Các nhà sinh học lại phát hiện thấy một giống quạ khác - quạ Hawaii (Corvus hawaiiensis), được dân địa phương gọi là ʻalalā, có biệt tài chế tạo công cụ.
Theo tạp chí Nature, giống quạ New Caledonia (Corvus moneduloides) từng nổi tiếng với tài dùng mỏ để chế tạo các móc và que để khều bọ. Còn bây giờ các nhà sinh học lại phát hiện thấy một giống quạ khác - quạ Hawaii (Corvus hawaiiensis), được dân địa phương gọi là ʻalalā, cũng có biệt tài chế tạo công cụ. Giống quạ này đã biến mất trong tự nhiên vào năm 2002, nhưng hiện vẫn còn tồn tại ở dạng nuôi nhốt.
Các nhà khoa học đã theo dõi 104 con quạ thì thấy 81 con trong số đó ngẫu nhiên bộc lộ khả năng cầm que và khều ấu trùng cùng bọ ra khỏi các khúc gỗ mục, chứ không hề cần huấn luyện gì cả. Chúng hành xử giống hệt họ hàng của chúng là giống quạ ở New Caledonia.
Được biết nhiều loài chim còn có khả năng vặn bẻ que để trở thành công cụ thuận lợi hơn. Nhưng quạ Hawaii cũng như quạ New Caledonia không chỉ biết lượm những chiếc que có sẵn trong tự nhiên mà còn có khả năng tự “chế tác” những cành cây bụi để làm công cụ kiếm mồi. Quạ nhỏ còn biết làm việc đó mà không cần quạ trưởng thành huấn luyện nên các nhà khoa học cho rằng đó là khả năng bẩm sinh của loài quạ.
Theo các nhà di truyền học, quạ Hawaii và quạ New Caledonia đều bắt nguồn từ tổ tiên chung từ 11 triệu năm trước và kỹ năng chế tạo công cụ chúng đều có được một cách tự lập do những điều kiện tự nhiên ở Hawaii và New Caledonia giống nhau.
Vũ Trung Hương