Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học mang đến rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên lẫn học sinh, sinh viên. Đây là cách tiếp cận phù hợp với thế giới hiện đại, với xu hướng sử dụng CNTT của lớp trẻ.
So với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có nền giáo dục còn khá truyền thống. Giáo dục tại Việt Nam có xu hướng giao tiếp theo lối mòn kiểu 1 thầy kèm 1 trò. Quá trình dạy và học như vậy sẽ có nhiều hạn chế như học sinh bị thụ động, không có tính sáng tạo, lười suy nghĩ, không muốn khám phá kiến thức mới. Chất lượng học tập sẽ không đem lại hiệu quả như mong đợi ban đầu.
Trong khi đó, CNTT có nhiều công cụ và tính năng hỗ trợ cực tốt, dễ dàng tương tác được hai chiều giữa người dạy và người học. Học sinh và giáo viên cùng tham gia vào quá trình tìm hiểu về kiến thức để bài giảng trở nên sinh động, có hứng thú hơn. Điều này giúp học sinh đi sâu vào bản chất của bài giảng, giúp nhanh tiếp thu và chất lượng giảng dạy cũng hiệu quả hơn.
Việt Nam đang chuyển mình theo thời kỳ công nghệ số 4.0. Sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại như smartphone hay internet không còn xa lạ và đã làm thay đổi rất nhiều thói quen cũ của con người. Cũng chính từ sự thay đổi này, việc thích nghi đáp ứng nhu cầu học tập được đẩy mạnh, ngành giáo dục cũng khuyến khích cả thầy lẫn trò chuyển theo hướng công nghệ số. Phương pháp giảng dạy truyền thống giờ đây gần như về cơ bản bị thay thế.
Biết được ưu và nhược điểm của ứng dụng CNTT trong dạy học, giáo viên sẽ dễ dàng sáng tạo nội dung, khắc phục những hạn chế khi áp dụng phương pháp này.
Một nữ giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP.HCM) cho rằng áp dụng công nghệ trong dạy và học sẽ tạo môi trường học tập thú vị, phù hợp với thế hệ trẻ, người học được kích hoạt sự tập trung cao độ. Nhiều công cụ học tập được hình thành, nguồn kiến thức từ internet cũng cực kỳ đa dạng. Bên cạnh đó, CNTT tạo điều kiện để người học thích nghi với công nghệ mới. Điều này giúp cho học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với công nghệ và khi ra trường, đến với môi trường hiện đại hơn cũng tự tin để học tập, làm việc và chinh phục tương lai - kỷ nguyên công nghệ số.
Theo chị Hồng Vân (Q.Tân Bình, TP.HCM), ứng dụng công nghệ internet trong dạy học sẽ tối ưu hóa được thời gian học cho cả người học và người dạy. Đặc biệt, nó sẽ xóa được khoảng cách về địa lý giúp người học có thể đăng ký bất cứ lớp học nào trong và ngoài nước. Giáo viên lẫn học sinh đều tăng được khả năng sáng tạo, hứng thú dạy và học từ việc ứng dụng CNTT vào học tập, nhiều ứng dụng dạy học hiện nay có thể chèn thêm hình ảnh, âm thanh và video vô cùng sinh động.
Không thể phủ nhận môi trường đào tạo và dạy học 4.0 luôn có những nguồn kiến thức mới mỗi ngày từ internet. Nguồn kiến thức vô tận này nếu biết cách khai thác sẽ mang đến những bài học sinh động, linh hoạt, tăng tư duy và thế giới quan của học trò tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy mang đến nhiều lợi ích nhưng vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, các giáo viên lớn tuổi tại Việt Nam chưa tiếp cận tốt với CNTT nói riêng và khoa học công nghệ, kỹ thuật nói chung. Việc dạy học bằng máy chiếu, tiếp cận các ứng dụng dạy học, phần mềm trực tuyến đối với không ít người còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa đủ kinh phí, có cơ sở vật chất kém chất lượng nên chưa thể tiếp cận tốt với CNTT. Khả năng ứng dụng CNTT chưa thuần thục cho cả thầy lẫn trò nên việc dạy và học đều gặp nhiều khó khăn.
Một giáo viên trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM cho rằng học sinh khi học trực tuyến không có ý thức cao sẽ bị xao nhãng và không đạt được kết quả tốt. Nhiều học sinh chưa tiếp cận với CNTT nên sẽ cần nhiều thời gian để tiếp cận và làm quen. Ngoài ra, có quá nhiều phần mềm dạy học nên người dùng còn loay hoay trong việc lựa chọn.
Theo bà Vũ Thanh Dung - chuyên gia công nghệ Công ty Smartcom Việt Nam, bên cạnh mặt tích cực, trường phổ thông cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khi giáo viên, học sinh ứng dụng CNTT chưa hiệu quả.
Có thể kể đến việc đầu tư trang thiết bị CNTT chưa đồng bộ, một số giáo viên không phân biệt rõ giữa phương pháp và công cụ giảng dạy. Khi đổi mới phương pháp dạy học, nhiều thầy cô băn khoăn việc ứng dụng phương pháp mới có thể không thành công, sợ nêu nhiều câu hỏi cho học sinh trả lời sẽ không đủ thời gian thực hiện kế hoạch giảng dạy.
Nhiều giáo viên thiết kế bài giảng dạng power point sử dụng hình ảnh, phông chữ, màu chữ lòe loẹt hoặc hiệu ứng không hợp lý, làm học sinh chú ý nhiều vào hiệu ứng mà sao nhãng nội dung. Có giáo viên khi xây dựng giáo án bài giảng điện tử chỉ thay thế cho viết bảng, chủ yếu sử dụng phương pháp dạy học truyền thụ kiến thức một chiều.
Ứng dụng CNTT trong dạy và học không nên hiểu đơn giản là dùng máy tính biên soạn rồi trình chiếu bài giảng điện tử trên lớp. Nó phải được coi là giải pháp trong hoạt động liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, soạn giảng, lưu trữ, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên học tập và cao hơn là hoạt động dạy học diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Dù mang nhiều lợi thế nhưng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn dạy học truyền thống. Ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, sáng tạo của giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, cần được nhà trường, hệ thống giáo dục, cũng như toàn xã hội triển khai đầy đủ, thiết thực.