Theo BBC ngày 6.11, kết quả các cuộc thăm dò về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ trong những ngày cuối cùng này là : Donald Trump 45% và Hillary Clinton 46%. Tỷ lệ quá sít sao khiến cho phe Dân chủ không khỏi lo lắng vì ưu thế của họ đang ngày càng bị đối thủ chiếm mất.

Những ngày cuối trước bầu cử tổng thống Mỹ: Phe Dân chủ mất dần ưu thế trong cuộc đua

06/11/2016, 05:59

Theo BBC ngày 6.11, kết quả các cuộc thăm dò về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ trong những ngày cuối cùng này là : Donald Trump 45% và Hillary Clinton 46%. Tỷ lệ quá sít sao khiến cho phe Dân chủ không khỏi lo lắng vì ưu thế của họ đang ngày càng bị đối thủ chiếm mất.

Có lợi thế tuyệt đối nhưng bà Hillary và phe Dân chủ không thể tạo ra ưu thế tuyệt đối, khiến cho đối thủ có thể lật ngược thế cờ, dù gặp nhiều bất lợi - Ảnh: PolitiFact

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao bắt đầu cuộc đua và trên suốt đường đua nữ cựu Ngoại trưởng luôn có lợi thế tuyệt đối trước nhà tỉ phú bất động sản, song điều đó đã không tạo ra ưu thế tuyệt đối trước đối thủ. Gần như cả hệ thống chính trị Mỹ đứng sau bà Hillary, giới truyền thông Mỹ đứng về phía bà, giúp bà có thời điểm dẫn trước ông Trump tới hai con số.

Vậy nhưng, khi đến gần sát giờ G thì đối thủ đã rút ngắn cách biệt, thậm chí có thời điểm vượt lên dẫn trước, khiến cho phe Dân chủ lo lắng kịch bản năm 2000 có thể lặp lại. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao phe Dân chủ lại lãng phí quá nhiều lợi thế để đến phút chót phải hồi hộp và có thể phải trả giá bởi Donald Trump.

Phe Dân chủ nhận diện chưa chuẩn xác phản ứng của dư luận và hiệu ứng xã hội

Ngày 22.10, The New York Times trao cho ứng viên đảng Dân chủ một vũ khí tấn công mới là khai thác những bê bối của Trump dước góc nhìn tôn giáo. Đây là một vũ khí rất lợi hại vì nó đánh vào vấn đề đạo đức của Trump. Theo đó, những câu chuyện liên quan tới nhà tỉ phú khiến nhiều tín đồ Kitô giáo cho rằng lối sống của ông đối nghịch với các giá trị mà họ tôn vinh.

Lời kêu gọi đừng bỏ phiếu cho “một kẻ săn mồi tình dục” được gửi tới những tín đồ cuồng nhiệt ủng hộ Trump. Và kết quả một cuộc khảo sát với các tín đồ Kitô giáo cho thấy nhiều tín đồ ủng hộ Trump đã chuyển sang ủng hộ Hillary. Từ đó The New York Times bình luận rằng cuộc sống của Trump với những scandal về tình dục khiến ông xứng đáng vô địch về phỉ báng đức tin.

Thậm chí tờ báo Mỹ còn cho rằng nhiều tín đồ Kitô có thể kiện Trump về sự phỉ báng này. Thế là vấn đề được xem là suy đồi trong đạo đức sống của Trump đã bị xem như là sự phỉ báng với đức tin tôn giáo và đương nhiên với cử tri có đức tin thì điều này là không thể chấp nhận được. Dường như phe Dân chủ tin rằng hiệu ứng tiêu cực của vấn đề này có thể gây bất lợi cho Donald Trump.

Tuy nhiên, “sự phỉ bang đức tin” của ông Trump không mang lại ưu thế cho bà Hillary và nếu khai thác vấn đề để tấn công đối thủ thì phe Dân chủ sẽ “lợi bất cập hại”. Bởi với đức tin tôn giáo thì suy đồi đạo đức là một sự phỉ báng, song cũng với đức tin tôn giáo thì tha thứ là thể hiện cao nhất của bác ái – một trong hai giá trị tinh thần cốt lõi của đức tin.

Tha thứ cho những bê bối của Trump thì mới thể hiện đúng giá trị tinh thần của đức tin tôn giáo, còn nếu cứ bới móc, “vạch lá tìm sâu” để triệt hạ Trump là trái tinh thần của đức tin. Do vậy nếu khai thác bê bối của Trump dưới góc nhìn tôn giáo sẽ khiến ứng viên Dân chủ mất điểm với những cử tri là tín đồ Kitô giáo vì bà Hillary sẽ bị xem là không có lòng vị tha, không biết tha thứ.

Không những vậy, The New York Times cho rằng còn nhiều tín đồ Tin lành ủng hộ Trump vì quan điểm của nhà tỉ phú này về nạo phá thai trong khi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Mấy chục năm qua, người dân Mỹ vẫn chưa hết tranh luận xoay quanh vấn đề này. Cho rằng tín đồ Tin lành ủng hộ Trump vì vấn đề nạo phá thai là thiếu chuẩn xác.

