Việc cho máy bay hạ cánh trên một đảo nhân tạo xây trái phép đang dẫn đến nỗi lo Trung Quốc chơi trò nguy hiểm trên biển Đông.  

Nỗi lo Trung Quốc leo thang nguy hiểm trên Biển Đông

Một Thế Giới | 12/01/2016, 04:00

Việc cho máy bay hạ cánh trên một đảo nhân tạo xây trái phép đang dẫn đến nỗi lo Trung Quốc chơi trò nguy hiểm trên biển Đông.  

Theo báo The Straits Times (Singapore), các nhà phân tích đã đề cập đến nỗi lo Trung Quốc chơi trò nguy hiểm trên biển Đông và việc tránh xung đột trên vùng biển tranh chấp này càng lúc là một thử thách ngoại giao nghiêm trọng.

Việc Trung Quốc (TQ) phô trương sức mạnh ở Biển Đông có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra một sự cố nào đó, gia tăng thành một cuộc xung đột.  

Theo báo trên, để đề phòng TQ, Việt Nam nỗ lực mua vũ khí - gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo - và hiện đại hóa quân đội.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối việc TQ lần đầu tiên cho máy bay hạ cánh trên Bãi Đá Chữ Thập mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Lê Hải Bình nói đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Ông khẳng định việc TQ xây đường băng dài 3.000m trên Bãi Đá Chữ Thập - cho phép máy bay kích cỡ lớn hơn và nặng hơn hạ cánh - là phi pháp. Việt Nam yêu cầu TQ lập tức chấm dứt và không tái thực hiện những chuyến bay tương tự trong tương lai.

Nhưng Bắc Kinh bác bỏ sự phản đối của Việt Nam, cho hai chiếc nữa hạ cánh ở Bãi Đá Chữ Thập, càng khiến Việt Nam phản đối. Ông Lê Hải Bình yêu cầu TQ “lập tức kết thúc những hành vi tương tự… khiến gây thêm phức tạp cho sự tranh chấp”.

Gần đây, lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam còn cho biết: từ ngày 1 đến 8.1.2016, có ít nhất 46 chuyến máy bay TQ bay vào vùng thông báo bay (FIR Hồ Chí Minh) để hạ cánh xuống Bãi Đá Chữ Thập, mà không báo trước cho FIR Hồ Chí Minh.

Philippines cũng phản đối các chuyến bay của TQ. Ngoại trưởng Albert del Rosario nói nếu không thách thức hành vi của TQ thì sẽ dẫn đến một tình hình TQ sẽ tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ).

Tân Hoa Xã đưa tin Bắc Kinh phản bác những chỉ trích về các chuyến bay, nói chủ quyền của TQ là “rõ ràng và không thể bàn cãi” và các chuyến bay thử nghiệm “chỉ là nỗ lực phục vụ nhu cầu của nhiều phương tiện hàng hải-hàng không sử dụng một tuyến giao thông bận rộn nhất thế giới”.

Tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói việc TQ hạ cánh thử nghiệm “gây căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực”. Mỹ đã tuyên bố muốn bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ngày 27.10.2015, hải quân Mỹ đưa khu trục hạm Lassen vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thực hiện cuộc tuần tra quyền tự do hàng hải. Mỹ cũng tuyên bố sẽ tuần tra hai lần/quý từ năm 2016.

Các nhà phân tích nói việc hoạt động ở Bãi Đá Chữ Thập chỉ là bước khởi đầu của việc Bắc Kinh quyết độc chiếm 90% biển Đông.

Ian Storey, một chuyên gia cấp cao về an ninh hàng hải thuộc Viện Iseas - Yusof Ishak (Singapore) nói: “Những gì chúng ta đã thấy trong vài tuần qua đã trở thành một sự bình thường mới. Căng thẳng ở biển Đông lúc tăng lúc giảm và tôi cho rằng nó có thể trầm trọng hơn, chủ yếu vì các cơ sở trên các đảo nhân tạo đã hoạt động”.

Ông khẳng định TQ đã xây 3 đường băng và chúng sẽ hoạt động trong vài tháng tới: “Điều đó có nghĩa TQ sẽ mở rộng sự hiện diện và tình hình có thể leo thang căng thẳng, dẫn đến nhiều sự cố hơn”.

Đã có nhiều sự cố, như nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu TQ đâm va. Chuyên gia Storey nói: “Tôi được thông tin có nhiều sự cố hơn những vụ được báo cáo. Tôi nghĩ không nước nào muốn xung đột, nhưng tôi cho rằng đấy là vấn đề thời gian, một trong những sự cố sẽ trầm trọng hơn và sẽ có người nào đó bị giết”.

Khối 11 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) từ nhiều năm qua đã thúc đẩy Quy định ứng xử trên biển Đông nhưng chưa thể thành hiện thực. Nhưng các nhà phân tích nói đừng kỳ vọng sẽ có được quy định chung. Bà Yun Sun, một chuyên gia của Viện Brookings, nói: Cơ chế đồng thuận của ASEAN về những quyết định đã dẫn đến chuyện TQ cố gắng chia rẽ cả khối này về vấn đề biển Đông.
“Tôi bi quan về khả năng đàm phán của ASEAN với TQ theo một cách có ý nghĩa”, bà nói.

Nhưng bà trấn an về nguy cơ xảy ra sự cố: “Rất có khả năng xảy ra một tai nạn, nhưng dù tai nạn này sẽ dẫn đến một hậu quả lớn giữa hai nước, tôi vẫn không nghĩ sẽ xảy ra sự cố”. “Thông tin tôi nhận được ở Bắc Kinh là thật sự trong năm 2016, TQ sẽ không tìm cách gây rối ở biển Đông”, bà nói thêm.

Bích Ngọc (theo The Straits Times)

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo Trung Quốc leo thang nguy hiểm trên Biển Đông