Không để lại nhiều tác phẩm vì mất khi còn quá trẻ, nhưng chỉ với "Xuân và Tuổi trẻ" đủ lưu danh La Hối vào lịch sử âm nhạc Việt. Ngoài ra, đến hôm nay đã tìm thấy nhạc sĩ còn sáng tác một số ca khúc, nhạc khúc không lời. Tất cả đều dành tặng cho người yêu của ông. Một thiếu nữ Hội An xinh đẹp....

Những trước tác để lại của nhạc sĩ La Hối

27/12/2017, 17:11

Không để lại nhiều tác phẩm vì mất khi còn quá trẻ, nhưng chỉ với "Xuân và Tuổi trẻ" đủ lưu danh La Hối vào lịch sử âm nhạc Việt. Ngoài ra, đến hôm nay đã tìm thấy nhạc sĩ còn sáng tác một số ca khúc, nhạc khúc không lời. Tất cả đều dành tặng cho người yêu của ông. Một thiếu nữ Hội An xinh đẹp....

Bài hát Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối - Ảnh: Khánh Hà

Những chuyện thú vị tìm thấy xung quanh bài hát "Xuân và Tuổi trẻ"

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ La Hối mà mọi người biết chính là Xuân và Tuổi trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ Thế Lữ mới chính là người đặt nhan đề và viết phần lời tiếng Việt như ca từ được lưu truyền đến hôm nay. Khi phần 1 của bài về nhạc sĩ La Hối đăng trên Một Thế Giới, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ Pháp đã đọc và nhắn tin nhắc tôi lưu ý điểm này. Có lẽ theo ông khá quan trọng. Bởi ai yêu thích bài hát ít nhiều đều biết ca khúc của La Hối vốn được phổ biến ban đầu bằng lời Hoa. Thời gian bài hát ra đời 1944, một năm trước khi nhạc sĩ bị phát xít Nhật giết. Theo gia đình cho biết, ông mất ngày 19.4 năm Ất Dậu (tức 30.5.1945). Lính Nhật đã hành hình, bắn ông và 10 người khác tại chân núi Phước Tường - Đà Nẵng.

Về tiết tấu, bài hát Xuân và Tuổi trẻ là điệu Valse nhịp 3/4, vui tươi, rộn ràng sôi nổi. Đáng lưu ý là từ nguyên bản, La Hối có viết một đoạn nhạc dạo réo rắt mà thể thức này vẫn thường được sử dụng lại cho dù có qua tay các nhạc sĩ hòa âm phối khí khác nhau đi nữa. Đó là nét độc đáo của bài hát. Nhạc sĩ Phạm Duy trong một bài viết về Tân nhạc Việt có đánh giá về khả năng âm nhạc của La Hối là "hơn người" và "đặc biệt".

Đi sâu vào bài hát, tìm hiểu và phân tích, ngoài hai đoạn mở đầu và kết thúc, Xuân và Tuổi trẻ theo cấu trúc ABA. Riêng đoạn B có 3 phân đoạn mang những âm hình tiết tấu khác nhau, dùng thủ pháp mô phỏng để phát triển giai điệu.Tất cả các đoạn và phân đoạn đều được nhắc lại hai lần gây hứng, tạo cảm giác thân thuộc, nhịp quen cho người hát. Vì thế, nói không quá, chính cấu trúc ca khúc nhiều chủ ý đã lôi cuốn người nghe lúc mới tiếp xúc lần đầu tiên.

Nhà thơ Thế Lữ, người viết phần lời của ca khúc Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối, góp phần phổ biến bài hát này một cách sâu rộng

Chúng tôi còn tìm được nhiều chuyện ly kỳ và thú vị xung quanh bài hát, xin chia sẻ cho bạn đọc biết thêm chứ không tự ý bình luận, thêm thắt. Đó là có nghiên cứu cho biết, La Hối khi còn sống còn soạn cả nhạc không lời. Trong đó có một bài khá nổi tiếng trong giới chơi nhạc thời đó ở Hội An có tựa đề Pháp ngữ là Printemps et la Jeunesse (Xuân và Tuổi trẻ). Bản này hòa tấu khá hay.

Cũng có giai thoại, người bạn của ông là nhà thơ Diệp Truyền Hoa, muốn bài hoà tấu kia phổ biến, có nhiều người nghe hơn nên đề nghị La Hối viết lại thành ca khúc và ông đặt lời. Nhạc sĩ đồng ý nên hai ông đã cùng nhau soạn thành ca khúc Thanh niên dữ Xuân thiên. Bài hát phổ biến rất nhanh trong cộng đồng Hoa kiều ở Hội An.

