Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khiến cho nhiều hoạt động đón mừng năm mới Tân Sửu 2021 phải dừng, nhiều người đi làm ăn xa cũng không trở về quê vì sợ lây bệnh.

Nỗi buồn của những cặp vợ chồng chia ly ngày Tết vì COVID-19

Trần Khải | 10/02/2021, 12:31

Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khiến cho nhiều hoạt động đón mừng năm mới Tân Sửu 2021 phải dừng, nhiều người đi làm ăn xa cũng không trở về quê vì sợ lây bệnh.

Xa vợ, con không cũng không về sum họp

Tết gần kề, vậy mà trong căn nhà cũ kỹ của ông Trần Văn Hoàng (68 tuổi, ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vẫn trống vắng. Suốt mấy ngày nay, ông một mình thui thủi ra vào để ngóng trông tin con có về quê đón xuân cùng mình sau 1 năm ly hương đi làm ăn xa hay không...

anh-1-ong-hoang-cam-thay-buon-vi-vo-con-khong-ve-sum-vay-don-nam-moi-do-covid-19-anh-tran-khai.jpg
Ông Hoàng cảm thấy buồn vì vợ, con không về sum vầy đón năm mới do COVID-19 - Ảnh: Trần Khải

Đến chiều muộn ngày 28 tháng chạp, ông Hoàng nhận được cuộc gọi của người con trai đang làm công nhân ở Đồng Nai gọi về. Ông Hoàng mừng rỡ bắt máy nhưng ở đầu dây bên kia, con trai ông thông báo: “Con... không về được cha à! Dịch bệnh nguy hiểm quá, con sợ về lại phát sinh nhiều rắc rối nên đã đăng ký với công ty ở lại trực tết luôn. Cha ở nhà giữ gìn sức khỏe, ăn tết vui vẻ nhé, hết dịch con sẽ về thăm cha”.

Khi con trai tắt máy, ông Hoàng ngồi trầm tư, hút vội điếu thuốc lá đến trơ tàn và ngậm ngùi: “Tết năm nay rất đáng nhớ, nó vừa khép lại 1 năm làm ăn khó khăn, dịch bệnh hoành hành thiệt là khổ. Mùa xuân là dịp sum vầy người thân, con cháu trong nhà quây quần lại với nhau, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và kể cho nhau nghe về công việc, thành quả sau 1 năm lao động vất vả. Vậy mà xuân năm nay, con tôi không về đoàn tụ với gia đình được...”.

Ông Hoàng kể, vợ chồng ông có với nhau 5 người con nhưng vì gia cảnh khó khăn nên các con phải ly hương để mưu sinh. Hơn 1 năm trước, ông Hoàng theo người con trai thứ 3 lên Đồng Nai xin làm bảo vệ. Về sau, do tuổi cao, sức khỏe cũng không còn đảm bảo cho công việc nên ông đã xin nghỉ việc để về quê. Còn vợ ông đi làm ở TP.HCM, do dịch bệnh COVID-19 mấy ngày qua bùng phát và lây lan nhanh ở cộng đồng, nên Tết này cũng không về đoàn tụ cùng ông được.

anh-2-nhung-ngay-nay-nguoi-dan-tro-ve-que-don-tet-phai-thuc-hien-khai-bao-y-te-anh-tran-khai.jpg
Những ngày này, người dân trở về quê đón tết phải thực hiện khai báo y tế - Ảnh: Trần Khải

Ngồi bên nồi thịt kho nghi ngút khói, ông Hoàng cố làm ra vẻ mạnh mẽ, cố trấn an mình: “Thịt là của thằng con ở gần gửi cho đó. Tết này chỉ có vợ và thằng con ở cùng với tôi đi làm xa nhất nên không về dịp tết thôi. Còn mấy đứa lấy chồng, vợ gần đây thì đến ngày đầu năm tụi nó cũng tề tựu về với tôi hà. Quà bánh tụi nó đã gửi về hết rồi, nhưng chắc tụi nó về chốc lát rồi cũng đi vì còn có gia đình riêng nữa. Tuổi già hiu quạnh, cô đơn tôi cũng buồn nhưng cũng ráng”.

Vợ chồng ăn Tết ở 2 nơi

Những ngày này, đi dọc các ngã đường về miền Tây, dễ dàng bắt gặp hình ảnh dòng người ở các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… ùn ùn chở nhau về quê ăn tết. Đó là những cặp tình nhân, đôi vợ chồng hoặc bạn bè cùng quê. Thi thoảng chúng tôi bắt gặp hình ảnh cả gia đình gồm vợ chồng và con nhỏ chở nhau trên 1 xe gắn máy vượt đường dài hàng trăm km để về quê đón tết. Lúc mỏi mệt, họ lại dừng xe bên vệ đường để nghỉ ngơi một lúc rồi đi tiếp. Dù đi đâu, làm gì đi chăng nữa thì mỗi dịp tết đến, xuân về, mỗi người dân chúng ta đều phải tề tựu, trở về bên gia đình để sum vầy.

Tuy nhiên năm nay thì khác, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường nên nhiều địa phương trên cả nước đã ra thông báo dừng nhiều hoạt động đón Xuân Tân Sửu 2021 và khuyến cáo người dân không tụ tập đông người khi không cần thiết. Từ đó, tùy vào hoàn cảnh cụ thể nên nhiều công nhân xa quê có thể chọn cách về quê hay ở lại. Dù rất tâm tư nhưng với họ, đại dịch COVID-19 đang rất phức tạp thì tốt hơn hết là thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế. Đặc biệt, để tránh cho đại dịch càng thêm phức tạp thì hơn lúc nào hết “ai ở đâu, cứ ở yên đó”.

Ánh mắt đượm buồn vì không được sum vầy cùng chồng đón xuân, chị Phạm Thị Út (40 tuổi, ngụ xã Lợi An, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bộc bạch: “Tôi đi làm cùng chồng ở Đồng Nai, mấy hôm trước vợ chồng bàn nhau cùng về quê ăn tết với gia đình 2 bên. Anh kêu tôi đưa con về trước, rồi thu xếp về sau nhưng do diễn biến dịch bệnh khó lường, nhất là khi ở TP.HCM bùng phát mạnh mẽ nên anh gọi điện nói là ở lại Đồng Nai ăn tết xa quê 1 năm. Tôi cũng buồn vì vợ chồng ăn tết ở 2 nơi nhưng cũng đành chấp nhận thôi vì điều đó chẳng ai muốn hết”.

anh-3-dong-nguoi-do-ve-que-don-tet-nguyen-dan-tan-suu-anh-tran-khai.jpg
Dòng người đổ về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu - Ảnh: Trần Khải

Xuân Tân Sửu 2021 đã về, sắc hoa ngập tràn ở các ngã đường, người dân tất bật chỉnh trang nhà cửa, mua sắm để chuẩn bị đón một mùa xuân đầm ấm, vui tươi. Dẫu vậy, vẫn có nhiều người đi lao động xa đã không về quê đón tết cùng gia đình vì đại dịch. Xuân này thật sự là một mùa xuân đáng buồn với nhiều người.



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi buồn của những cặp vợ chồng chia ly ngày Tết vì COVID-19