Nếu chỉ so sánh các con số thống kê về tốc độ tăng trưởng hàng năm, thì Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và kể cả trong tương lai gần đã không còn là đối thủ của Ấn Độ nữa.
Hội nghị G20 ở Thành Đô, Trung Quốc đang là sự kiện tâm điểm của nền kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại, khi nó được xem là nơi các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ đưa ra cách thức đối phó với những hậu quả mà Brexit gây ra. Tuy nhiên, nó cũng đang tạo ra một sự phân tầng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó Nhật Bản và Ấn Độ mới được coi là những điểm sáng của kinh tế châu Á và giúp nền kinh tế khu vực tăng trưởng chứ không phải là Trung Quốc – nền kinh tế số hai thế giới và số một châu Á.
Sự suy giảm tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đang trở nên đối lập với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây của Ấn Độ. Tuy nhiên, dù đang là niềm hy vọng mới của kinh tế châu Á thì Ấn Độ vẫn chưa thể qua mặt được Trung Quốc, dù tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã vượt qua người láng giềng của mình. Vậy, đâu là lý do khiến cho kinh tế Ấn Độ vẫn chưa thể qua mặt được kinh tế Trung Quốc?
Nếu chỉ so sánh các con số thống kê về tốc độ tăng trưởng hàng năm, thì Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và kể cả trong tương lai gần đã không còn là đối thủ của Ấn Độ nữa. Năm 2015 đánh dấu mốc kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm qua kể từ năm 1990: 6,9%; và tốc độ tăng trưởng dự kiến mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ là từ 6,5-7%/năm mà thôi.
Trong khi tăng trưởng của Trung Quốc đang rơi xuống giai đoạn thấp nhất, thì tăng trưởng của Ấn Độ lại trái ngược hoàn toàn và đang ở giai đoạn cao nhất. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong năm 2015 đạt 7,5%, và được dự báo sẽ đạt trung bình khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Cả Ngân hàng thế giới (WB) lẫn Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đều cho rằng Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới ít nhất là đến năm 2020.
So sánh các điều kiện phát triển kinh tế, từ dân số, diện tích cho đến tốc độ tăng trưởng hàng năm, Ấn Độ đều đang không thua kém Trung Quốc, và có lẽ đó là lý do vì sao các dự đoán kinh tế đến năm 2040 hoặc 2050 đều cho rằng Ấn Độ khi đó sẽ là nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, đó cũng vẫn chỉ dừng lại ở những kết quả dự đoán dựa trên số liệu vĩ mô mà thôi.
Một thực tế là hiện nay dù đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất, thì Ấn Độ vẫn chưa thể qua mặt Trung Quốc xét về quy mô nền kinh tế. Không có gì khó hiểu về điều đó khi Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hai con số trong vòng gần 25 năm qua, còn Ấn Độ thì không. Kể cả giai đoạn tăng trưởng cao nhất của đất nước Nam Á này là giai đoạn 2016-2020 dự kiến trung bình 8%/năm, thì vẫn còn kém xa so với kỷ lục tăng trưởng của Trung Quốc.
Vậy vì sao một Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc về dân số và diện tích cùng các điều kiện khác, lại không thể có một giai đoạn tăng trưởng kỷ lục tương tự. Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan lý giải: trước đây tăng trưởng của Ấn Độ như tốc độ di chuyển của người mù, và giờ đây thì như tốc độ di chuyển của người chột. Nói cách khác, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đang ngày càng tăng, thì vấn đề cốt lõi của quốc gia này vẫn là tăng trưởng dưới mức tiềm năng có thể, hay có thể hiểu rằng Ấn Độ đang tăng trưởng chậm hơn so với khả năng cho phép.
Lý do chủ yếu cho tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng này của Ấn Độ là: đã không có những cuộc cải cách kinh tế sâu rộng trên quy mô lớn, và kể cả khi những cuộc cải cách như vậy được phát động thì cũng thường bị chấm dứt giữa chừng một cách nửa vời.
