Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam có 29 thị trường nhập khẩu hàng hóa từ 1 tỉ USD trở lên, chiếm gần 91% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm qua.
Việt Nam có 29 thị trường nhập khẩu hàng hóa từ 1 tỉ USD trở lên; các thị trường này đã mua tổng cộng 147,36 tỉ USD trong năm 2015, chiếm gần 91% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm qua.
Năm 2015 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 2 thị trường so với năm 2014 và năm 2013. Hai thị trường gia nhập mới đến từ châu Mỹ La tinh và châu Phi.
Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu 33,48 tỉ USD, tăng 16,9% so với năm 2014. Đây cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 25,68 tỉ USD.
Hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng dệt may với trị giá gần 11 tỉ USD, tiếp theo là giày dép các loại với trị giá trên 4 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,83 tỉ USD…
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,9 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: dệt may, da giầy, thực phẩm, nông sản, gỗ và ngũ cốc...
Ở chiều ngược lại, có 19 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu trên 1 tỉ USD với tổng kim ngạch đạt 150,4 tỉ USD, chiếm 90,8% tổng giá trị nhập khẩu cả nước. Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN là các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất.
Các thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đạt kim ngạch 16,6 tỉ USD, tăng 11,2%, và 8,93 tỉ USD, tăng 25.03% so với năm 2014…
Xét về các châu lục, năm 2015, tổng trị giá trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Á đạt 214,9 tỉ USD, tăng 8,9% so với năm 2014 và chiếm tỷ trọng 65,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Tiếp theo là châu Mỹ với kim ngạch 55,42 tỉ USD, tăng 18,6% so với năm trước và là châu lục đạt mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao nhất.
Kim ngạch xuất nhập khẩu với châu Âu đạt 46,55 tỉ USD, tăng 9,4%; châu Phi là 5,11 tỉ USD, tăng 9,8%; châu Đại Dương đứng cuối cùng với 5,79 tỉ USD, giảm tới 16,2%.
Hoàng Long