Tết Nguyên Đán là lễ hội đặc sắc trong văn hóa của người Việt, trong đó có tập quán "du xuân" vào những ngày đầu năm. Theo phong tục, chọn một địa điểm ưng ý để xuất hành đầu xuân sẽ đem đến nhiều điều may mắn cho gia đình người thân trong suốt những tháng còn lại của năm.
Tại Hà Nội
Nói đến đất Bắc, người ta thường nghĩ ngay đến Hà Nội, Tết Hà Nội luôn đẹp và thơ mộng, nhất là những cơn mưa phùn đầu năm luôn gây cho du khách một cảm xúc khó tả.
- Hồ Gươm - Trái tim Hà Nội
Đến với Hà Nội dịp Tết này, bạn có thể ghé thăm Hồ Gươm – nơi bạn có thể nhìn thấy hình ảnh những bậc cao niên ngồi nhâm nhi tách trà thơm nghi ngút khói, cùng những ván cờ ngày xuân. Nếu là người yêu thích những giá trị truyền thống, Hà Nội ngàn năm văn hiến với không khí Tết cổ truyền chính là lựa chọn thích hợp cho bạn. Hoặc bạn cũng có thể ghé thăm Tràng An, Bái Đính để cầu bình an, may mắn cho gia đình.
- Vườn hoa Nhật Tân
Thương hiệu hoa đào Nhật Tân chắc chắn đã không còn gì xa lạ đối với người dân cả nước. Vườn hoa Nhật Tân cũng là địa điểm chụp ảnh quen thuộc và hấp dẫn nhất đối với giới trẻ Hà Nội. Tại đây, bạn có thể ngắm những gốc đào tươi khoe sắc, chụp ảnh, hoặc chọn mua một vài cành đào mang về nhà.
Vườn đào Nhật Tân cũng nằm cạnh Bãi đá sông Hồng nổi tiếng không kém. Khoác trên mình những bộ áo dài cách tân đang là xu hướng, đây chắc chắn là địa điểm vui chơi, chụp ảnh Tết tuyệt vời cho các bạn trẻ.
- Phố Cổ
Phố Cổ chính là địa điểm vui chơi phổ biến nhất mỗi dịp nghỉ lễ. Càng gần ngày Tết, khu vực Phố Cổ, Hồ Gươm càng đông đúc, tấp nập. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nhất những nét đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam. Những phố mà mọi người hay ghé qua dạo chơi, chụp ảnh ngày Tết là Tạ Hiện, Hàng Mã, Hàng Đào… Ngoài ra bạn cũng không nên bỏ lỡ phiên chợ Tết có một không hai tại Phố Cổ. Chợ họp vào tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật mỗi tuần. Kéo dài từ Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường cho đến tận Hàng Giầy. Những mặt hàng cho ngày Tết hầu như đều có đầy đủ tại đây.
- Công viên nước Hồ Tây
Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2017, để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách, công viên nước Hồ Tây sẽ tổ chức chương trình “Chào xuân Đinh Dậu – Tết Việt 2017” với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Trong khuôn viên ngoài trời rộng lớn, Công viên Hồ Tây sẽ được trang trí công phu, tỉ mỉ và rực rỡ - như khoác lên mình chiếc áo mới, mang đậm màu sắc của Tết cổ truyền 2 miền Nam – Bắc. Với chủ đề “Tết Việt 2017”, công viên Hồ Tây sẽ được trang trí mô phỏng những đặc trưng của 2 miền Nam – Bắc như “Đêm xuân”, “Cây ước nguyện”, “Vui tết thôn quê”, “Sắc xuân miền Nam”… Cảnh thanh bình của làng quê ngày Tết miền Bắc cũng được tái hiện hết sức sinh động. Từ hình ảnh dòng sông quê êm đềm đến giếng nước, vườn rau… tất cả tạo nên một bức tranh quen thuộc trong tâm trí của mỗi người dân ở vùng Bắc Bộ. Để lại sau lưng Tết Bắc thân thương, Tết của miền Nam lại là những sắc vàng rực rỡ của hoa mai, là cổng chợ Bến Thành. Xen kẽ giữa cảnh đẹp ngày Tết là những chõng tre của ông đồ ngồi viết thư pháp hay khu vực chợ quê dân dã.
Đặc biệt, trong các ngày mùng 1, 2, 3, 4 Tết, chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn như múa lân sư rồng, hát văn, hát quan họ, múa dân gian, ảo thuật, âm nhạc đường phố… sẽ mang đến một không gian đậm màu sắc dân tộc cho ngày tết cổ truyền “Chào xuân Đinh Dậu – Tết Việt 2017”.
