Có nhiều trường hợp ngư dân gặp vận xui sau khi bắt, ăn thịt cá nược dẫn đến những lời đồn đầy ám ảnh. Nhưng xét ở góc độ nào đó, đồn như vậy lại có lợi trong việc bảo vệ loài cá này.

Những lời đồn ngăn chặn ý định bắt, giết và ăn thịt cá nược

Trần Khải | 24/01/2020, 10:47

Có nhiều trường hợp ngư dân gặp vận xui sau khi bắt, ăn thịt cá nược dẫn đến những lời đồn đầy ám ảnh. Nhưng xét ở góc độ nào đó, đồn như vậy lại có lợi trong việc bảo vệ loài cá này.

Ông N., ngư dân ở TT.Gành Hào, H.Đông Hải (Bạc Liêu) cho hay, nếu ngày xưa “ông Nược” gặp nạn chết thì ngư dân địa phương thường đem vào bờ tẩn liệm chôn cất rất cẩn thận. “Chẳng ai dám xẻ thịt cá để ăn đâu. Vì qua lời đồn thổi, nếu ăn cá nược thì rất xui nên nhiều người mê tín đâm ra sợ sệt, lo chuyện ăn thịt cá nược sẽ gặp chuyện không may mắn nên chẳng ai dám ăn”.

Ông N. khẳng định, ông không phải là người mê tín dị đoan, nhưng phải nói một điều, nếu ai ăn thịt cá nược thì rất xui, đó chớ phải chuyện đùa. Vì “ông Nược” thuộc dạng loài động vật có linh tính giống hệt con người và hình dạng, bộ phận sinh dục của cá cái giống y chang các bộ phận của người phụ nữ. Cùng với đó, ý thức, cách nhận biết tiếng người thì “ông Nược” đều nghe và làm theo được.

Ông Ba Đấu (bìa phải) và ông Chính trao đổi với PV về cá nược - Ảnh: Khải Trần

Nói về việc cá nược thường xuyên vào sông Rạch Gốc, ông Nguyễn Văn Đấu (Ba Đấu), ngụ xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, vui cười kể: “Cá nược hồi xưa vào sông Rạch Gốc này nhiều lắm, nhất là những lúc trời thổi, biển động. Chúng vào một lần là cả bầy, mình chèo xuồng thấy thế vui miệng rủ nó đua là nó đua liền. Mình chèo sinh tử luôn, nhưng nó lặn xuống một đoạn rồi ngoi đầu lên ngước nhìn để đợi mình, rồi lặn xuống đua tiếp, nhìn nó làm thấy mắc cười, khôn dữ lắm”.

Cũng theo ông Ba Đấu, cá nược là loài cá vô hại đối với con người, thông thường, cá nược vào sông như một chuyến dạo chơi. Cá nược rất tinh khôn, mặc dù sông Rạch Gốc có rất nhiều hàng đáy (loại bẫy dùng để bắt tôm cá - PV) nhưng không bao giờ chúng mắc lưới đáy của ngư dân. “Chúng đi theo bầy đàn, khi thì 4-5 con, chứ không có khi nào mà đi riêng lẻ 1 con. Chúng tinh khôn, ít khi mắc lưới đáy lắm, nếu con nào mà bị mắc lưới là con cá đó lẫn chủ hàng đáy đều gặp vận xui”, ông Ba Đấu nói.

Theo ngư dân này, ngày xưa nếu gặp cá nược vào lưới đáy, thông thường sau khi giúp cá thoát ra ngoài, thì chủ hàng đáy đó phải tổ chức cúng kiếng, van vái rất thành tâm để xả xui. Còn bây giờ, khi cá mắc lưới, ngư dân bắt cá xẻ thịt luôn, phần thì đem bán, phần thì nấu nướng để tổ chức nhậu nhẹt rình rang. Chẳng ai nghĩ tới việc vận xui luôn rình rập và sẵn sàng bủa vây họ bất cứ khi nào.