Lần cải cách lớn nhất và toàn diện nhất nền kinh tế Ấn Độ là vào năm 1991, khi Manmohan Singh – người sau đó sẽ trở thành Bộ trưởng Tài chính và sau đó là thủ tướng Ấn Độ trong vòng 10 năm – đề xuất một kế hoạch cải cách toàn diện nền kinh tế, cũng theo một cách thức tương tự như ở Trung Quốc hay Việt Nam, đó là gỡ bỏ các quy định của mô hình kinh tế theo kiểu xã hội chủ nghĩa và khuyến khích nền kinh tế tư nhân và thị trường, mở cửa đất nước và thúc đẩy thương mại quốc tế. Kết quả của cuộc cải cách này là rất khả quan, Ấn Độ từ chỗ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 1%/năm trước đó đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ấn Độ ngày nay đang trở thành một trong những nền kinh tế năng động, có quy mô hàng đầu châu lục và thế giới là kết quả của cuộc cải cách năm 1991 này.
Tuy nhiên, cuộc cải cách 1991 đã không đi hết những chương trình mà những người soạn thảo vạch ra. Một thực tế là hầu hết các chính phủ Ấn Độ thuộc nhiều nhiệm kỳ khác nhau đều có một xu hướng là trì hoãn cải cách, do các áp lực về chính trị.
Cuộc cải cách 1991 do Manmohan Singh đề xuất chỉ thực sự được thúc đẩy quyết liệt trong vài năm, sau đó chậm dần lại do thu được một số kết quả và khiến áp lực cải cách kinh tế giảm đi, và thủ tướng Ấn Độ khi đó là Narasimha Rao đã dừng cuộc cải cách. Điều này cũng diễn ra ngay cả khi Manmohan Singh trở thành thủ tướng Ấn Độ trong vòng 10 năm sau đó, khi bản thân vị thủ tướng này cố gắng tiếp tục cuộc cải cách đã bị bỏ dở trong những năm 1990 nhưng đã không thành công trọn vẹn, dù đã diễn ra khá mạnh trong một số lĩnh vực như tự do hóa nền kinh tế, phát triển thương mại và công nghiệp.
Một trong những lý do giải thích điều này là cơ chế chính trị và chế độ nghị viện của nước này khó có thể dung nạp và tiến hành một kế hoạch cải cách sâu rộng và toàn diện cả về kinh tế lẫn xã hội. Các chính phủ Ấn Độ có xu hướng sẽ cải cách một cách chậm rãi khi tình thế bắt buộc, nhưng khi áp lực cải cách kinh tế đã giảm xuống do một số thành quả thu được, thì nhiều khả năng cuộc cải cách sẽ bị bỏ dở.
Có thể chứng kiến điều tương tự ở nước Anh, khi số thủ tướng Anh có thể thực hiện một cuộc cải cách toàn diện là rất hiếm, chỉ có thể kể đến một số ít cái tên như Margaret Thatcher mà thôi. Ngoài ra, đặc trưng văn hóa xã hội truyền thống Ấn Độ cùng với quá khứ lâu dài từng áp dụng các chính sách kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa khiến cho đang tồn tại những ranh giới khó thể vượt qua trong nền kinh tế Ấn Độ.
Điển hình là nông nghiệp, nông dân Ấn Độ hiện vẫn chưa có quyền tự do bán ruộng đất và vẫn bị kiểm soát sản phẩm một cách chặt chẽ. Một ví dụ khác là ngành ngân hàng, khi chính phủ Ấn Độ vẫn chưa cho phép tư nhân hóa trong lĩnh vực này, và đang dẫn tới những khoản thua lỗ và nợ xấu khổng lồ do hoạt động kém hiệu quả.
Xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến chính sách kinh tế của đương kim thủ tướng Narendra Modi kể cả khi ông Modi được coi là một Thatchet của Ấn Độ đi nữa. Những cải cách dở dang và nửa vời đang là lý do khiến cho Ấn Độ vẫn chưa thể tăng trưởng hết tiềm năng và vẫn chưa thể vượt mặt Trung Quốc và khiến cho rất nhiều tiềm năng của quốc gia này đang bị lãng phí. Nếu tận dụng hết tiềm năng, Ấn Độ hoàn toàn có thể qua mặt Trung Quốc về kinh tế, vấn đề là người dân Ấn Độ có muốn hay không mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)