Cử tri da màu có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ nhưng nay có thể phá vỡ truyền thống ấy, bởi phe Dân chủ nhận diện không chuẩn xác hiệu ứng xã hội - Ảnh: Reuters

Như vậy là từ nhận diện hiệu ứng xã hội không chuẩn xác, việc khai thác vấn đề nạo phá thai bị xem là thủ đoạn chính trị không trong sạch của phe Dân chủ và đương nhiên rất khó nhận được sự ủng hộ của những tín đồ Kitô giáo, vì tôn giáo tách biệt với chính trị.

Dư luận từng hết sức ngỡ ngàng khi Tổng thống Barack Obama kêu gọi cử tri gốc Phi nên bỏ phiếu cho ứng viên Hillary Clinton, nếu không thì đó là sự sỉ nhục. Vậy nhưng, đáp lại lời kêu gọi ấy là việc cử tri người da màu gia tăng ủng hộ đối với tỉ phú Donald Trump.

Rõ ràng, phe Dân chủ nhận diện không chuẩn xác phản ứng của dư luận và hiệu ứng xã hội về hàng loạt vấn đề.

Phe Dân chủ thiếu linh hoạt trong việc xử lý những tình huống bất lợi

Ứng viên Hillary Clinton và phe Dân chủ bị xem là gặp "ách giữa đàng" khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đột nhiên công bố tái điều tra vụ scandal rò rỉ “email công vụ” của bà Hillary Clinton trong thời gian bà làm Ngoại trưởng Mỹ vì có tình tiết mới. Không những vậy, FBI còn nhân tiện khơi lại quyết định ân xá bất thường của cựu Tổng thống Bill Clinton trong thời gian tại nhiệm.

Có thể xem đây là điều bất lợi cho ứng viên đảng Dân chủ khi thời điểm diễn ra cuộc bần cử chỉ còn tính bằng ngày. Khi thời gian đếm ngược với cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Hillary ngày càng rút ngắn thì sức ép từ việc điều tra của FBI tăng lên theo chiều ngược lại. Trong lúc này, dư luận trông chờ khả năng tương kế tựu kế và chèo lái con thuyền ngược dòng của bà Hillary và đội ngũ cố vấn.

Tuy nhiên, từ khi FBI công bố quyết định “tái thẩm” đến nay thì dư luận chỉ nhận thấy hai phản ứng từ phía đảng Dân chủ. Thứ nhất, nghi vấn có mờ ám phía sau quyết định của FBI lật lại sự việc trong thời điểm quá nhạy cảm. Thậm chí phe Dân chủ còn cho rằng Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang “dìm hàng” phe Dân chủ và tặng quà cho Donald Trump.

Người viết cho rằng đây là phản ứng quá thiếu tính toán cho ván cờ chính trị cuộc đời của bà Hillary. Khi cả nước Mỹ hướng về cuộc điều tra của FBI, đó là lợi thế không dễ có được, do vậy phe Dân chủ nên chủ động hợp tác với FBI, vửa để chứng tỏ sự trong sạch vừa để lấy điểm với cử tri. Ngược lại, càng chỉ trích thì khiến cử tri càng nghi ngại về sự thật phía sau lời chỉ trích ấy.

Giám đốc FBI James Comey từng được Tổng thống Obama khen ngợi là cực kỳ cương trực và độc lập, vì vậy chỉ trích FBI được cho là phản ứng thiếu tính toán của phe Dân chủ - Ảnh: CNN

Thứ hai, tìm mọi cách để chứng tỏ FBI thiên vị qua những mối quan hệ giữa những ủng hộ viên của Trump với FBI. Theo BBC ngày 4.11, hai đại diện cao cấp của đảng Dân chủ là Elijah Cummings và John Conyers đã có thư cho Bộ Tư pháp yêu cầu điều tra nguồn gốc thông tin rò rỉ của FBI mà cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, một người đại diện Trump, có được.

"Sự rò rỉ thông tin này của các quan chức FBI như một cầu nối cho chiến dịch của Trump. Điều đó là không thể chấp nhận" - trích đoạn trong thư của đảng Dân chủ gửi FBI. Có thể thấy phản ứng này sẽ bất lợi cho phe Dân chủ và ứng viên Hillary. Bởi lẽ nguyên nhân việc rò rỉ thông tin của FBI là chưa thể khẳng định, song sự nghi ngờ về sự mờ ám của phe Dân chủ thì lại càng gia tăng.

Tóm lại, phe Dân chủ và ứng viên Hillary Clinton phải đón nhận hiệu ứng bất lợi trước giờ G được cho là có nguyên nhân từ sự lãng phí lợi thế tuyệt đối có được. Nay thì thời gian còn quá ngắn không đủ cho phe Dân chủ hiệu chỉnh chiến lược, do vậy nếu không có được chiến thắng thì đó là lỗi của phe Dân chủ và ứng viên của mình chứ không thể đổ lỗi cho FBI lật lại hồ sơ vụ email vì thiên vị tỉ phú Donald Trump.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 45 có quá nhiều bất ngờ và Trump luôn là người tạo ra những bất ngờ lớn. Không biết ông ta có đủ sức tạo ra một bất ngờ lớn nhất, đó là làm nên chiến thắng cuộc đời cho mình?

Ngọc Việt

Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ngày cuối trước bầu cử tổng thống Mỹ: Phe Dân chủ mất dần ưu thế trong cuộc đua