Sau khi La Hối mất, nhà thơ Thế Lữ cùng đoàn kịch Anh Vũ xuyên Việt ghé biểu diễn ở Hội An. Cảm kích trước sự dũng cảm và hy sinh của người nhạc sĩ trẻ, ông đã viết phần lời Việt cho ca khúc để bài hát trở thành Xuân và Tuổi trẻ bất hủ như bây giờ. Minh chứng này còn lưu lại dấu ấn rất rõ trong nhà Từ đường họ La. Bài hát được trưng bày trang trọng, trên đó ghi rất rõ: Nhạc La Hối (1920 - 1945), Lời Hoa: Diệp Truyền Hoa, Lời Việt: Thế Lữ (1907 - 1989)

Bài hát Xuân và Tuổi trẻ trong nhà thờ họ La ghi rõ: Nhạc La Hối (1920 - 1945), Lời Hoa: Diệp Truyền Hoa, Lời Việt: Thế Lữ (1907 - 1989) - Ảnh: Hồng Sơn

Tuy nhiên, xét về mặt văn bản, chúng tôi cũng tự thấy một điều là Xuân và Tuổi trẻ - nhạc La Hối tồn tại hai phần lời của Diệp Truyền Hoa và Thế Lữ. Và phần lời tiếng Hoa của Diệp Truyền Hoa được viết trước. Vậy Thế Lữ lúc đặt lời hai, liệu ông đã chuyển ngữ lời tiếng Hoa hay viết hoàn toàn một phần lời mới? Theo cách nhìn của nhà phê bình Đặng Tiến trong tin vắn nhắc nhở tôi, vai trò của Thế Lữ khá quan trọng trong việc phổ cập và truyền bá rộng rãi ca khúc Xuân và Tuổi trẻ. Nhưng nếu ông chỉ là người chuyển ngữ phần lời của Diệp Truyền Hoa thì rõ ràng vai trò đó ít quan trọng hơn khi khảo sát các văn bản, chứng liệu.

Ở Hội An và Đà Nẵng, tôi cũng đã thử dò tìm một vài nguồn tư liệu để xem xét văn bản tiếng Hoa bài hát Thanh niên dữ Xuân thiên của nhà thơ Diệp Truyền Hoa có giống văn bản Xuân và Tuổi trẻ của Thế Lữ hay không nhưng không tìm ra. Bản này gần như thất truyền và rất ít người thuộc. Nếu không có chứng cớ trong tay, thật khó để hiểu các tiếp biến của nhạc bản.

Cho đến khi vào lại Sài Gòn, sau khi bài viết về nhạc sĩ La Hối đăng được hai kỳ trên báo Một Thế Giới thì thật bất ngờ tôi nhận được liên lạc của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp. Anh cho biết mình có văn bản bài hát bằng tiếng Hoa. Tôi vui quá, dừng ngay bài viết để dành nguyên ngày cuối tuần hẹn gặp tại Thư phòng nhà anh xem xét các tư liệu.

Thật đặc biệt là bài hát Xuân và Tuổi trẻ được tuyển chọn lại trong một ấn phẩm quan trọng và sang trọng có tựa đề Nhạc Tiền chiến do NXB Kẻ Sĩ - Sài Gòn, in năm 1970. Đặc biệt hơn, ấn phẩm này có lời giới thiệu và bạt của hai nhạc sĩ Hoàng Nguyên và Lê Thương.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia, nhạc sĩ Lê Thương và nhà thơ Thế Lữ chơi khá thân với nhau. Trong cuốn Nhạc Tiền chiến, Lê Thương đã soạn rất kỹ tiến trình Tân nhạc Việt qua 18 tác giả nhạc sĩ trứ danh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Hoàng Quý, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Lê Yên... Và ông đã dành nhiều tình cảm khi viết về các nhạc sĩ tiền chiến khởi phát từ miền Trung, trong đó có nhạc sĩ La Hối, như sau:

"Miền Trung và riêng vùng Hội An - Đà Nẵng một nhóm nhạc sĩ đồng thời xuất hiện đem ra một phong khí nhạc đẹp sáng, gợn gió trùng dương như những bài Xuân và Tuổi trẻ (La Hối), Mùa đông binh sĩ, Trầu Cau (Phan Huỳnh Điểu), Trai đất Việt (Dương Minh Ninh), Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương và các bài nói trên). Sau đó ít lâu còn Ngọc Trai, tác già Nhắn người chiến sĩ, Bến Hàn Giang, Nhạc sĩ với giấc mơ... (Trích "Thời Tiền chiến trong Tân nhạc 1938 - 1946 - Lời thuật của Lê Thương).

