Trong trường hợp bạn không biết, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) không chỉ có mỗi cầu vồng sáu màu là biểu tượng.

Những lá cờ 'kỳ lạ' bạn sẽ nhìn thấy tại các buổi diễu hành tự hào đồng tính

Chí Thiện | 30/06/2018, 08:06

Trong trường hợp bạn không biết, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) không chỉ có mỗi cầu vồng sáu màu là biểu tượng.

Xuyên suốt tháng 6, các buổi diễu hành tự hào của cộng đồng LGBT sẽ được diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới. Đây là dịp để cộng đồng LGBT lẫn người ủng hộ tôn vinh sự đa dạng về tính dục cũng như kêu gọi quyền bình đẳng cho tất cả mọi người trong xã hội bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ.

LGBT vốn là một cộng đồnggồm nhiều nhóm người khác nhau. Khi tham dự các buổi diễu hành tự hào, bạn có thể sẽ bị bỡ ngỡ với nhiều lá cờ hoàn toàn “xa lạ” được giương cao bởi những thành viên khác nhau của cộng đồng LGBT bên cạnh lá cờ cầu vồng. Chính vì thế, Một Thế Giới sẽ giới thiệu một vài lá cờ phổ biến mà bạn sẽ bắt gặp tại những buổi diễu hành tự hào trong tương lai.

Cờ của cộng đồng LGBT

Đây là biểu tượng phổ biến nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất của cộng đồng LGBT

Ra đời vào năm 1977 và được thiết kế bởi Gilbert Baker, cờ cầu vồng ban đầu có 8 màu đại diện cho những yếu tố khác nhau trong cuộc sống cũng như thể hiện sự đa dạng của cộng đồng LGBT. Cụ thể, màu hồng đại diện cho tình dục, đỏ là cuộc sống, cam là chữa lành, vàng là mặt trời, màu xanh lá cây là thiên nhiên, màu ngọc lam là phép thuật, màu xanh dương là sự thanh thản và màu tím là tinh thần.

Gilbert Baker

Phiên bản năm 1977 của Gilbert Baker

Do gặp nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật, cờ cầu vồng về sau giảm xuống còn 6 màu như hiện nay.

Năm 2017, tổ chức More Color More Pride đã kiến nghị thêm màu đen và nâu vào cờ cầu vồng nhằmgia tăng sự hiện diện của những người LGBT da màu. Kiến nghị này bị phản đối mạnh mẽ nhưng cũng có không ít người ủng hộ. Nổi bật nhất là nữ diễn viên đồng tính Lena Waithe đã diện một bộ trang phục như vậy tại Met Gala năm nay.

Cờ của người song tính

Người song tính (bisexual) là những người bị hấp dẫn bởi cả hai giới, là chữ “B” trong LGBT. Nhóm người này thường bị kỳ thị trong chính cộng đồng LGBT bởi định kiến thường thấy là “không chung thủy” hoặc“là đồng tính giả vờ”.

Lá cờ được thiết kế bởi Michael Page vào năm 1998 với mục đích giúp cho xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về người song tính. Theo ông, ý tưởng hòa trộn màu tím với màu xanh và màu hồng khắc họa một thực tế là người song tính thường bị phai mờ và mắc kẹt giữa hai cộng đồng người dị tính và người đồng tính.

Cờ của người chuyển giới

Monica Helms là một cựu lính hải quân Mỹ đã công khai là người chuyển giới nữ vào năm 1987. Trong một cuộc gặp mặt với Michael Page, ông đã nói với cô rằng: “Người chuyển giới cũng cần có một lá cờ riêng”.

Kết quả, Monica Helms đã xuất hiện tại buổi diễu hành tự hào vào năm 1999 với lá cờ do chính tay cô thiết kế. Ý tưởng khá đơn giản. Màu hồng đại diện cho người chuyển giới nữ, màu xanh dương đại diện cho người chuyển giới nam còn khoảng trắng chính giữa đại diện cho những người không muốn dán nhãn chính mình.

Monica Helms luôn mang lá cờ bên mình mỗi khi tham dự bất kỳ sự kiện nào của cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, mãi đến năm 2013 thì nó mới bắt đầu nhận được sự chú ý rộng rãi.

Cờ của người lưỡng tính (hay liên giới tính)

Người lưỡng tính là những sinh ra với cấu trúc sinh dục không giống với những suy nghĩ thông thường về nam hay nữ trong xã hội. Ví dụ như có dương vật bên ngoài nhưng bên trong lại có buồng trứng hoặc ngược lại. Trong thời gian gần đây, người lưỡng tính được ghép chung với cộng đồng LGBT và dẫn đến sự ra đời của cộng đồng LGBTIQ (“Q” là những người chưa xác định hoặc tự dán nhãn khác).

Cờ của người lưỡng tính được thiết kế bởi tổ chức Intersex Human Rights Australia (IHRA) vào năm 2013 với tông màu chủ đạo không phải là hồng hoặc xanh để tạo sự khác biệt.

Giải thích ý nghĩa của lá cờ, IHRA cho biết: “Vòng tròn là không bị gián đoạn, tượng trưng cho sự trọn vẹn và đầy đủ cũng như tiềm năng của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang đấu tranh cho sự tự chủ về thể chất và tính toàn vẹn của bộ phận sinh dục. Lá cờ này tượng trưng cho quyền được làm người và quyền lựa chọn cách sống”.

Cờ của người toàn tính

Người toàn tính (tên tiếng Anh là Pansexual hoặc Omnisexual) là những người bị hấp dẫn bởi cái đẹp, tình yêu lãng mạn và có ham muốn tình dục đối với ai đó bất kể giới tính của họ là gì. Người toàn tính khác với người song tính.

Không rõ ai là người sáng tạo ra lá cờ này nhưng nó bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên Internet từ năm 2010 và dần trở nên phổ biến tại các buổi diễu hành tự hào trên toàn thế giới. Người toàn tính miêu tả lá cờ như sau: Sọc xanh thể hiện cho sự hứng thú đối với đàn ông, sọc hồng là đàn bà còn sọc vàng là những người có giới tính khác.

Cờ của người vô tính

Vô tính là một dạnh thiên hướng tính dục chỉ những người không bị hấp dẫn tình dục, hoặc không hay ít quan tâm đến các hoạt động tình dục. Họ không phải là kiêng tình dục vốn thường xuất phát từ quan điểm cá nhân hay tôn giáo. Vô tính có khuynh hướng bền vững theo thời gian. Người vô tính tất nhiên vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng không hề hứng thú. Một nghiên cứu ở Anh vào năm 2004 cho thấy người vô tính chiếm khoảng 1% dân số nhưng hiếm khi bộc lộ con người thật của mình.

Theo Asexuality Archive, lá cờ được tạo ra bởi một thành viên của Asexuality Visibility and Education Network (AVEN) như một phần trong cuộc thi do họ tổ chức vào năm 2010. Cũng giống như những lá cờ khác, cácsọc trên lá cờ của người vô tính đều có ý nghĩa riêng của chúng.

Sọc đen là người song tính. Sọc xám tượng trưng cho Grey-asexual (Những người có hứng thú với tình dục nhưng không thường xuyên hoặc chỉ với mức độ tối thiểu) và Demisexual (Những người chỉ cảm thấy hứng thú tình dục với người có mối liên kết cảm xúc chặt chẽ). Sọc trắng đại diện cho những người ủng hộ. Và màu tím ám chỉ cộng đồng vô tính như một thể hoàn chỉnh.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lá cờ 'kỳ lạ' bạn sẽ nhìn thấy tại các buổi diễu hành tự hào đồng tính