích về các điểm đến có thật, từng xuất hiện trong những truyện thần thoại Việt Nam.

Hà Nội – trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích

Không chỉ được biết đến là thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam, Hà Nội còn là trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích nổi tiếng. Điển hình nhất phải kể đến sự tích Hồ Hoàn Kiếm, nổi tiếng với giai thoại vua Lê Lợi trao trả thanh gươm Thuận Thiên cho Long Quân sau khi thành công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Từ đó, hồ được biết đến với tên gọi Hồ Gươm hoặc Hồ Hoàn Kiếm, nằm ngay tại trái tim của phố cổ Hà Nội, và là điểm đến quen thuộc của mọi du khách khi đến với thủ đô của Việt Nam.

ngaysach1.jpg

Hồ Hoàn Kiếm  - Ảnh: Download

Cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 30 phút lái xe, những người đam mê văn học có thể tìm về cổ tích Cổ Loa Thành, kể về câu chuyện tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thủy, con gái của vua An Dương Vương nước Âu Lạc và Triệu Đà, vua nước Nam Việt. Chuyện diễn ra tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, nơi cho đến tận ngày nay vẫn được người dân mở hội tại đền thờ để tưởng nhớ vị vua vĩ đại An Dương Vương. Bên cạnh đó, du khách có thể ghé thăm giếng ngọc Trọng Thủy Mỵ Châu, nằm ngay cửa đền An Dương Vương, tương truyền là nơi chàng Trọng Thủy gieo mình xuống giếng tự vẫn vì nhớ thương nàng Mỵ Châu.

Đền thờ An Dương Vương và giếng Trọng Thủy - Mỵ Châu

Đánh đuổi giặc ngoại xâm luôn là thành tố xuyên suốt chiều dài văn học dân gian Việt Nam, lấy các trận chiến thần thoại và anh hùng làm trung tâm. Làng Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc, có vị trí chiến lược, là bệ phóng cho những chiến công huyền thoại của anh hùng Thánh Gióng trên con ngựa sắt của mình. Hội Gióng đền Phù Đổng, nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 – 9.4 âm lịch, nhằm ngày 18 – 20. 5 năm nay, với hàng trăm diễn viên tái hiện trận chiến hào hùng nhằm gợi nhắc câu chuyện trong truyền thuyết vẫn tồn tại đến ngày nay.

denthoanduongvuong.jpg
Đền thờ An Dương Vương  - Ảnh: Kienthuc

Dãy núi huyền thoại của phương Bắc

Cách Hà Nội 90 phút đi xe là vùng đất linh thiêng nơi có dãy núi Ba Vì tráng lệ, được thiên nhiên khéo léo ban tặng những đỉnh núi kỳ vĩ và thung lũng xanh tươi đẹp, hữu tình. Nơi đây vốn được biết đến như một điểm nghỉ dưỡng có sức hút khó cưỡng với những người tìm kiếm kỳ nghỉ yên tĩnh tự tại, tạm lánh xa ồn ào phố thị. Ngọn núi ấy cũng chính là nơi bắt nguồn của truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh, minh chứng cho trận chiến long trời lở đất giữa thần núi Tản Viên Sơn Tinh và thần nước Thuỷ Tinh để giành lấy trái tim công chúa Mỵ Nương.

ngaysach2hobabe.jpg
Một góc xanh mướt cạnh dãy núi Ba Vì - Ảnh: Melia Ba Vì

Hồ Ba Bể còn được biết đến là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, gắn với câu chuyện cổ tích về luật nhân quả. Sự tích kể rằng, vào hội cầu Phật dịp đầu năm mới, từ đâu xuất hiện một bà lão ăn xin gầy gò, lở loét, quần áo bẩn thỉu và bốc mùi, đi đến đâu cũng bị dân làng xua đuổi. Thấy bà lão tội nghiệp, hai mẹ con cậu bé đưa bà về nhà ăn uống và mời bà nghỉ lại qua đêm. Đáp trả lại lòng tốt của họ, sáng ra bà lão báo rằng vùng này sắp có lụt lớn và đưa cho họ một gói tro bếp dặn đem rắc quanh nhà. Sau trận lụt kinh hoàng, ngôi nhà của hai mẹ con cậu bé tốt bụng vẫn nguyên vẹn, họ sống sót và tiếp tục cứu vớt người gặp nạn.

ngaysachhobabe.jpg
Du khách trải nghiệm trên hồ Ba Bể - Ảnh: Internet

Khách du lịch đến với hồ Ba Bể có thể thỏa sức tận hưởng thác nước đẹp hùng vĩ, thơ mộng nhìn từ gò đất giữa hồ, chiêm nghiệm ý nghĩa từ sự tích dân gian lâu đời luôn răn dạy con cháu về lòng trắc ẩn, những người ở hiền ắt sẽ gặp những điều tốt lành. Có nhiều điểm lưu trú giá phải chăng quanh hồ Ba Bể được khách du lịch yêu mến và liên tục có ưu đãi trên website đặt phòng Agoda, có thể kể đến như Mr Linh's Homestay, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho các gia đình say mê tầm nhìn hướng hồ tuyệt đẹp.

