Nhà phê bình Henry Finck đã đặt ra một câu hỏi từ hơn một thế kỉ trước: 'Chẳng phải nụ hôn là dấu ấn của tình yêu?'. Và ở kỷ nguyên chuyển mình lịch sử của cộng đồng LGBT này, nụ hôn chính là biểu tượng của sự phản đối lẫn ủng hộ, nhấn mạnh thông điệp tình yêu đơn giản là tình yêu và không một ai được phép tước đi quyền cơ bản của mỗi người bất kể xu hướng tính dục của họ.
Theo thứ tự thời gian, dưới đây là những nụ hôn để đời và là ngọn lửa cổ vũ tinh thần cho cộng đồng LGBT trong công cuộc đấu tranh giành lại quyền bình đẳng:
Ở Pháp, hai nhà xã hội (là người dị tính), đồng thời là nghị sĩ Quốc hội Pháp, Yahn galut và Nocolas Bays, đã hôn nhau vào ngày 27.1.2013 trong một buổi biểu tình tại Paris nhằm ủng hộ đạo luật hôn nhân đồng tính của Pháp. “Chúng tôi đều là người dị tính, đều đã có gia đình và có con,” Galut nói. “Nhưng hôm nay, với nụ hôn này, điều đó có nghĩa rằng, với tư cách là nghị sĩ quốc hội đang đấu tranh vì quyền hôn nhân đồng giới trong hai ngày tới, chúng tôi đứng cùng chiến tuyến với cộng đồng LGBT các bạn.”
Ở Mỹ, trong buổi điều trần của Tòa án tối cao, chiến dịch Hôn vì bình đẳng nhằm nâng cao ý thức về bình quyền ở Mỹ đã được lập ra. Từ ngày 14.2.2013, chiến dịch nhắm tới việc kêu gọi mọi người cùng chia sẻ những khoảnh khắc “hôn vì bình đẳng” thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Chỉ riêng Facebook đã có hàng ngàn bức ảnh được đăng tải. Mỗi tấm ảnh lại là một câu chuyện khác nhau, tuy nhiên có cùng một thông điệp: Tình yêu không phân biệt giới tính. Chiến dịch Hôn vì bình đẳng tới nay đã trở thành một chiến dịch toàn cầu với thành viên tham dự đến từ 45 quốc gia.
Ở Ireland, nhóm vận động quyền cho cộng đồng LGBT Noise đã tổ chức sự kiện Kiss-In tại Dublin vào ngày 14.4.2013, cùng thời điểm với Hội nghị Lập hiến quốc gia, vốn đang thảo luận về dự luật hôn nhân đồng tính. Hàng trăm người đã hôn nhau ngay phía bên ngoài Nhà hát Gaiety để đánh dấu khoảnh khắc lịch sử về quyền LGBT ở Ireland.
Ở Nga, các nhà hoạt động cũng đã tổ chức một sự kiện Kiss-In ngay trước Tòa nhà Duma ở Moscow vào ngày 11.6.2013 nhằm phản đối dự luật "cấm tuyên truyền đồng tính". Số ít những nhà biểu tình, bao gồm cả người dị tính lẫn đồng tính, đã bị một đám đông hàng gồm trăm người chống người đồng tính tấn công đầy thô bạo. Mỗi giọt máu đổ xuống vì nụ hôn là bằng chứng hùng hồn về nạn vi phạm nhân quyền đối với người đồng tính và những người ủng hộ họ ở đất Nga.
Ở Đức, những nhà hoạt động xã hội tại Berlin Nobert Greuter và Florian Filzinger đã tổ chức buổi Kiss-In toàn cầu vào ngày 8.9.2013 nhằm phản đối việc vi phạm nhân quyền ở Nga. Với khẩu hiệu “Gửi Nga, tràn trề tình yêu”, buổi Kiss-In toàn cầu đã thắp lửa cho hơn 55 sự kiện tương tự trên toàn thế giới. Người ta hôn nhau ngay trước lãnh sự quán Nga để phản đối đọa luật chống người đồng tính của Nga và thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng LGBT đang chịu cảnh phân biệt đối xử ở Nga.
Ở Ý, hàng chục nghị sĩ đã đứng lên “Hôn phản đối” trong một phiên họp quốc hội vào ngày 20.9.2013, bày tỏ sự vui mừng trước đạo luật chống người kì thị người đồng tính. Thành viên của Five Star Movement (M5S) đã hôn nhau thể hiện sự ủng hộ việc bảo vệ quyền của người đồng tính. Nghị sĩ Federica Daga cho biết: “Quyền bình đẳng và nhân phẩm không phân biệt giới tính. Vì ôm và hôn nhau thì chẳng có gì đáng sợ cả”.
Ở Ấn Độ, nhà hoạt động Tanmay Sahay đã tổ chức một sự kiện trên Facebook với tên gọi “Gay for a Day” (có thể tạm hiểu là “Đồng tính trong một ngày” hoặc “Vui tươi trong một ngày”) vào ngày 13.12.2013. Tại đó, hàng ngàn người dân Ấn Độ đã cho đăng tải những tấm ảnh của họ đang hôn một người cùng giới tính để phản đối quyết định tái kết tội với người đồng tính của Tòa án Tối cao Ấn Độ.
Và hãy xem chuyện gì đang xảy ra ở trên truyền thông khắp mọi nơi: tờ GQ của Đức đã xúc tiến chiến dịch “Quý ông Chống Kẻ kì thị người đồng tính”, còn được biết đến với cái tên #Mundpropaganda, vào số ra tháng Mười Hai năm 2013. Trong chiến dịch, người ta tung ra những tấm ảnh các chàng trai nổi tiếng hôn nhau vì quyền của người đồng tính. “Việc người đồng tính vẫn phải đấu tranh vì sự thiếu khoan dung của con người là một chuyện gây sốc”, Tổng biên tập Jose Redondo-Vega cho biết. “Với #Mundpropaganda, chúng tôi muốn đưa đến độc giả một dấu hiệu rõ ràng về một xã hội tự do".
Khánh Phong (Theo GayStarNews)