Vẻ gợi cảm của những nàng Tây Thi thời hiện đại cũng không sánh bằng cơn say của những miếng trầu, khiến đàn ông Đài Loan "hồn xiêu phách lạc"
Đứng bên vệ đường cao tốc ở ngoại ô Đài Bắc, cô gái ngoài 20 tuổi, Ling Ling, mặc áo bó và váy ngắn xuyên thấu để lộ hình xăm trên hông. Cô đang đứng đợi những tài xế xe tải hay những người công nhân dừng lại mua hàng.
Ở nhiều thành phố khác, những người như Ling Ling có thể nhận những ánh nhìn soi mói như thể họ là gái bán dâm. Nhưng ở Đài Loan,Ling Ling hay những cô gái ăn mặc gợi cảm chỉ đang bán trầu cau, một thứ ăn chơi phổ biến tại Đài Loan, Ấn Độ, Myanmar và nhiều nước châu Á khác. Họ được giới mày râu ưu ái gọi là "bin lang xishi" - Tân lang Tây Thi, tạm dịch là nàng Tây Thi trầu cau.
"Bạn càng đẹp, bạn càng kiếm được nhiều tiền. Đó là lý do tôi mặc thế này", Ling nói.
Mỗi cô gái bán trầu kiếm được khoảng 40.000 Tân Đài tệ một tháng (hơn 1.300 USD), cao hơn so với lươngmột nhân viên văn phòng ở Đài Loan khoảng26.000 Tân Đài tệ (hơn 850 USD),theo Sydney Morning Herald.
Trào lưu của những nàng Tây Thi trầu cau xuất hiện vào những năm 1960 và thịnh hành nhất vào những năm 1990. Ngày nay, bốt bán trầu mọc trên khắp các phố lớn tại Đài Bắc, chủ yếu phục vụ tài xế, công nhân và thu hút khách du lịch. Những cô gái chỉ bán trầu, thuốc lá và nước giải khát, họ nói không với các dịch vụ mại dâm.
Nhưng đằng sau vẻ đẹp của những nàng Tây Thi trầu cau gợi cảm của xứ Đài ẩn chứa những câu chuyện khiến người ta phải nhìn nhận lại về hình ảnh vốn thu hút nhiều sự chú ý này.
Cơn say hiếm có
Chen Wen, tài xế taxi, vừa nói vừa nhổ toẹt vào cốc nhựa một thứ nước đỏ ứa ra trong miệng khi nhai trầu: "Nhờ nó tôi có thể làm việc nhiều giờ liền, thật tuyệt!".
Theo lời các nàng Tây Thi, nhai trầu có thể đem đến cảm giác "hồn bay phách lạc", một số còn nhắc đến tác dụng giải rượu trong nháy mắt. Trầu có nhiều vị khi kết hợp với những thứ khác như thuốc lá, chanh hay gia vị... Phổ biến nhất là vị ngọt và cay.
Johan Nylander, phóng viên CNN, có dịp được một người đàn ông bản địa mời trầu khi đến Đài Loan.
Chỉ sau vài giây sau khi Johan đưa miếng trầu vào miệng nhai, một cơn sốc chạy dọc thân thể anh. Người nóng phừng phừng, mồ hôi mặt ròng ròng, tim đập nhanh hơn. Cảm giác kỳ lạ là Johan thấy cánh tay ngứa ran, lông dựng đứng, anh có thể thấy rõ ràng vị cay nóng bùng nổ trong miệng.
Cùng lúc đó, miệng Johan nhanh chóng ứ nước miếng khiến anh phải nhổ ra - thứ nước có màu đỏ cam in lên vỉa hè. Những cô bán hàng và vài khách đứng nhai trầu khúc khích cười khi chứng kiến tất cả.
Chất gây nghiện chết người
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 10% dân số thế giới ăn trầu, chất kích thích được dùng nhiều thứ tư chỉ sau thuốc lá, rượu và đồ uống có caffein.
Cau bổ dọc, trộn vôi và gói trong lá trầu không từ lâu được ví như kẹo cao su trong mắt người Đài Loan. Một miếng trầu có thể gây hưng phấn ngang với nhiều ly espresso. Có người cho rằng cơn say không thua kém chất kích thíchamphetamine.
Nhưng không giống như cà phê, trầu có thể gây ung thư miệng. Theo thông tin từ giới chức Đài Loan, khoảng 9/10 bệnh nhân mắc ung thư miệng tại hòn đảo này có thói quen ăn trầu.
Theo số liệu từ Bộ Y tế Đài Loan,khoảng 2 triệu người Đài Loan có thói quen ăn trầu, trong đó nhóm lớn nhất có độ tuổi từ 30 đến 49.
Nhiều người bán và mua trầu nói rằng lá trầu không mới gây hại, còn phần cau lại hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) chỉ ra rằng chính quả cau mới chứa chất gây ung thư.
