Theo BBC, trong một bài viết công bố trên tạp chí Toxin, các nhà khoa học ở đại học Queensland, Úc, công bố phát hiện ra nọc độc của loài rắn san hô xanh (tên khoa học là Calliophis bivirgata) có tác dụng giảm đau.
Đây là loài rắn dữ nguy hiểm như hổ mang chúa, được mệnh danh là “sát thủ của sát thủ” vì chúng chuyên ăn cả những loài rắn độc khác, có nguồn gốc ở Đông Nam Á với tuyến nọc độc của rắn san hô xanh kéo dài một phần tư chiều dài thân.
Trước đó, theo tạp chí The Age, các nhà khoa học ở Đại học Monash, Úc, tin chắc rằng nọc rắn là loại thuốc tiềm tàng có thể đánh tan những mảng bám nguy hiểm trong não. Đó chính là những mảng lắng đọng gây bệnh Alzheimer. Theo các nhà nghiên cứu, nọc rắn sẽ “mách nước” để tìm ra loại thuốc chặn đứng sự tiến triển bệnh ở những người mới mắc những chứng bệnh thần kinh.
Các chuyên gia đã để ý đến nọc độc của những con rắn đuôi chuông sống ở Nam và Trung Mỹ. Họ đã sử dụng nọc của loài rắn này để đánh tan những mảng beta-amyloid hình thành trong não. Bình thường, các enzyme phân rã các protein đó, nhưng trong những điều kiện nhất định, các protein bắt đầu tích tụ lại trong não, gây tác hại.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tìm kiếm loại thuốc có thể kích hoạt các enzyme có thể phân rã các mảng protein beta-amyloid. Sau khi phân tích các loại nọc độc khác nhau, họ đã phát hiện trong nọc độc rắn đuôi chuông có một phân tử cần thiết và hiện đã tạo ra được một phiên bản tổng hợp chứng tỏ giống với nguyên mẫu sinh học. Hiện các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị thử nghiệm trên chuột.
Theo thống kê, chỉ riêng ở Úc, hàng năm có 350.000 người mắc bệnh Alzheimer và các chứng bệnh thần kinh liên quan, tiêu tốn hàng tỉ đô la của ngành y tế nước này.
Vũ Trung Hương