Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng như VATA không hề kiến nghị cấm Uber hoạt động mà chỉ yêu cầu phải quản lý được. Và theo vị này, nhược điểm của taxi Uber là gây thiệt hại cho doanh nghiệp taxi đang hoạt động hiện nay.
Cấm hay không cấm dịch vụ Uber? đang là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi. Bàn luận xoay quanh vấn đề này, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch VATA.
Gần đây, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có phản ứng mạnh trước sự xuất hiện của loại hình taxi Uber. Vậy quan điểm của VATA về vấn đề này như thế nào?
Quan điểm của chúng tôi là cần nhanh chóng đưa ra biện pháp quản lý taxi Uber. Cách thức hoạt động của Uber đang xâm hại đến lợi ích của các doanh nghiệp vận tải taxi trên địa bàn TP.HCM và họ phản ứng rất quyết liệt, đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải có cách thức quản lý.
Quan điểm của chúng tôi cũng là cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo ra một sân chơi lành mạnh, bình đẳng, chứ không phải lợi dụng để giảm giá, cạnh tranh lẫn nhau.
Có nghĩa là Hiệp hội Taxi TP.HCM và VATA không hề đề xuất việc cấm loại hình dịch vụ này?
Quốc hội đã thông qua Luật doanh nghiệp, vậy Quốc hội có cấm cái này không? Quốc hội chỉ cấm 6 lĩnh vực không được hoạt động, chứ không phải là mình không quản được thì cấm. Chúng tôi không kiến nghị cấm, doanh nghiệp làm gì có quyền cấm ông này, cấm ông kia. Cấm là chỉ có Quốc hội mới có quyền, bây giờ là tự do kinh doanh. Tuy nhiên trong Luật không cấm nhưng vẫn phải quản lý để không gây xung đột lợi ích vì sẽ rất phức tạp.
Ở một số nước họ cho phép loại hình này hoạt động tức là họ đã có cách quản lý và chúng ta cần phải học hỏi họ. Tôi cho rằng cơ quan quản lý phải nhanh chóng nắm bắt được tình hình để quản lý taxi Uber, chứ theo như tôi biết thì Hiệp hội Taxi TP.HCM họ kiến nghị cả năm nay rồi, bây giờ thấy bức xúc quá mới làm mạnh hơn.
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước phải đưa ra biện pháp quản lý đối với hình thức này.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. |
Nhiều người cho rằng Uber ra đời giống như một phép thử, buộc các doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh lại, phải nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá thành để cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được lợi. Ông nghĩ sao về đánh giá này?
Tôi cho rằng một cuộc cạnh tranh như vậy là không lành mạnh. Các doanh nghiệp taxi trên địa địa bàn đang bị yếu thế. Phải cạnh tranh với nhau bằng chất lượng dịch vụ chứ không phải là bằng việc hạ giá, giành khách. Phải tuân theo đúng quy định vận tải vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải đảm bảo được quyền lợi khách hàng khi xảy ra bất cứ rủi ro nào.
Đúng là Uber có ưu điểm dễ nhận thấy ngay là giá rẻ, chất lượng phục vụ theo một số khách hàng tại TP.HCM nói là khá tốt, điểu khiển nhanh chóng và trước khi đi khách hàng có thể biết được bao nhiêu tiền. Cái này là rất rõ ràng, rành mạch chứ không phải mù mờ, ngồi lên xe rồi bấm đồng hồ chạy vòng quanh để lấy thêm tiền là không xong. Cũng vì vậy mà khách hàng rất ưa chuộng loại hình này.
Tuy nhiên,
nhược điểm của taxi Uber là gây thiệt hại cho doanh nghiệp taxi trên địa bàn, như vậy là không được. Tiếp đến là vấn đề thuế, Nhà nước không nắm bắt được vì khách hàng ở đây thanh toán trực tiếp cho lái xe, còn trả cho Uber thì lại chuyển thẳng ra nước ngoài. Vậy vấn đề thuế phải thu như thế nào? Phải chăng Bộ Tài chính thấy cái này rẻ quá nên không cần quản?
"Chúng tôi không kiến nghị cấm, doanh nghiệp làm gì có quyền cấm ông này, cấm ông kia. Cấm là chỉ có Quốc hội mới có quyền, bây giờ là tự do kinh doanh. Tuy nhiên trong Luật không cấm nhưng vẫn phải quản lý để không gây xung đột lợi ích vì sẽ rất phức tạp".
Bất lợi ở đây rất lớn, Nhà nước vừa thất thu thuế mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Uber còn có nhược điểm khác là khi xảy ra vấn đề khách hàng không biết kêu ai. Khách hàng bây giờ mới chỉ nghĩ đến giá rẻ, minh bạch, chất lượng dịch vụ cũng tốt chứ chưa nghĩ đến những khía cạnh khác, nên Nhà nước mới cần phải quản lý.
Ông vừa nói Hiệp hội Taxi TP.HCM đã kiến nghị phải quản lý Uber từ một năm trước, nhưng đến giờ vẫn chưa có quy định hoặc biện pháp quản lý loại hình này. Vậy ông đánh giá thế nào về độ nhanh nhạy của các nhà làm luật?
Tôi cho rằng cũng khó trách cơ quan quản lý vì khi thực tế phát sinh thì các nhà quản lý mới nghĩ ra cách quản. Bao giờ thực tế cũng đi trước chứ không bao giờ thực tế theo sau. Tuy nhiên cần phải kịp thời. Loại hình này mới manh nha khoảng 1-2 năm nay, nhưng ban đầu là rất nhỏ, bây giờ mới phát triển mạnh.
Ban đầu các đơn vị taxi TP.HCM thấy nó cũng gây khó khăn thật, nhưng không nghiêm trọng. Bây giờ mới thấy nghiêm trọng rồi, lừng lững một đơn vị kinh doanh hẳn hoi thì mới phản ứng quyết liệt.
Vì vậy tôi cho rằng các bộ GTVT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an phải ngồi lại với nhau, phối hợp với nhau để tìm ra cách quản lý cho phù hợp, chứ không phải nhăm nhăm xử phạt lái xe thì không phải là cách quản lý.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên