Sau khi đã bão hòa với đủ các thể loại về hát hò, các chương trình truyền hình bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực hài. Ban đầu chỉ là bước đi thăm dò với một vài chương trình được mua từ nước ngoài nhưng khi lượng người xem ngày càng tăng, các nhà đài nhảy vô sản xuất chương trình hài ngày càng nhiều.
“Miếng bánh thị phần” đang nóng
Có thể nói, năm 2014 đánh dấu sự thành công ngoạn mục của các chương trình hài trên sóng truyền hình sau một thời gian vắng bóng như Ơn giời! Cậu đây rồi, Người bí ẩn, Cười là thua, Thách thức danh hài... Đơn vị mạnh mẽ đưa loại hình hài truyền hình lên sóng có lẽ phải kể đến Đông Tây Promotion. Sau thành công bất ngờ của Người bí ẩn với sự tung hứng hài hước của cặp đôi danh hài Hoài Linh - Việt Hương cùng MC Trấn Thành, đơn vị này tiếp tục đưa Ơn giời! Cậu đây rồi lên sóng giờ vàng VTV3 và tiếp tục thành công khi trở thành chương trình thu hút người xem đông đảo nhất so vối các chương trình cùng thời điểm.
Thành công này khiến hàng loạt đơn vị khác nhảy vào “chia sẻ” miếng bánh thị phần đang nóng hổi với sự ra đời của hàng loạt chương trình hài như Thách thức danh hài, Chết cười, Tài tiếu tuyệt, Hội ngộ danh hài...
Không dừng ở việc mua format các chương trình từ nước ngoài, một số đơn vị cũng bắt đầu nghĩ đến việc khai thác các chương trình mang yếu tố thuần Việt mà một trong số đó là chương trình Cười xuyên Việt trên Đài Truyền hình Vĩnh Long. Là chương trình tìm kiếm tài năng gây cười và tấu hài xuất hiện lần đầu tiên trên truyền hình Việt Nam, được đầu tư về hình thức và nội dung, Cười xuyên Việt 2015 được hy vọng sẽ mang đến làn gió mới trong việc thưởng thức loại hình giải trí vui vẻ mang tính nhân văn.
Không chỉ có truyền hình thực tế hài, chương trình hài kịch truyền hình vang bóng một thời Trong nhà ngoài phố cũng được hồi sinh bêncạnh một loạt chương trình hài kịch truyền hình mới được đưa lên sóng như Gặp nhau để cười hay những phim sitcom hài ngắn hàng ngày trên VTV9... Với lợi thế là kênh truyền hình địa phương có lượng người xem cao thuộc hàng nhất nhì cả nước mà đối tượng khán giả chủ yếu là vùng đồng bằng sông nước, Đài Truyền hình Vĩnh Long thời gian gần đây cũng tập trung đẩy mạnh mảng các chương trình hài truyền hình. Ngoài Cười xuyên Việt chuẩn bị phát sóng, đài đang đầu tư hợp tác để sản xuất hàng loạt chương trình hài định kỳ như Diêm vương xử án, Danh hài đất Việt...
Nỗi lo hài nhảm
Khi các chương trình hài phủ sóng dày đặc trên các đài truyền hình thì cũng bắt đầu một nỗi lo rất cũ: chất lượng! Không phải ngẫu nhiên mà chất lượng các chương trình hài trở thành vấn đề quan tâm và băn khoăn của công chúng lẫn giới làm nghề bởi nếu không cẩn trọng rất dễ rơi vào tình trạng hụt hơi, hời hợt và nhảm nhí. Bài học của chương trình Gặp nhau cuối tuần từng làm mưa làm gió trên VTV3 hơn 10 năm trước có lẽ vẫn sẽ chẳng bao giờ cũ. Từ một chương trình cực hot với dàn diễn viên tài năng, đi vào những vấn đề thời sự nóng bỏng để lấy tiếng cười khán giả, chương trình sau đó nhạt dần và chết hẳn.
Tất nhiên, câu chuyện 10 năm trước và 10 năm sau có thể không giống nhau bởi các nhà sản xuất ngày nay, với việc mua những định dạng chương trình đang ăn khách của nước ngoài đã tạo ra nhiều sự mới mẻ, khác biệt. Như sau 2 mùa phát sóng, chương trình Hội ngộ danh hài năm nay đã được làm mới bằng việc các danh hài sẽ diễn trên một sân khấu nghiêng 21 độ. Những chương trình hài khác thì chuyển hướng từ việc diễn các tiểu phẩm, hài kịch ngắn... sang các chương trình truyền hình thực tế hài, games show hài hoặc thể loại hài kịch tình huống. Điển hình cho thể loại hài tình huống là chương trình hài Ơn giời! Cậu đây rồi. Theo đó, với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi trong giới nghệ sĩ hài và các nghệ sĩ nổi tiếng, show tấu hài ứng biến, không theo một chủ đề nhất định nào có được tỷ lệ người xem cao. Tuy nhiên, vì bị “ép” phải gây cười cho khán giả bằng mọi cách nên nhiều nghệ sĩ đã thiếu kiềm chế. Sự tung hứng quá đà với những ngôn từ vỉa hè như: “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó” hay “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị” ở một chương trình trên sóng quốc gia rất phản cảm.
Điển hình cho hình thức chọc cười gây nhiều phản cảm là chương trình Chết cười đang phát sóng trên VTV3. Với những kiểu chọc cười bằng hình thể dung tục, được bê lên sóng truyền hình đã gây hiệu ứng ngược và bị phản ứng khá nhiều của dư luận. Rõ ràng không phải cái gì thành công ở nước ngoài khi đưa vào nước ta cũng phù hợp, đặc biệt là hài. Văn hóa, phong tục tập quán khác nhau sẽ đưa đến chuẩn tạo ra tiếng cười khác nhau. Có thể hành động, câu nói, ngữ cảnh đó ở một nền văn hóa khác gây ra tiếng cười nhưng khi đặt trong môi trường văn hóa, ngôn ngữ... của Việt Nam sẽ trở nên dung tục, phản cảm.
Đó là chưa kể, trên thực tế, khi các chương trình hài chưa nở rộ như hiện nay, chất lượng các tiểu phẩm, kịch bản hài đã là điều khiến không ít người trong nghề đau đầu bởi lực lượng biên kịch có nghề ở lĩnh vực này vừa yếu vừa thiếu trong khi nhu cầu và trình độ của khán giả ngày một cao. Các nhóm hài phải chủ yếu tự thân vận động, tự viết kịch bản cho mình diễn là chủ yếu. Chính vì vậy, nỗi lo hài nhảm trong bối cảnh bùng nổ tràn lan hài truyền hình như hiện nay là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Khắc Thi (Sài Gòn giải phóng)