Vào dịp năm mới ở các nước phương Tây, món ăn truyền thống cũng luôn hiện diện trên bàn tiệc của các gia đình mang ý nghĩa mang lại may mắn cho một năm mới. Và ở mỗi quốc gia đều có những món ăn khác nhau.
Năm mới ở các nước phương Tây diễn ra vào ngày 1.1, theo hệ thống lịch do Giáo hoàng Gregory XIII (1502-1585) đưa ra và cũng là hệ thống lịch mà thế giới ngày nay vẫn đang dùng. Vào dịp này, ở mỗi quốc gia đều có cách chào đón năm mới theo phong tục – truyền thống khác nhau. Năm mới, là dịp lễ lớn trong năm, mọi người có khoảng thời gian nghỉ ngơi, tạm quên đi công việc và các gia đình tụ họp quây quần bên nhau, thưởng thức những bữa tiệc ấm cúng.
Và trên các bàn tiệc chào đón năm mới của người phương Tây không thể thiếu những món ăn truyền thống mang ý nghĩa may mắn, sung túc.
Mỹ
Hoppin 'John: Dù có nguồn gốc lâu đời từ châu Phi và Tây Ấn nhưng món Hoppin 'John rất phổ biến trên bàn tiệc vào dịp đầu năm mới ở miền Nam nước Mỹ. Món ăn truyền thống này được nấu bao gồm đậu Hà Lan hoặc đậu mắt đen (tượng trưng cho đồng xu) nấu cùng thịt lợn và gạo. Hoppin 'John ăn cùng với rau xanh hoặc bánh bắp. Món ăn này mang ý nghĩ về sự giàu có và mùa màng bội thu, với các loại đậu tượng trưng cho tiền xu, các loại rau mang sắc xanh của đồng đô la và bánh bắp mang màu vàng.
Tây Ban Nha
Mười hai quả nho: Vào đêm giao thừa, người dân Tây Ban Nha sẽ tập trung ở quảng trường hoặc theo dõi chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình để cùng chào đón năm mới. Vào thời điểm này, họ cũng sẽ có một phong tục đặc biệt là ăn nho. Khi mỗi tiếng chuông đồng hồ vang lên, họ sẽ ăn 1 quả nho. Truyền thống ăn nho vào đêm giao thừa của người Tây Ban Nha xuất hiện từ đầu thế kỷ 20. Với phong tục này, các nhà sản xuất nho ở miền Nam đất nước mong muốn một vụ mùa bội thu.
Mexico
Tamales: Vào dịp đầu năm mới ở Mexico không thể thiếu món bánh làm từ bắp có tên Tamales. Bánh được làm từ bột ngô nhồi thịt, phô mai, đi kèm một số gia vị thơm ngon. Bán được bọc trong vỏ bắp hoặc lá chuối. Món bánh may mắn của người Mexico này được ăn kèm cùng món súp. Thời điểm đầu năm mới, nếu là du khách, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hàng quán bán món bánh Tamales này.
Áo, Đức
Marzipanschwein: Món bánh không thể thiếu trên bàn tiệc của 2 nước láng giềng ở châu Âu là Áo và Đức. Vào buổi tối đêm giao thừa, người Áo thường uống một ly rượu vang đỏ với quế, ăn thịt lợn sữa và ăn bánh Marzipanschwein mang hình chú lợn xinh xắn làm từ chocolate hoặc hạnh nhân. Món bánh này cũng được sử dụng làm quà biếu vào dịp tết ở các nước.
Hà Lan
Oliebollen: Món bánh Oliebollen tròn tròn nóng hổi gần giống với bánh rán của Việt Nam là món ăn vào dịp năm mới ở Hà Lan. Vào thời điểm năm mới, du khách có thể bắt gặp rất nhiều xe đẩy trên các đường phố bán loại bánh này, đặc biệt là vào đêm giao thừa. Oliebollen được làm từ hỗn hợp bột mì, nho khô và sau khi được tạo hình chiên vàng sẽ phủ một lớp bột đường bên ngoài.
Pháp
Bánh Gateaux: Vào đêm giao thừa, trên bàn tiệc của người Pháp không thể thiếu những chiếc bánh Gateaux được trang trí lộng lẫy. Không chỉ Pháp, một số quốc gia như Hy Lạp, Mexico... cũng có truyền thống đón năm mới với món ăn này, tuy nhiên, ở mỗi quốc gia sẽ có những tên gọi khác nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ
Lựu đỏ: Người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quả lựu mang sắc đỏ là tượng trưng cho may mắn, vì thế năm mới không thể thiếu loại trái cây này. Theo truyền thống, những quả lựu đỏ mọng sẽ được đập vào cửa ra vào, và quả càng vỡ to thì sẽ càng nhiều may mắn. Ngoài ra, người ta còn ép nước lựu để uống, bên cạnh việc mang ý nghĩa may mắn còn là thức uống giải khát.
Ý
Cotechino con Lenticchie: Món ăn là sự kết hợp giữa xúc xích và đậu lăng được người Ý ăn mừng vào đêm giao thừa. Người dân đất nước hình chiếc ủng cho rằng món ăn này mang lại sự may mắn và sung túc về tiền bạc.
Nhật Bản
Mì Soba: Truyền thống ăn mì soba kiều mạch của người Nhật bắt nguồn từ thế kỷ 17. Người Nhật quan niệm sợi mì dài tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng, vì thế trong thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới họ sẽ ăn món này. Ngoài ra, vào dịp Tết, người Nhật cũng sẽ quây quần với nhau để làm bánh gạo mochi - món tráng miệng phổ biến ở Nhật vào dịp Tết.
Ba Lan và Scandinavia
Cá trích: Vào dịp đầu năm mới, Ba Lan và các nước vùng Scandinavia (bao gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển) chuộng món cá trích. Vì màu bạc trên da của chúng, người dân ở đây thường thưởng thức món ăn này vào đêm giao thừa với niềm tin, điều đó sẽ mang lại một năm thịnh vượng và bội thu. Cá trích có thể chế biến đa dạng thành nhiều hương vị khác nhau để thưởng thức.
Ngoài ra, với người Đan Mạch hay Na Uy, còn có món bánh bao Kransekage. Bánh được làm bằng hạnh nhân được xếp thành vòng tròn đồng tâm, ở giữa có chai rượu.