Tuy nhiên, thắc mắc của tôi là bài viết của Lê Thương cũng như bản in nhạc khúc Xuân và Tuổi trẻ của La Hối trong tuyển Nhạc Tiền chiến hoàn toàn không nhắc gì đến nhà thơ Thế Lữ. Chỉ giới thiệu phần lời Việt (phía trên để trống) và phần lời Trung Hoa đề tên Diệp Truyền Hoa mà thôi. Mặc dù theo nhiều chứng liệu, hai ông là bạn bè khá thân khi còn ở miền Bắc, lúc thành lập ban kịch Thế Lữ tại "Biệt thự gió bốn phương ngôi nhà tụ tập nhiều anh tài văn nghệ sĩ trên đường Láng - Hà Nội mà Lê Thương cũng là một thành viên. Điều này có thể là một căn cứ mà người yêu bài hát hoàn toàn có thể nghĩ Thế Lữ chỉ là người chuyển dịch lại lời bài hát của nhà thơ Diệp Truyền Hoa mà thôi.

Và tôi, người viết bài này đã đi đến quyết định cần phải có bản dịch tiếng Việt của ca khúc Thanh niên dữ Xuân thiên của Diệp Truyền Hoa để có thể so sánh với Xuân và Tuổi trẻ của Thế Lữ. Đây là một thao tác nghiên cứu văn bản khoa học và cần thiết nhưng không hiểu sao từ trước đến giờ các bài viết về bài hát Xuân của La Hối đều không làm. Có thể do thiếu về mặt tư liệu và mất thời gian chăng?

Thật may mắn trong tay tôi đã có bài hát La Hối phần tiếng Hoa do nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp cung cấp và tôi cũng mời được phiên dịch Hoàng Thu An, một dịch giả từng tốt nghiệp Đại học tiếng Trung đồng ý, cùng phối hợp với báo Điện tử Một Thế Giới làm công việc này. Chị đã bỏ thời gian để khảo cứu và dịch phần lời của bài hát nguyên tác tiếng Trung Thanh niên dữ Xuân thiên của Diệp Truyền Hoa.

Dưới đây, báo Một Thế Giới mời bạn đọc cùng xem xét hai phần văn bản:

Bìa ấn phẩm "Nhạc Tiền chiến". Nhạc sĩ La Hối xuất hiện ở hàng thứ 5 (có thể xếp theo thứ tự Alphabet) gồm những nhạc sĩ nổi tiếng Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Thẩm Óanh, Hoàng Quý, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương... Tư liệu của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp.

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ - Lời của nhà thơ Thế Lữ

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn luôn luôn cười với hoa

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi

Vui sướng đi cho đời tươi sáng / Vui sướng đi cho lòng thêm tươi
Ta hát ca đón mừng xuân mới / Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái
Hát vang lên đời ta thắm tươi / Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca / Hát vang hòa lòng thêm hăng hái
Hát vang lên đời ta thắm tươi / Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca / Xuân tưng bừng ...

Lời bài Xuân và Tuổi trẻ bằng tiếng Hoa "Thanh niên dữ Xuân thiên" của nhà thơ Diệp Truyền Hoa. Dịch giả Hoàng Thu An chuyễn ngữ

THANH NIÊN DỮ XUÂN THIÊN - Lời của Diệp Truyền Hoa

Tuổi trẻ chảy trong cơ thể bạn / Hy vọng tỏa sáng trong mắt bạn / Nào ngại khổ đau và bệnh tật

Nào ngại bao khó khăn trùng trùng / Tuổi trẻ chảy trong cơ thể bạn

Hy vọng tỏa sáng trong mắt bạn / Tình yêu lý tưởng của thanh niên

Tuổi trẻ luôn hướng về phía trước / Gió xuân thổi nhẹ qua mặt đất

Bao hoa đua nở trên cành cây / Bạn ơi! Lẽ nào chẳng thấy vui sao?