Nói về lý do cá nược tự bơi vào lưới đáy, hoặc săn bắt cá để ăn thịt thì bị xui xẻo thì ông Ba Đấu nói rằng, theo kinh nghiệm được đúc kết trong dân gian của ông bà ngày xưa truyền tục lại nói sao thì thế hệ sau này nghe vậy mà dạy cho con cháu đi biển biết đường mà tránh, chứ chính xác như thế nào thì ông cũng không rõ.

Ông Ba Đấu nêu quan điểm: “Theo tôi nghĩ, “ông Nược” giống như loài người vậy, nó biết nghe, biết cảm nhận, gần gũi và thấu hiểu y hệt loài người vậy. Tại sao người ta rủ ổng (cá nược - PV) đua là ổng biết đua là vì ổng nghe được. Đó cũng là yếu tố tâm linh huyền bí về loài cá này đó, chứ không phải chuyện đùa. Vì vậy, ngư dân cần giành cho loài động vật này một sự tôn trọng tuyệt đối, có kiêng có lành”.

Ông Huỳnh Văn Chính, 66 tuổi, ngụ xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) kể rằng, cách đây khoảng 2 năm, mộtngư dân ở địa phương trong lúc giăng câu ở ngoài cửa biểnthì bắt được cá nược. Người đàn ông này sau đó, đem cá nược lên bờ xẻ thịt bán và cũng gặp vận xui về sau. “Sau khi ổng xẻ thịt cá nước bán, rồi ăn thịt luôn. Bây giờ, ông này bị bệnh tai biến đi đứng cà thọtvậy đó. Đó là hậu quả, vận xui khi dám xúc phạm, giết thịt “ông Nược” trông thấy rất rõ. Nhưng người ta thì không nói xui xẻo gì hết, họ chỉ nói là bệnh tật thôi. Ở xứ này có nhiều người ăn thịt cá nược lắm, có vài người thì bây giờ nằm liệt giường luôn”, ông Chính cho biết.

Cũng từ đó, tin đồn về chuyện ăn thịt cá nượcgặp vận xui xẻo càng tăng lên, khiến cho người dân khi gặp cá nược đều phải van vái rất thành kính, chứ không ai dám xúc phạm. Riêng với ông Chính thì khác, theo ông việc cá nược chui vào lưới đáy rồi được thả đi, chưa chắc đó là điềm xui. Mà đó chính là lời cảnh báo, để ngư dân biết trước điềm gì sắp xảy ra trong gia đình mình mà tìm cách tránh đi đại họa.

Cửa sông Rạch Gốc - nơi thường xuyên xuất hiện cá nược-Ảnh: Khải Trần

“Đó là điềm báo cho mình để cảnh giác, chứ không phải là xui. Tức là trong thời gian tới ở gia đình mình sẽ có chuyện gì xảy ra thôi. Xui là mình chủ quan, không đề phòng thôi chứ thực chất đó là điềm báo, nếu khi gặp sự việc như vậy mà mình có ý thức, tránh được thì sẽ không xảy ra việc lớn. Còn ăn thịt cá, giết cá, xui là phải rồi, vì cá nược là loài vật có cảm xúc, thân thiện. Nó giống kiểu tâm linh, mà xúc phạm ăn thịt gặp xui thì không cần phải bàn cãi”, ông Chính nêu chính kiến.

Dù không ủng hộ mê tín dị đoan - tức ăn thịt cá xui hay không, nhưng người viết cũng bảo vệ quan điểm không nên giết và ăn thịt cá nược - loài động vật quý hiếm. Cá nược là loài động vật có vú, thuộc họ các heo biển Delphinidae, cá sống theo ven bờ biển và cửa sông ở khu vực Đông Nam Á. Loài cá này có nhiều ở Việt Nam và được người dân quen gọi là cá nược hoặc cá nược Minh Hải.

Khải Trần
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lời đồn ngăn chặn ý định bắt, giết và ăn thịt cá nược