- Bảo tàng Dân tộc học
Vào dịp Tết, bảo tàng Dân tộc học thường tổ chức các trò chơi dân gian tại lễ hội xuân. Nổi bật nhất là Hội Vui Xuân Tết với những hoạt động bổ ích, những buổi sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn liền với Tết cổ truyền và tập quán đón năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam.
Tại đây các bạn trẻ sẽ có cơ hội tham gia các trò chơi dân gian trong hội xuân của người dân tộc như ném pao, ném còn, đi goòng, chơi quay… Còn có cả các trò chơi truyền thống của người Việt như nhảy dây, nhảy bao bố, kéo co, pháo đất, đánh đu, đấu vật, thưởng thức ẩm thực ngày tết. Trẻ em sẽ được làm nhiều loại đồ chơi dân gian như nặn tò he, tô vẽ 12 con giáp bằng gốm, tô vẽ tranh 12 con giáp…
Tại TP.HCM
- Đường hoa Nguyễn Huệ
Đón xuân Đinh Dậu, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức mở cửa đón khách chính thức từ lúc 19 giờ ngày 25.1 (tức 28 tháng chạp) và kéo dài đến 22 giờ ngày 31.1 (tức mùng 4 Tết).
Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ đón du khách bằng đại cảnh “Xuân sum họp” khắc họa hình ảnh gia đình gà đầm ấm, sung túc, sum vầy ngay giao lộ đường Lê Lợi- Nguyễn Huệ. Đây cũng là cổng chính của đường hoa 2017. Biểu tượng linh vật của năm Đinh Dậu được đặt ở vị trí trung tâm với gà trống cao hơn 3m. Tiểu cảnh là “Đài sen hồng”, hình ảnh đóa sen cách điệu với thân dáng mềm mại tựa đôi tay nâng niu đài sen đang vươn lên, tỏa sáng, liền mạch. Đôi luống hoa uốn lượn đánh dấu sự chuyển mình lớn, hội nhập và phát triển bền vững của thành phố với niềm tự hào 41 năm TP.HCM.
- Đến Đầm Sen bay khinh khí cầu với các phi công quốc tế
Với mong muốn tạo ra những sản phẩm du lịch mới, nâng cao sức hấp dẫn và khác biệt, góp phần quảng bá du lịch TP.HCM nói chung và Đầm Sen nói riêng đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế, nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, Công ty CP DVDL Phú Thọ - CVVH Đầm Sen sẽ tổ chức nhiều sự kiện giải trí đặc sắc phục vụ khách du xuân liên tục từ mồng 1 đến mồng 9 Tết âm lịch (tức 28.1 – 5.2.2017).
Đây là lần đầu tiên Công viên văn hóa Đầm Sen đưa loại hình giải trí đặc biệt chưa từng xuất hiện tại VN để phục vụ khách du xuân. Đó là Lễ hội Khinh khí cầu bay treo mừng Xuân Đinh Dậu 2017 tại Đầm Sen. Lễ hội Khinh khí cầu bay treo chính là điểm nhấn đặc biệt và lần đầu tiên xuất hiện tại Đầm Sen.
Công viên văn hóa Đầm Sen cũng là khu vui chơi giải trí văn hóa với quy mô rộng lớn với hàng trăm trò chơi, từ tham quan, nhẹ nhàng cho đến những trò cảm giác mạnh. Đặc biệt, Đầm Sen có công viên nước với bao trò chơi tha hồ cho bạn khám phá vui đùa dưới dòng nước mát lành.
- Dạo phố Ông đồ xin chữ đầu năm
Phố Ông Đồ không chỉ có các gian hàng cho chữ mà xen lẫn là những cây mai vàng, những cành đào tượng trưng cho mùa xuân được bài trí đẹp mắt. Du khách có thể thoải mái chụp ảnh lưu niệm ở không gian một năm chỉ có một dịp này.
Phố Ông Đồ lại được mở ra và náo nhiệt không khí Tết. Phố Ông Đồ tọa lạc ở địa chỉ Nhà văn hóa Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM). Hàng chục ông đồ bày mực tầu, giấy đỏ xen lẫn trong những hàng mai, tiểu cảnh, họa tiết. Rất đông người đến xin chữ cũng như tham quan chụp hình lưu niệm tại khu phố ông đồ, không khí nhộn nhịp, tưng bừng. Các mặt hàng khá phong phú từ chủng loại đến chất liệu như viết trên giấy truyền thống, trên gỗ hay khắc họa trên đá.