Hahn Liang-Jiunn, chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát Trầu cau và Phòng ngừa Ung thư miệng Đài Loan, nói rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến người bản địa thích ăn trầu, bất chấp những nguy cơ tổn hại sức khỏe.
Nhiều người phải làm việc ngoài trời như công nhân xây dựng, lái xe đường dài hay ngư dân thấy họ khỏe khoắn hơn khi nhai trầu. Thứ "kẹo cao su" này giúp họ giữ ấm cơ thể và giảm cơn khát.
Ông Hahn nhận định tập tục ăn trầu cũng mang khía cạnh xã hội: "Thật dễ dàng để làm quen với những người hay ăn trầu, hơn là những người có thói quen hút thuốc. Đó là lý do những người trẻ bắt đầu ăn trầu từ rất sớm".
Thói quen cần bỏ
Giới chức Đài Loan đang thúc ép người dân từ bỏ thói quen ăn trầu.
Từ năm 2014, chính quyền thành phố Đài Bắc bắt đầu tổ chức các lớp cai nghiện trầu để giúp nhiều người bỏ thói quen này, nếu vắng mặt sẽ bị phạt 5.000 - 300.000 Tân Đài tệ (khoảng 165 - 9.900 USD).
Theo Đạo luật xử lý chất thải Đài Loan, những người nhổ nước trầu có thể bị phạt 1.200 - 6.000 Tân Đài tệ (khoảng 40 cho tới gần 200 USD) và tham gia lớp cai nghiện.
Ông Hahn cho hay, Đài Loan cũng nỗ lực để nông nhân trồng trầu cau chuyển hướng sang canh tác những loại cây khác như trà, cam, quít hay xoài.
Năm 2002, chính quyền Đài Loan nhận thấy hình ảnh những cô gái bán trầu cau ăn mặc thiếu vải không phù hợp với thuần phong mỹ tục, có thể khiến tài xế mất tập trung dẫn tới tai nạn giao thông.
Năm 2007, giới chức quận Đào Viên ban hành quy định về trang phục của các cô gái bán trầu cau. Theo đó, họ phải ăn mặc kín đáo hơn, không được phép để hở ngực, bụng và vòng ba - điều này có thể khiến doanh thu giảm sút.
Tương lai của những nàng Tây Thi trầu cau
Hàm răng đen vì nhai trầu từ lâu không còn là biểu tượng sắc đẹp trong xã hội Đài Loan, đặc biệt là với những người trẻ thành thị.
"Tôi từng nhai trầu khi làm việc trong nhà máy 10 năm trước, vì mọi người xung quanh đều có thói quen này. Nhưng khi chuyển đến Đài Bắc, hầu như bạn bè quanh tôi không ai nhai trầu, từ đó tôi không bao giờ đụng đến nó nữa. Trầu có hại cho sức khỏe, làm răng miệng trông không ra sao cả", một người đàn ông trẻ có nickname Hippo cho hay.
Từ năm 2007 tới 2013, tỷ lệ đàn ông Đài Loan trưởng thành nhai trầu giảm 45% xuống còn 950.000 người trên tổng số 24 triệu dân, theo Bộ Y tế Đài Loan.
Trong một cửa tiệm ven đường ở Đài Bắc, Xiao Hui, người bán trầu lâu năm, vừa chuẩn bị hàng cho khách vừa trông con nhỏ sau lưng. Ngón tay cô nhuốm nâu sau nhiều năm bổ cau, hàm răng đen nhánh vì nhai trầu.
Xiao muốn một tương lai khác cho ba đứa con gái của mình: "Tôi không muốn chúng nhai trầu, như thế không tốt cho sức khỏe. Và tôi cũng không mong chúng trở thành Tây Thi trầu cau, đó không phải một công việc tốt".
Nhiếp ảnh gia Nam Phi, Tobie Openshaw, cho hay: "Người Đài Loan có thái độ phân biệt tầng lớp với những cô gái bán trầu cau - thường đến từ những vùng quê nghèo và bỏ học sớm".
Tobie theo đuổi một dự án phóng sự suốt 9 năm về những cô gái trầu cau của Đài Loan. Theo đó người bản địa nhìn chung có cái nhìn cảm thông với nghề này nhưng họ cũng kín tiếng về những gì thực sự diễn ra, theo Sydney Morning Herald.
Anh chia sẻ: "Những nàng Tây Thi trầu cau ăn mặc hở hang thường nhận nhiều thành kiến. Nếu không kể đến thuần phong mỹ tục hay vấn đề sức khỏe, thực sự những bốt trầu cau trở thành một nét nghệ thuật đô thị. Hầu hết cô gái tôi từng nói chuyện đều bày tỏ mong muốn nhận được sự cảm thông và tôn trọng nhiều hơn từ đàn ông bản địa". Không ít trường hợp các cô gái bị quấy rối khi bán trầu.
Theo Phạm Huyền/ VNE