Đà Lạt từng được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”, là địa điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích. Nhưng thời gian gần đây, nhiều vụ việc tai tiếng khiến cho du khách phiền lòng, đã làm xấu đi hình ảnh một thành phố từng nổi tiếng thân thiện, dễ mến.

Kinh doanh chụp giựt khiến Đà lạt trở nên xấu xí trong mắt du khách

Nguyễn Văn Thiện | 09/08/2017, 07:00

Đà Lạt từng được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”, là địa điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích. Nhưng thời gian gần đây, nhiều vụ việc tai tiếng khiến cho du khách phiền lòng, đã làm xấu đi hình ảnh một thành phố từng nổi tiếng thân thiện, dễ mến.

>>Ông Nguyễn Sự: 'Chặt chém' du khách cũng chỉ khá lên chốc lát rồi lại hoàn nghèo

Cò du lịch hoành hành

Để đón tiếp lượng khách du lịch hàng vạn lượt người mỗi tháng, các cơ sở kinh doanh ở Đà Lạt đang được đầu tư mở rộng. Nhiều chiêu trò kinh doanh không lành mạnh cũng theo đó nảy nở, hoành hành. “Cò du lịch” là tên gọi mà chính quyền thành phố này đặt cho những đối tượng chèo kéo khách hàng đi tham quan các vườn dâu và mua hàng của các quán hàng kinh doanh đặc sản tại đây. Nhiều du khách đến Đà Lạt đã tặc lưỡi mua hàng cho qua chuyện để thoát khỏi sự quấy nhiễu đến bực mình của “cò”.

Một vụ việc điển hình: Vào ngày 31.5 vừa qua, chị Trần Ngọc Bích (44 tuổi), ngụ tại huyện Long Khánh (Đồng Nai) và Thái Mỹ Ngọc (17 tuổi), ngụ tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang điều khiển xe gắn máy trên đường Mai Anh đào thì một thanh niên đến mời đi tham quan miễn phí vườn dâu tây và mua dâu với giá 20.000đ/kg. Sau đó, thanh niên này dẫn 2 người tới quầy đặc sản Đà Lạt Băng Như do ông Lương Thái Vinh làm chủ với điều kiện phải mua sản phẩm ở quầy sau đó mới được tham quan vườn dâu. Sau khi mua chai nước cốt dâu tằm nhỏ với giá 100.000đ, bà Bích được đưa tới vườn dâu. Tại đó, chủ vườn thông báo giá bán dâu tây ở đây từ 150.000 – 180.000đ/kg chứ không phải 20.000đ như hứa hẹn. Biết bị lừa, hai du khách trên quay lại quầy đặc sản Đà Lạt Băng Như để phản ánh, đồng thời đòi trả chai nước cốt dâu đã mua trước đó. Tại đây, xảy ra cãi cọ và bà Trần Ngọc Bích bị ông Lương Thái Vinh hành hung phải chuyển tới cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Vụ việc gây tai tiếng nghiêm trọng này sau đó được cơ quan chức năng thành phố xử lý với mức xử phạt hành chính được cho là nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe: 2,5 triệu đồng!

Quán Đặc sản Băng Như, nơi xảy ra việc hành hung du khách

Tình hình phức tạp đến nỗi, trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “cò đặc sản” Đà Lạt, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho người dân và du khách, khôi phục hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt. Sau đó, thành phố đã triển khai các biện pháp xử phạt hàng chục đối tượng, buộc các cơ sở kinh doanh phải ký cam kết không sử dụng “cò” thì tình hình mới tạm lắng xuống.

Đến các kiểu kinh doanh chụp giựt

Ngày 3.7, Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Kim Phượng (34 tuổi, ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai). Theo đơn trình bày, ngày 28.6, đoàn khách của chị Phượng đến tại quán cơm lam gà nướng Tam Nguyên trên đường Ankoroet (giáp ranh giữa TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) để ăn trưa như đã đặt trước. Lấy lý do đoàn đến chậm 1 giờ, chủ quán Tam Nguyên đã từ chối phục vụ và xua đuổi khách, không chịu trả lại số tiền 1 triệu đồng chị Phượng đã đặt cọc trước đó. Phía chủ quán, bà Mai Thị Như Loan cho rằng, nhóm du khách này đến quá trễ so với giờ hẹn và quán đã nghỉ bán nên đề nghị khách về, đợi phục vụ lần sau. Tuy nhiên du khách không chịu mà cứ đòi vào quán ăn và nói chuyện to tiếng. Đáng nói, số tiền không lớn, nhưng gây tai tiếng ồn ào không nhỏ khi cả hai bên đều đưa vụ việc lên mạng xã hội, và cho rằng mình không sai.

Chủ quán cơm gà Tam Nguyên trao đổi với PV về vụ việc không trả tiền cọc cho khách

Ngày 26.7, Công an Thành phố Đà Lạt đã ra quyết định xử phạt quán cơm gà Tam Nguyên số tiền 7,25 triệu đồng với các lỗi: không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe định kỳ cho người phục vụ.

Du khách đăng các cảnh báo lên mạng xã hội để tránh bị lừa

Những tưởng với mức xử phạt như vậy và sự vào cuộc của công luận đã đủ thức tỉnh các tiểu thương kinh doanh kiểu chụp giựt, nhưng không, vụ việc mới đây nhất lại làm cho những ai yêu mến thành phố này cảm thấy phẫn nộ. Tối 6.8, hai du khách mang quốc tịch Thái Lan và Anh đã tới trình báo Công an phường 1 (TP Đà Lạt) về việc bị quán Hạnh Tâm (tại khu vực bậc thang chợ đêm Đà Lạt) buộc thanh toán số tiền 460.000 đồng sau khi ăn 2 tô bún, 1 đĩa gỏi gà, 1 đĩa lòng gà. Theo hai du khách này, họ không gọi đĩa thịt gà nhưng quán vẫn bày ra rồi tính tiền khiến họ bức xúc. Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Công an TP Đà Lạt đã cử lực lượng cùng hai du khách này tới quán Hạnh Tâm để đối chất, làm rõ. Công an phường 1 đã lập biên bản xử lý vụ việc.

Sau đó, chủ quán ăn đã trả lại 200.000 đồng cho hai du khách người nước ngoài. Chủ quán gà này cho rằng, số tiền 460.000 đồng là bao gồm cả 1 đĩa thịt gà (du khách không gọi).

Chơ đêm Đà Lạt, nơi xảy ra vụ việc tính tiền gian bắt du khách phải trả

Trước tình trạng trên, nhiều du khách đã nhắc nhở nhau tránh xa một số quán mà họ cho là có “truyền thống” chặt chém. Trên mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều lời cảnh báo về nạn móc túi hoặc hét giá trên trời tại khu vực chợ đêm Đà Lạt. Chính cách kinh doanh gian trá này đang làm mất đi hình ảnh một Đà Lạt hoang sơ mà thân thiện, trầm mặc mà gần gũi, thay vào đó là một gương mặt “khó gần” khiến du khách bất an mỗi dịp đến đây.

Nguyễn Văn Thiện

>>>>Đến Đà Lạt ngắm hoa pensée
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
4 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh doanh chụp giựt khiến Đà lạt trở nên xấu xí trong mắt du khách