Khi các tế bào trong một phần nào đó của cơ thể bắt đầu tăng trưởng vượt khỏi sự kiểm soát, tiến trình ung thư hóa bắt đầu. Có nhiều loại ung thư, nhưng gần như tất cả đều khởi nguồn từ sự tăng trưởng quá mức của các tế bào bất thường.
Kì 1: Ung thư là gì?
Ung thư là tên gọi cho một nhóm gồm hơn 100 bệnh khác nhau. Mặc dù có nhiều loại ung thư, nhưng gần như tất cả đều được khơi mào từ sự tăng trưởng quá mức vượt khả năng kiểm soát của các tế bào bất thường.
Ung thư không điều trị có thể dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Tế bào bình thường là gì?
Cơ thể người được cấu tạo từ khoảng một ngàn tỉ tế bào sống. Các tế bào bình thường có đời sống gồm các giai đoạn điển hình: Tăng trưởng, phân chia thành những tế bào mới, và chết theo chương trình (Apoptosis).
Trong những năm đầu đời, các tế bào bình thường phân chia nhanh hơn – và do vậy cho phép chúng ta lớn lên. Sau tuổi trưởng thành, phần lớn tế bào phân chia chỉ để thay thế các tế bào hư mòn, hoặc chết, hoặc để sửa chữa và hồi phục vết thương.
Ung thư khởi đầu như thế nào?
Khi các tế bào trong một phần nào đó của cơ thể bắt đầu tăng trưởng vượt khỏi sự kiểm soát, tiến trình ung thư hóa bắt đầu. Có nhiều loại ung thư, nhưng gần như tất cả đều khởi nguồn từ sự tăng trưởng quá mức của các tế bào bất thường.
Sự phát triển của các tế bào ung thư rất khác so với các tế bào bình thường. Thay vì chết đi, tế bào ung thư tiếp tục tăng trưởng và tạo thành các tế bào bất thường mới. Những tế bào ung thư cũng có thể xâm lấn (hay tăng trưởng vào trong) các mô khác, điều mà các tế bào bình thường không thể làm được. Tăng trưởng vượt quá khả năng kiểm soát và đặc biệt xâm lấn là hai yếu tố làm một tế bào bị gọi là tế bào ung thư.
Tế bào bị ung thư hóa là do vật chất di truyền DNA bị hư hỏng. Như chúng ta đã biết, DNA hiện hữu ở tất cả các tế bào và chỉ huy mọi hoạt động của chúng. Đối với tế bào bình thường có DNA bị hư hại, nó sẽ trải qua quá trình tự sửa chữa hoặc chết đi.
Câu chuyện hoàn toàn khác ở các tế bào ung thư, DNA tổn thương không được sửa chữa, và tế bào cũng không chết như bình thường. Thay vào đó, tế bào này phân chia thành những tế bào mới với các đặc điểm không có ở cơ thể bình thường. Tất cả tế bào mới đều mang DNA tổn thương như tế bào đầu tiên đã tạo ra chúng.
Mỗi chúng ta có một xác suất thừa hưởng DNA bị tổn thương từ bố mẹ. Tuy nhiên, phần lớn DNA bị hư hỏng trong quá trình sống của tế bào bình thường hoặc do tác động bởi môi trường. Thỉnh thoảng DNA cũng bị tổn thương do nguyên nhân có thể xác định, như hút thuốc lá chẳng hạn. Dù là vậy, thông thường không có một nguyên nhân rõ ràng nào được tìm thấy ở người mắc bệnh ung thư.
Trong phần lớn trường hợp, tế bào ung thư tạo thành một khối, cũng thường gọi là một cục hay một u. Một số loại ung thư, như bệnh bạch cầu (ung thư bạch cầu hay leukemia), hiếm khi tạo thành các khối u. Thay vào đó, các ung thư này liên quan đến máu và các cơ quan tạo máu, sẽ theo vòng tuần hoàn đến các mô khác và tăng trưởng tại đây.
Ung thư lan truyền như thế nào?
Các tế bào ung thư thường chu du theo dòng máu hay mạch huyết đến các nơi khác nhau của cơ thể. Tại đó chúng bắt đầu sinh trưởng và tạo thành các khối u, dần già thay thế mô bình thường. Quá trình này được gọi là di căn (metastasis).
Các loại ung thư khác nhau như thế nào?
Dù rằng tế bào ung thư có thể di căn đến nhiều vị trí khác nhau, tên gọi của một bệnh ung thư luôn được đặt theo nơi mà nó khởi phát. Ví dụ, ung thư vú di căn đến gan vẫn được gọi là ung thư vú, không phải ung thư gan. Hoặc ví dụ khác, ung thư tiền liệt tuyến xâm lấn xương thì gọi là ung thư tiền liệt tuyến di căn, không phải ung thư xương.
Các dạng ung thư khác nhau có thể biểu hiện rất khác nhau. Ví dụ, ung thư phổi và ung thư vú là hai bệnh lý rất khác nhau. Chúng tăng trưởng với tốc độ khác nhau và đáp ứng với các điều trị khác nhau. Đó là lí do tại sao bệnh nhân ung thư cần điều trị nhắm đến loại ung thư riêng biệt của họ.
Những khối u không phải ung thư
Không phải tất cả khối u đều là ung thư. Các khối u không phải ung thư được gọi là lành tính. Các khối u lành tính vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề. Ví dụ, chúng có thể tăng trưởng rất lớn và chèn ép các cơ quan và mô khỏe. Nhưng các khối u lành tính không thể xâm lấn (tăng trưởng vào trong) các mô khác. Bởi vì chúng không thể xâm lấn, chúng cũng không thể lan đến các phần khác của cơ thể (di căn). Những khối u lành tính phần lớn không đe dọa tính mạng.
Theo cancer.org (Hiệp hội Ung thư học Hoa Kì)
Soạn dịch và chú giải: Online Research Club – www.onlineresearchclub.org
Trần Diễm Nghi (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Phước Long (Đại học Y Dược TP.HCM), Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y- Đại học Nagasaki, Nhật Bản).