Từ khi có việc “chuẩn hóa” cán bộ nhà nước đương nhiệm cũng như trong bố trí, đề bạt chức vụ cao hơn và chủ trương ưu đãi người có học vị cao về công tác ở địa phương không chỉ bằng “chế độ” mà cả phụ cấp trọn gói với số tiền tương đối lớn thì việc quan chức nhà nước đua nhau học lấy bằng tiến sĩ nở rộ.
Có nhiều quan chức không thèm lấy bằng tiến sĩ trong nước vì cho là “bằng nội” không sang, mà phải lấy cho được bằng tiến sĩ quốc tế, trường đại học Mỹ cho nó hoành tráng. Thế mới có chuyện trước đây một quan chức tỉnh nọ bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ quốc tế… trên mạng, không được quốc tế công nhận. Đây mới chỉ là một trong nhiều trường hợp quan chức cấp tỉnh xài bằng tiến sĩ dỏm bị lộ, còn trường hợp chưa bị lộ ở cấp cao hơn chắc chắn còn nhiều.
Chủ trương khuyến khích, động viên quan chức nhà nước học sau đại học, nâng cao trình độ, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư… là cần thiết, đúng đắn. Vì người giữ cương vị cao cần phải có trình độ cao, bằng cấp cao tương ứng để bảo đảm công việc, làm tròn trọng trách được giao để phục vụ dân, phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn. Nhưng điều này không có nghĩa, người không đủ trình độ để học nâng cao mà muốn giữ ghế, muốn được bố trí, đề bạt chức vụ cao hơn thì phải xài… bằng dỏm.
Nhưng, một phần cũng vì nhu cầu bằng cấp để thăng tiến này mà nhiều năm qua việc liên kết với các trường đại học quốc tế, đặc biệt là Mỹ để chiêu sinh, đào tạo người theo học lấy bằng tiến sĩ quốc tế nở rộ, không chỉ “bội thực” về trường lớp mà còn “bội thu” cả tiền bạc cho những người mở trường, vì người học phải đóng tiền theo tỉ giá đô la và là giá học của quốc tế. Điều đáng nói là nhiều trường liên kết đào tạo tiến sĩ quốc tế này lại không được quốc tế công nhận. Thế nhưng, do lợi nhuận nên người ta cứ nhắm mắt mở bừa, chiêu sinh vô tội vạ, kết quả là người theo học hoặc vì nhu cầu lấy bằng để “chuẩn hóa cán bộ” hoặc vì thiếu hiểu biết đã tự nguyện hay không tự nguyện bị lừa mất tiền để nhận bằng tốt nghiệp dỏm không được quốc tế công nhận.
Tất nhiên bằng dỏm này chẳng nâng cao được trình độ cán bộ như mong muốn mà còn là một cái họa lớn cho công tác bố trí, đề bạt cán bộ. Bằng dỏm thì trình độ dỏm, nhưng “ghế” lại thật mới chết và chết ai? Rõ ràng là chết dân. Nếu công tác rà soát, kiểm tra bằng cấp của cán bộ sử dụng thiếu nghiêm túc, qua loa, chỉ xác minh đến nơi đến chốn khi có người bị lộ, hoặc bị tố cáo thì mối họa này sẽ còn dài dài. Chuyện vị cán bộ ở tỉnh nọ theo học 6 tháng… trên mạng với Trường đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc bang Delaware của Mỹ sau khi đóng 17.000 USD và lấy được bằng tiến sĩ nằm trong trường hợp dở khóc dở cười này.
Trường SPU không được Mỹ công nhận và ở Mỹ nó đã đăng ký với danh nghĩa như một công ty thương mại tư nhân tại St.Kitt & Nevis (bang Delaware). Và ngày 28.10.2003, trường ĐH này đã bị chính quyền bang Hawaii (Mỹ) cấm hoạt động do vi phạm pháp luật, có các hoạt động không hợp pháp. Đồng thời, tại Việt Nam, TS. Mark A.Ashwill - nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục quốc tế tại VN (HE), hiện là Giám đốc điều hành của Công ty phát triển nguồn nhân lực Capstone VN đã công bố trên trang web cá nhân danh sách 21 trường ĐH quốc tế có mặt tại VN không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Mỹ, trong đó có Trường ĐH Southern Pacific University đã cấp bằng tiến sĩ… 6 tháng cho vị cán bộ nọ.
Không chỉ thế, hiện trên mạng, chỉ cần rê chuột vào một web quảng cáo, tiếp thị… bằng cấp quốc tế sẽ được chào mời việc mua bằng thoải mái từ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đủ mọi ngành nghề với trọn gói hồ sơ như giấy chứng nhận hoàn tất khóa học loại xuất sắc, giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên, giấy chứng nhận hoàn tất chứng chỉ, bảng điểm và cuối cùng là lấy bằng tiến sĩ chỉ với giá… 600 USD, trong vòng 10 ngày là được toại ý.
Việc mua bằng cấp quốc tế dễ và “bèo” như thế, bảo sao người ta không nhào vào mua để “chuẩn hóa cán bộ”, khi nào "bể" hẵng hay, và biết đâu khi "bể" cũng đã xong một nhiệm kỳ 5 năm thì cũng… hạ cánh an toàn rồi. Chính vì thế, ở nước ta mới có hiện tượng… tiến sĩ quốc tế nhiều đến bất ngờ. Và ngày nay đã thành một thông lệ, cứ một vị nào đó nhậm chức hay tác giả nào đó viết bài trên báo thường kê học hàm, học vị, bằng cấp mình trước tên để tăng thêm phần giá trị.
Ví dụ như Thạc sĩ - Giám đốc Sở… Trần Văn A., Tiến sĩ - Chủ tịch Hội… Nguyễn Thị B., Tiến sĩ - nhà văn Nguyễn Văn X. Phó giáo sư - Tiến sĩ - nhạc sĩ Lê Văn Y. Danh xưng, bằng cấp kêu nghe rổn rảng. Nhưng như thế chưa phải đã là điều đáng lo. Giả sử như những “ông thầy trên mạng” ấy trở thành giáo sư, phó giáo sư… đứng lớp, giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, học viên, hướng dẫn nghiên cứu sinh với tài học dỏm, bằng cấp dỏm với mác “quốc tế” như trên đã nói thì sẽ tai hại cho nền giáo dục xứ ta biết dường nào?
Từ Kế Tường