Theo BBC, các nhà khoa học đang lập kế hoạch thả hàng triệu con muỗi biến đổi gen vào môi trường tự nhiên ở Brazil và Colombia với mục tiêu bảo vệ con người khỏi vi rút Zika và các căn bệnh truyền nhiễm khác do muỗi đốt.
Muỗi biến đổi gen được cho lây nhiễm vi khuẩn Wolbachia hạn chế sự lây lan của vi rút. Kế hoạch này tốn 18 triệu USD với trọng tâm là tiêm vắc xin cho muỗi, chứ không phải cho người.
Kế hoạch này dự tính sẽ được triển khai vào đầu năm sau. Trong môi trường tự nhiên khuẩn Wolbachia lây nhiễm tới 60% côn trùng nhưng chúng vô hại đối với người.
Thông thường Wolbachia không lây nhiễm cho muỗi vằn Aedes aegypti, tác nhân gây các bệnh nhiệt đới nổi tiếng nhất như bệnh sốt Dengue, Chikungunya, sốt vàng da và một số bệnh khác như vi rút Zika…
Nhưng các chuyên gia đã phát hiện ra cách đưa vi khuẩn vào muỗi có thể chặn đứng bệnh sốt xuất huyết qua những thí nghiệm cục bộ ở Brazil, Colombia, Úc, Indonesia và Việt Nam. Họ đã đạt được những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống vi rút Zika và Chikungunya trong phòng thí nghiệm.
Theo các nhà khoa học, khi được thả vào môi trường tự nhiên, muỗi biến đổi gen bắt đầu giao phối với muỗi nguy hiểm và lây nhiễm khuẩn cho các thế hệ sau.
Vi khuẩn Wolbachia có thể vừa kích hoạt hệ miễn dịch của muỗi vừa bảo vệ chúng khỏi vi rút, nhưng mặt khác lại cạnh tranh với vi rút để giành giật những nguồn lợi cần thiết cho sự sinh sản. Vi rút bị thua trong cuộc đua này, không sinh sản được, cuối cùng giảm nguy cơ truyền bệnh qua vết đốt của muỗi.
Vũ Trung Hương