Nghe tiếng chim tranh nhau hót bài hát mùa xuân, bài hát của tuổi trẻ

Các cô gái hãy đến cùng múa nào! / Các chàng trai hãy đến chạy đua nào

Nhảy nhót chạy đua cùng nhau / Cười ha ha, gọi cùng nhau Xuân!

Mang lại tiếng cười và những lời hoan ca / Mang lại sức mạnh và hy vọng

Đôi khi có phiền não mông lung / Hãy để chúng ta cùng hát lên

Xuân! Để ta vui cười và ca hát / Nắm bắt thực tế và lý tưởng

Phá tan phiền não đón nhận ánh sáng rực rỡ

(Dịch giả Hoàng Thu An chuyển ngữ)

Như vậy chúng ta có thể thấy nhà thơ Thế Lữ đã soạn một phần lời mới hoàn toàn cho bài hát của nhạc sĩ La Hối chứ không dựa vào Diệp Truyền Hoa. Đây đó có đôi chỗ, đôi ý tưởng hai thi sĩ giống nhau khi viết về mùa Xuân nhưng Thế Lữ tài hoa hơn (Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa), độc đáo (Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo ), hình ảnh đắt hơn (Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng).

Và đặc biệt là tình cảm dạt dào như tâm tình ông gửi vào trong đó khi nói về tuổi trẻ, hướng về tuổi trẻ (Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui đời xuân thắm tươi)...

Trích đoạn bài thuật của nhạc sĩ Lê Thương "Thời Tiền chiến trong Tân nhạc 1938 - 1946 có nói tới nhạc sĩ La Hối cùng ca khúc Xuân và Tuổi trẻ - Ảnh: Khánh Hà

Định vị quan trọng của nhà thơ Thế Lữ trong bài hát La Hối

Thật ra, những câu chuyện khảo sát của chúng tôi hôm nay về âm nhạc Tiền chiến, ca khúc Xuân và Tuổi trẻ của La Hối hay nhiều nhạc bản khác sắp tới hoàn toàn không xuất phát từ việc móc méo, "xúc bèo ra bọ" hay "bới lông tìm vết" mà chỉ đi từ lòng kính trọng, ngưỡng mộ và tình yêu mà thôi. Vì sao? Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta lên đường, tìm hiểu thêm về tiền nhân, về tác phẩm và cuộc sống của người nghệ sĩ. Tất cả huyền ảo sau lớp lớp thời gian. Chỉ còn những giai thoại, huyền thoại đẹp như giọt sương lung linh trên phấn hoa, cánh bướm.

Vào thời điểm Thế Lữ viết phần lời Việt cho ca khúc Xuân và Tuổi trẻ, theo tôi có những ghi chú quan trọng như sau để hiểu thêm vì sao bài hát nổi tiếng rất nhanh về sau đó. Thứ nhất, ông đã có vị trí vững vàng trên thi đàn. Cùng với Phan Khôi, ông là thi sĩ được lịch sử ghi nhận là mở đầu Thơ Mới từ những năm 1930. Những tác phẩm thơ quan trọng của ông như tập thơ Mấy vần thơ (1935) với các bài nổi tiếng Nhớ rừng, Tiếng sáo Thiên Thai, Cây đàn muôn điệu, Lời than thở của một nàng Mỹ thuật... cùng nhiều bài khác.

Bên cạnh đó, ông cũng là cây bút nổi tiếng với loại truyện đường rừng, trinh thám được bạn đọc đặc biệt yêu chuộng như Vàng và máu, Lê Phong phóng viên... Ông cũng là một trong sáu nhà văn sáng lập và điều hành Tự lực Văn đoàn từ buổi đầu tiên. Năm nhân vật còn lại chính là các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam và nhà thơ Tú Mỡ.

Ông còn là một nhà báo nổi tiếng khi biên tập cho các tờ như Phong Hóa, Ngày Nay...cùng một số tờ khác. Và ghi chú cuối cùng, Thế Lữ còn là một kịch sĩ viết, đóng và dựng nhiều vở nổi tiếng. Ông cũng đã sáng lập nhiều đoàn Kịch của mình như nhóm kịch Tinh Hoa, ban kịch Thế Lữ... và đoàn kịch Anh Vũ.