Khu du lịch Suối Tiên
Suối Tiên là khu du lịch nổi tiếng hẳn không chỉ người dân Sài Gòn mới biết và tìm đến mà người dân từ các tỉnh miền Bắc, Trung và miền Tây Nam Bộ cũng biết đến và hàng năm, nơi đây chào đón hàng vạn du khách khắp mọi miền đất nước. Vào các ngày lễ tết, Suối Tiên tấp nập hơn bao giờ hết với nhiều chương trình đa dạng đặc sắc phục vụ tết. Nếu ở Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng đến đây mua vé vào cổng tham quan và chơi những trò chơi yêu thích của mình. Nơi đây tái hiện các công trình sông núi đồ sộ, các trò chơi mạo hiểm, các nhân vật và câu chuyện cổ tích, thần thoại sống động mãn nhãn cho người xem.
Khu du lịch Suối Tiên tọa lạc tại Quận 9, ngay vị trí đắc địa cửa ngõ thành phố, Suối Tiên từ lâu đã nổi tiếng là khu du lịch hoành tráng với quy mô rộng lớn đủ thứ trò chơi, tham quan hấp dẫn du khách bốn phương.
Khu du lịch Bình Quới
Khu du lịch Bình Quới nằm trên bán đảo Thanh Đa cạnh sông Sài Gòn có quãng đường khoảng 8 km từ trung tâm thành phố, đường di chuyển khá thuận tiện, không mất quá nhiều thời gian cho những du khách ở trung tâm thành phố.
Đối với những ai yêu vẻ đẹp của thiên nhiên đồng quê dân giã với gốc cây, bến nước, với những món ăn nóng hổi đồng quê thì khi đến Bình Quới sẽ như sống lại được trong khung cảnh đó. Với thiết kế thiên về du lịch đồng quê, Bình Quới bạt ngàn cây xanh và cỏ xanh. Những mệt mỏi và sự ồn ào của phố thị sẽ tạm thời gác sang một bên.
Ở đây đặc biệt có không gian riêng tư dành cho từng nhóm, từng gia đình với các căn nhà nhỏ biệt lập. Các dịch vụ khác cũng không kém phần thú vị như: chèo thuyền, du thuyền trên sông, quay phim – chụp hình, câu cá, nhà nghỉ gia đình, phòng họp, khu trò chơi dân gian.
Đến đường Sách Nguyễn Văn Bình xem lễ hội sách
Luôn gắn liền với “đường hoa Nguyễn Huệ” vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán là đường sách Tết. Đường sách được xem là con đường tham quan trí thức, vì thế thu hút khách đến tham quan không kém gì đường hoa, đặc biệt là có rất nhiều trẻ em. Dù chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng đường sách thành phố vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán được đông đảo người dân thành phố và du khách mong đợi.
Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn giải trí khác tại TP.HCM
- Tết con gà – Cười thả ga
Trong những ngày Tết, mỗi ngày từ 12g - 13g, tại sân khấu Ngôi Sao sẽ là những tiết mục hài kịch - tạp kỹ đặc sắc với các nhóm hài đang ăn khách nhất hiện nay như: Trường Giang, Chí Tài, Thu Trang… và những nhóm hài đang được yêu thích như BB & BG, Chuồn Chuồn Giấy, kèm những tiết mục tạp kỹ, ảo thuật với màn hình led… đem đến cho khách tham quan những phút giây thư giãn và cùng “cười thả ga” trong những ngày đầu năm mới.
-Tết con gà – Thỏa hát ca
Từ 15 giờ - 16 giờ30 mỗi ngày, tại sân khấu Ngôi Sao sẽ là những tiết mục thể hiện hai màu sắc tương phản giữa Bolero và EDM qua phần thể hiện của các ca sĩ dòng nhạc Bolero như Hoài Lâm, Hà Vân, Quang Đại… và các ca sĩ dòng nhạc EDM như Hồ Quang Hiếu, Ngô Kiến Huy… để đem đến cho khách tham quan những phút giây thoải mái.
Đặc biệt trong chương trình sẽ có sự tương tác giữa khán giả và ca sĩ (đầu chương trình BTC sẽ thông báo 5 ca khúc đang ăn khách dựa vào danh sách ca khúc ca sĩ sẽ biểu diễn trong ngày, MC sẽ hướng dẫn cho khách tham quan cách hát và đăng kí tham gia chương trình).
