Ngày 14.4, tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), đã diễn ra chương trình trao đổi hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và tỉnh Ninh Thuận.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương, Ninh Thuận đã thu hút được 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp ở TP.HCM với tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng, nâng tổng số dự án đến nay là 45 dự án với tổng vốn đầu tư 60.000 tỉ đồng thuộc các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo; cảng biển; công nghiệp sản xuất; nông nghiệp; du lịch; thương mại, dịch vụ; lao động, việc làm; y tế; giáo dục đào tạo và khoa học và công nghệ...
Qua đó khẳng định chủ trương hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TP.HCM hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề phát triển hợp tác lâu dài giữa hai địa phương.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TP.HCM, UBND tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, 2 địa phương đã thống nhất 5 lĩnh vực hợp tác chung theo đề xuất của UBND TP.HCM, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp TP.HCM cũng trao đổi đề xuất các vấn đề đầu tư, hợp tác về cảng biển Cà Ná, hạ tầng khu công nghiệp và các sản phẩm về nông nghiệp, du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất cao với 5 lĩnh vực đề xuất hợp tác giữa thành phố và tỉnh Ninh Thuận. TP.HCM xác định trách nhiệm của mình, tích cực triển khai các nội dung thỏa thuận; đồng thời sẽ thể hiện sự chủ động trong phối hợp triển khai chương trình với tỉnh Ninh Thuận.
“TP.HCM cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các doanh nghiệp của thành phố trong việc đầu tư, cũng như triển khai các chương hợp tác tại tỉnh Ninh Thuận. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp TP.HCM, lãnh đạo các sở, ngành của hai địa phương tích cực triển khai các lĩnh vực đã đề xuất đã nêu”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, lãnh đạo 2 địa phương và lãnh đạo các sở, ngành đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác, kinh doanh và phát triển hệ thống cảng biển và chuỗi logistics của Cảng Sài Gòn và Cảng Cà Ná giữa Công ty CP Sài Gòn và Trungnam Group.
Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thủy lợi... đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước hình thành và trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; các khu, cụm công nghiệp phát huy hiệu quả thu hút nhiều dự án đầu tư, nhất là ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những năm qua, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Ninh Thuận luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước... GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân 7,3%/năm của giai đoạn 2011-2015.