Trung Quốc bị chiến tranh xâu xé, từ đó mang nặng “tâm lý nạn nhân”. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nuôi dưỡng tâm lý này để được tiếng là người bảo vệ lợi ích quốc gia, sửa lại những điều sai trái trong “thế kỷ ô nhục” mà Trung Quốc từng chịu đựng.
Sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hôm 12.7, chính quyền lẫn các phương tiện truyền thông Trung Quốc gần như ngay lập tức đã có phản ứng rất gay gắt với phán quyết.
Hầu hết các phát biểu và bài báo đều dùng những từ ngữ chỉ trích hết sức nặng nề, xem việc Tòa Trọng tài phán quyết chỉ là “trò hề” và “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.
Tâm lý nạn nhân
Trong bài viết đăng trênbáo Bloomberg, nhà báo Michael Schuman nhận định phản ứng gay gắt từ Trung Quốc là kết quả tự nhiên của lối đánh giá lịch sử mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lặp đi lặp lại từ trước đến nay.
Theo cách đánh giá này, Trung Quốc là đất nước ở trung tâm và các nước láng giềng nhỏ hơn phải thần phục. Trung Quốc từ lâu là nạn nhân bị các nước phương Tây sỉ nhục và đến nay vẫn còn bị ngăn cản trên con đường tìm lại vị thế của mình trong trật tự thế giới.
Tư duy này xuất phát từ lịch sử của Trung Quốc. Vào thế kỷ 19, Trung Quốc thời nhà Thanh đã bị các nước phương Tây xâu xé. Đến Chiến tranh thế giới thứ 2, Trung Quốc lại bị phát xít Nhật xâm lược.
Quân đội Nhật hoàng chiếm đóng Nam Kinh từ cuối năm 1937 - Ảnh: apjjf.org
Về sau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi thời kỳ ấy là “thế kỷ ô nhục” và kêu gọi người dân Trung Quốc không được lãng quên. Đó chính là “tâm lý nạn nhân” đã đè nặng lên Trung Quốc trong một thời gian dài.
Chủ tịch Tập Cận Bình từ khi cầm quyền đã nhiều lần nhắc lại tư duy này.
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít vào ngày 3.9.2015, ông Tập đã khẳng định: “Chiến thắng của quân đội Trung Quốc trước phát xít Nhật đã kết thúc nỗi nhục bị thua liên tiếp dưới tay bọn ngoại xâm trong thời kỳ hiện đại”.
Giọng điệu tương tự đã được áp dụng trong vấn đề Biển Đông. Đầu tháng 7.2016, trang China Daily của Trung Quốc đã đăng một bài viết với tên gọi “Trung Quốc sẽ không nếm vị đắng của sỉ nhục”.
Bài viết cáo buộc việc xử lý tranh chấp hàng hải trước đây đều bị thao túng bởi phương Tây và Tòa Trọng tài chỉ là công cụ chính trị của các thế lực bên ngoài.
Báo China Daily khẳng định: “Thời kỳ Trung Quốc bị xem là “Đông Á bệnh phu” đã qua từ lâu và Trung Quốc sẽ không chấp nhận bị chèn ép”.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ngày 3.9.2015 - Ảnh: THX
Một lịch sử khác
Nhà báo Michael Schuman nhận định Trung Quốc bị đối xử bất công trong quá khứ là chuyện không thể phủ nhận, tuy nhiên đây chỉ là một phần của lịch sử.
Lịch sử Trung Quốc thời hiện đại vẫn có một phiên bản khác, ít được giới lãnh đạo nước này nói đến và cũng không thể khơi dậy tinh thần dân tộc của người dân, nhưng những bài học đem lại sẽ giúp Trung Quốc hưởng lợi trong dài hạn.
Phiên bản lịch sử này được kể như sau: Nhờ hợp tác với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là cường quốc đang trỗi dậy.
Trung Quốc không thể phát triển nhanh chóng như vậy nếu Mỹ không mở cửa thị trường cho hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Các công ty Mỹ, Nhật và châu Âu lũ lượt đầu tư vào Trung Quốc, tạo công ăn việc làm và nhập khẩu phương thức sản xuất vào nước này.
Sự hiện diện về mặt an ninh của Mỹ tại Đông Á, điều mà chính quyền Bắc Kinh xem là điều hạn chế cho quá trình bành trướng của Trung Quốc, trên thực tế đã giúp giữ vững môi trường hòa bình trong khu vực, tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển kinh tế.
Nhờ hợp tác với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ - Ảnh: columbia.edu
Nhà báo Michael Schuman cho rằng nếu chính quyền Bắc Kinh lựa chọn phiên bản lịch sử này thì cách tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ khác.
Trung Quốc sẽ đàm phán một cách hòa bình với Mỹ, Nhật và các nước khác để giải quyết tranh chấp Biển Đông thay vì xem họ là kẻ xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Cách giải quyết hòa bình này còn có thể được áp dụng cho các tranh chấp lãnh thổ khác giữa Trung Quốc với Ấn Độ (tranh chấp khu vực Arunachal Pradesh) và với Nhật (tranh chấp quần đảo Sensaku).
Về mặt kinh tế, với việc không còn mang “tâm lý nạn nhân”, Trung Quốc sẽ đối xử công bằng hơn với doanh nghiệp nước ngoài và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của các công ty này.
Vấn đề nằm ở chỗ Chủ tịch Tập đã được hưởng lợi rất nhiều từ “tâm lý nạn nhân”.
Bằng cách giữ lập trường chống lại những kẻ ngoại xâm, ông được xem là người bảo vệ cho lợi ích quốc gia, sửa lại những điều sai trái trong “thế kỷ ô nhục” mà Trung Quốc từng chịu đựng.
Thái độ ủng hộ rộng rãi mà giới truyền thông dành cho chính quyền Bắc Kinh trong vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài đã cho thấy chiêu sử dụng “tâm lý nạn nhân” có lợi như thế nào.
Tuy nhiên, cứ kể mãi về “thế kỷ ô nhục” sẽ khiến quá trình hợp tác với bên ngoài của Trung Quốc có nguy cơ bị lu mờ, đe dọa đến các lợi ích Trung Quốc được hưởng khi hòa nhập vào hệ thống quốc tế và tuân thủ luật lệ quốc tế.
Việc Trung Quốc chọn phiên bản lịch sử nào sẽ có tính chất quyết định tất cả.
Cẩm Bình (theo Bloomberg)