- Tết Con gà - Thỏa khám phá
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố sẽ diễn ra tại khắp các khu vực trong khuôn viên CVVH Đầm Sen để đem đến những trải nghiệm đặc sắc, mới lạ, hấp dẫn, những niềm vui và nụ cười đầu năm dành cho khách tham quan trong dịp đầu năm mới: biểu diễn Bong bóng xà phòng; Acoustic band với các ca khúc Acoustic US-UK; biểu diễn Body Paiting Art với sự kết hợp biểu diễn giữa 2 model nước ngoài và Việt Nam theo 3 chủ đề: Tranh Đông Hồ, Rực rỡ sắc xuân, Ngũ quả.
- Tết con gà xem phim 3D
Tết Nguyên đán 2017 tại Đầm Sen với 5 bộ phim mới nhất. Tổng ngân sách đầu tư công trình là 15 tỷ đồng, sức chứa 32 chổ ngồi/suất chiếu.Phim 8D nằm trong danh mục trò chơi của "Vé trọn gói" và phục vụ khách mua vé lẻ. Ngoài ra, Rạp phim 8D cũng có cổng vào dành cho khách từ bên ngoài muốn vào xem phim 8D (mà không có nhu cầu vào bên trong công viên).
Tại thành phố Đà Nẵng
Năm nay, Đà Nẵng lại đón một mùa lạnh muộn hơn mọi năm, giữa tiết trời se se lạnh, có chút nắng mùa xuân đang ngập tràn và lan toả trên từng con đường, góc phố của thành phố Đà Nẵng, làm cho thành phố có một cái Tết đầy thi vị hơn những năm trước.
- Xem rồng phun lửa tại cầu Rồng
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem Rồng phun lửa, phun nước vào tối thứ Bảy hằng tuần. – Thời gian: Tối thứ Bảy hoặc Chủ nhật hằng tuần trong năm 2017 – Địa điểm: Công viên bờ Đông cầu Rồng (khu đất đường Trần Hưng Đạo – Lý Nam Đế)
- Thưởng thức hát Bài Chòi trên đường phố
Hô hát bài Chòi lời cổ và lời mới ca ngợi về thành phố Đà Nẵng; hình thức hô hát bài Chòi hội và bài Chòi trải chiếu – Thời gian: Vào 03 đêm trong tuần từ 17 giờ 00 đến 21 giờ 30 các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật – Địa điểm: Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, phía Nam bờ Đông cầu Rồng.
- Hội Hoa xuân và Chợ hoa Tết Đinh Dậu 2017
Các hoạt động trang trí, trưng bày hoa, sinh vật cảnh; các hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Địa điểm: Công viên 29/3 và Quảng trường 29/3 Thời gian: Từ 27.1đến 3.2.2017 (nhằm 30 tháng Chạp đến mồng 7 Tết âm lịch)
- Chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa Mừng Đảng đón Xuân 2017 (từ 22h00 đến 24h00)
Địa điểm: Tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương Thời gian: Ngày 27.1/2017 (Đêm Giao thừa Tết Nguyên Đán)
Chương trình “Nghệ thuật Xiếc Việt Nam 2”
Địa điểm: Khu đất trống đường Cách Mạng Tháng 8 phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu Thời gian: Liên tục từ ngày 29.1 đến 10.1.2017 (nhằm ngày mồng 2 đến 14 tháng Giêng âm lịch).
Tại phố cổ Hội An, Quảng Nam
Lễ hội ánh sáng này sẽ bắt đầu từ ngày 27.1 đến ngày 8.2.2017 (tức ngày 30 tháng Chạp âm lịch đến ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Mỗi tối sẽ có 3 buổi diễn vào 19 giờ, 20 giờ và21 giờ, mỗi suất diễn kéo dài từ 7-10 phút.
Cụ thể “Lễ hội ánh sáng Hội An” có 6 địa điểm di tích ở TP. Hội An (Quảng Nam) sẽ được trình chiếu ánh sáng như Chùa Cầu, cầu An Hội, sông Hoài, công viên Kazik, điểm dừng chân số 2 Bạch Đằng và một đoạn phố trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Tại mỗi địa điểm, hệ thống ánh sáng và đèn sẽ trình chiếu một hình tượng riêng trong nhóm Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Biểu tượng linh vật Long – Phụng sẽ được trưng tại công viên Kazik; Linh vật Lân trưng tại cầu An Hội; biểu tượng Quy được trình chiếu trước nhà số 31 Nguyễn Thái Học.
Ngoài vào ngày Tết, du khách đến Hội An có thể cảm nhận không khí tết ở Hội An qua cách trang trí rực rỡ màu sắc với các hình ảnh rồng phượng quyện trong ánh đèn lồng, hoa đăng trên sông với mong muốn về những điều tốt lành trong năm mới.