Trái tim của Tổ quốc

Miền Trung Việt Nam là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử dân gian của đất nước ta. Thật vậy, chuyện kể rằng ngày xưa, vì làm phật ý vua cha, hoàng tử Mai An Tiêm cùng vợ con đã bị đày ra một hòn đảo hoang, tương truyền là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa ngày nay. Khi chàng nhìn thấy những chú chim ăn một loại trái cây lạ, chàng đã nếm thử. Nhận thấy vị ngon thanh mát của loại trái này, chàng lấy hạt mang về gieo trồng và đặt tên là "dưa hấu". Nhớ đất liền, chàng thả chúng trên biển, hy vọng những quả dưa ngon lành này sẽ trôi dạt tới quê nhà. Cảm phục trước sự tháo vát của con trai, vua Hùng đã đón gia đình An Tiêm quay về và để chàng truyền dạy cách gieo trồng, chăm bón cho dân chúng. Từ sự tích này, hàng năm vào tháng 3 âm lịch (năm nay rơi vào ngày 23 và 24.4), lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức tại đền thờ Mai An Tiêm ở huyện Nga Sơn nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức khai thiên lập địa cho nghề canh nông của chàng.

ngaysachdenthomaiantiem.jpg
Đền thờ Mai An Tiêm ở Thanh Hóa - Ảnh: Internet

Chỉ vài giờ lái xe về phía Nam, băng qua đèo Hải Vân, du khách sẽ đến với thành phố Đà Nẵng. Ngày nay, dù xây dựng nhiều địa điểm mới nổi tiếng, từ cáp treo Bà Nà cho đến các khu nghỉ mát bên bờ biển, Ngũ Hành Sơn vẫn là một địa điểm thu hút du khách thời nay. Sở dĩ có cái tên "Ngũ Hành Sơn" là bởi nó gắn liền với một câu chuyện cổ tích của người Chăm thời xưa. Chuyện kể về hành trình ông lão bảo vệ quả trứng của Long Quân khỏi những kẻ săn mồi, dưới sự giúp sức của thần Kim Quy. Quả trứng nhanh chóng phát triển và nở ra một cô gái xinh đẹp. Vỏ trứng đã tách ra và trở thành cụm núi đá với 5 ngọn núi được đặt tên theo ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) mà chúng ta đều biết như ngày hôm nay. Trong số năm ngọn núi này, Thủy Sơn là ngọn núi đẹp nhất và thường được du khách ghé thăm ngoạn cảnh.

ngaysachnguhangson.jpg
Ngũ Hành Sơn - Ảnh: Internet

Những câu chuyện cổ miền Tây

Không kém cạnh người anh em miền Bắc của mình, miền Tây Nam Bộ cũng được xem là kho tàng của những câu chuyện lịch sử văn học sâu sắc. Hàng năm, du khách đều đổ về miếu Bà Chúa Xứ, tỉnh An Giang, nơi người ta truyền tai nhau về trận chiến huyền thoại của dân tộc. Năm xưa, tại vùng đất này, Thánh Mẫu đã đánh đuổi quân Xiêm, bảo vệ dân tộc khỏi giặc ngoại xâm. Để tỏ lòng biết ơn cũng như để tôn vinh bà, người dân ở đây đã xây một ngôi chùa ở làng Vĩnh Tế, dưới chân núi Sam làm nơi tổ chức lễ hội từ đêm 23 - 27.4 âm lịch.

ngaysachnuisam.jpg
Cánh đồng lúa mênh mông ở An Giang - Ảnh: Victoria Núi Sam Lodge

Cách đó vài tỉnh dọc lên theo biên giới Campuchia là Tây Ninh và Núi Bà. Ngọn núi được biết đến bởi câu chuyện thần bí nhuốm màu bi thương của nàng Lý Thị Thiên Hương. Nàng đã chọn cách gieo mình xuống núi quyên sinh để giữ lòng trung trinh cho người mình yêu, thay vì phải gả cho người đàn ông được gia đình sắp xếp cho nàng. Những năm sau đó, người dân đã đúc một bức tượng bằng đồng đen và tôn nàng là Linh Sơn Thánh Mẫu (còn gọi là Bà Đen). Lễ hội Núi Bà được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng âm lịch, thu hút cả triệu du khách mỗi năm đến tham quan và tưởng nhớ sự hy sinh của bà. Là điểm đến thu hút nhiều người dân TP.HCM và các vùng lân cận, ngọn núi nằm cách thị xã Tây Ninh khoảng 10km.

Nếu bạn muốn tìm hiểu những câu chuyện về anh hùng thần thoại Việt Nam, hãy đi theo vết chân của họ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm đến dọc đất nước Việt Nam từng xuất hiện trong truyền thuyết