Đầu năm 1946, khi Nhật đảo chính Pháp. Thế Lữ đã cùng đoàn kịch Anh Vũ đi lưu diễn khắp đất nước. Hành trình này ông định xuyên Việt dọc quốc lộ, vào Sài Gòn, qua Campuchia rồi mới trở ra Bắc. Đoàn Ca vũ nhạc kịch Anh Vũ bấy giờ ngoài Thế Lữ và vợ - nghệ sĩ Song Kim, cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác còn có các nhạc sĩ Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Nguyễn Xuân Khoát... Khi đến Hội An, Thế Lữ mới nghe nhạc bản Thanh niên dữ Xuân thiên của La Hối.

Cảm kích trước sự hy sinh của người nhạc sĩ trẻ tài hoa bị phát xít Nhật bắn chết, vùi chung trong một nấm mồ tập thể gồm 10 người (ngày 19.4 Ất Dậu), một năm trước khi đoàn kịch Anh Vũ đặt chân tới Hội An, Thế Lữ đã chuyển dịch, và viết thêm phần lời bài hát Thanh niên dữ Xuân thiên thành ca khúc nổi tiếng Xuân và Tuổi trẻ.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh bên mộ nhạc sĩ La Hối tại Hội An, tháng 11.2017 - Ảnh: Khánh Hà

Một điều ý nghĩa xác định trả lời câu hỏi tại sao bài hát Xuân và Tuổi trẻ nhanh chóng nổi tiếng trong cả ba miền đất nước như vậy? Đó là cũng do chính các thành viên trong đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ trình diễn, truyền bá khi xuyên Việt, từ Bắc chí Nam và qua tận Campuchia.

Tất nhiên, dài dài về sau Xuân và Tuổi trẻ còn có mặt trong rất nhiều buổi biểu diễn của đoàn và các chương trình nghệ thuật khác.

Những trước tác khác của La Hối

Nhiều tư liệu tôi đọc, cho biết nhạc sĩ La Hối có tư chất thông minh, học giỏi, rất có năng khiếu. Năm 14 tuổi, ông đã chơi được các nhạc cụ mandolin, ghita, accordeon, piano và tự sáng tác các khúc nhạc tươi vui về tuổi học trò để diễn tấu. Năm 1939, La Hối bắt đầu dạy nhạc và cùng với nhạc sĩ Vương Gia Khương, tác giả bài Cờ Việt Minh, thành lập Hội Âm nhạc Hội An do ông là Hội trưởng, tập trung vào hội những thanh niên yêu thích âm nhạc để dìu dắt họ về sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Nhiều học trò của La Hối sau này đã trở thành những nhạc sĩ khá nổi tiếng như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Hồ Vân Thiết, La Xuân, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang...

Trong thời gian từ 1939 - 1944, La Hối đã viết một số hành khúc hùng tráng cổ động tinh thần yêu nước, ý chí chống phát xít xâm lược. Tiêu biểu là ca khúc Gió thiêng liêng ông viết năm 1944, đồng thời gian với ca khúc Printemps et la Jeunesse. Bài này có những lời hào hùng, lạc quan phơi phới như: "Lời đất nước gieo niềm tin / Gió lên kia rồi / Gió thiêng liêng bừng chí thanh niên / Lời đất nước giục lòng ta…".

Tháng 5.1945, ông và 9 đồng chí trong tổ chức bị phát xít Nhật bắt giữ. Sau nhiều ngày giam cầm và tra tấn vô cùng dã man nhưng không hề khai thác được gì, ngày 19.4 năm Ất Dậu - tức ngày 30.5.1945, bọn Nhật đem hành hình, bắn ông và 10 người khác tại chân núi Phước Tường - Đà Nẵng.

Cũng có giai thoại hầu hết những sáng tác của nhạc sĩ La Hối có lời hay không lời đều được ông gửi cho người con gái ông yêu lưu giữ. Đó là một thiếu nữ Hội An xinh đẹp, làm nghề dạy đàn piano. Sau khi nhạc sĩ hy sinh, không còn thấy thiếu nữ này ở Hội An nữa.

Cuộc đời ông đẹp như huyền thoại. Và dù có thêm bao thời gian nữa, Xuân và tuổi trẻ vẫn còn trẻ mãi.

La Hối không chết. Ông còn mãi và trẻ mãi...

Đà Nẵng. Sài Gòn, mùa Giáng sinh, 25 tháng 12.2017

Về Hội An tìm dấu vết nhạc sĩ La Hối "Xuân và Tuổi trẻ"

Nhạc sĩ La Hối đã chết như thế nào?

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những trước tác để lại của nhạc sĩ La Hối