Suốt hơn 1 tháng nay, khi nhiều tỉnh, TP phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì đó cũng là lúc nhiều người lao động xa quê bị mất việc làm, không có thu nhập do nghỉ việc vì dịch COVID-19.

Nỗi niềm người ly hương mùa dịch bệnh

29/08/2021, 11:30

Suốt hơn 1 tháng nay, khi nhiều tỉnh, TP phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì đó cũng là lúc nhiều người lao động xa quê bị mất việc làm, không có thu nhập do nghỉ việc vì dịch COVID-19.

Khó khăn chồng chất, muốn được về quê

Gần đây, thông qua mạng xã hội Facebook tôi liên tục nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè quê Cà Mau nhưng đi lao động, làm việc ở nhiều địa phương đang là tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Nhìn những dòng tin nhắn bạn bè gửi tới, tôi cảm thấy chạnh lòng. Cũng vì dịch bệnh mà họ phải rơi vào cảnh khó khăn. Trong số ấy, có người đã hơn 2 tháng nay sống cảnh đói ăn.

2.jpg
Một công nhân ở tỉnh Đồng Nai  vội chợp mắt tại nơi làm việc - Ảnh: T.K

Cuối tháng 8, điện thoại tôi bất ngờ nhận được tin nhắn từ anh bạn thời học cấp 2. Đó là Lâm, ngụ TP.Cà Mau. Qua tin nhắn, Lâm kể, anh có đứa em đang kẹt ở Bình Dương đang rất cần sự giúp đỡ về cái ăn. Anh bạn nhắn tin cho tôi với vẻ đầy tâm trạng: “Ông có quen ai làm ở các hội từ thiện làm cứu trợ, giúp đỡ những người lao động đang gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh ở tỉnh Bình Dương không?” Bất ngờ với câu hỏi của bạn, tôi hỏi ngược lại bạn cần giúp đỡ gì sao?

Như chạm vào mạch cảm xúc đang dồn nén trong lòng bấy lâu nay, Lâm trải lòng với những dòng tin nhắn trĩu nặng: “Mình có đứa em đi lao động ở Bình Dương đang rất cần sự giúp đỡ, đã 2 tháng nay nó mất việc làm, giờ không có gì ăn. Bạn có quen ai hỗ trợ thức ăn từ thiện trên đó giúp mình với. Nhiều người xa quê khổ lắm rồi, giờ muốn về quê mà không về được vì chủ trương 'ai ở đâu ở yên đó'".

Tôi vội lật tìm danh mục số điện thoại của Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu ở TP.HCM rồi kêu bạn gọi để xin được giúp đỡ. Vì họ cũng có những chuyến hàng cứu trợ ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Trong lúc tuyệt vọng, bạn nhận được số điện thoại tôi cho thì như “nắng hạn gặp mưa rào”. Lâm vội vàng nói lời cảm ơn tôi, hứa sẽ đưa cho đứa em gọi liền để xin nhận giúp đỡ với mong muốn vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Và mới đây, Duy Phương, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cũng hớt hải gọi điện cho tôi để nhờ giúp đỡ. Phương nói, anh và vợ lên Đồng Nai khoảng 3 tháng nay để làm công nhân. Từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, gia đình Phương phải chịu cảnh thất nghiệp đến bây giờ thì tiền ăn đã hết, Phương than hiện rất khổ nên rất muốn tìm số điện thoại của Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu để đăng ký danh sách mong được giúp đỡ trở về quê.

“Bây giờ các nhà xe vận tải hành khách đều đã ngừng hoạt động, muốn về quê rất khó. Còn đi xe máy về thì khó mà qua được các chốt trạm kiểm dịch. Giờ tôi cũng hết tiền để đi test nhanh luôn rồi. Cuộc sống xứ người bây giờ hiện rất khổ nên rất muốn được giúp đỡ về quê càng sớm càng tốt", Phương bày tỏ nguyện vọng.

Đó chỉ là một vài trường hợp đang gặp khó khăn ở các tỉnh có dịch bệnh phức tạp. Bây giờ họ đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” nên rất cần sự giúp đỡ. Vì mưu sinh nên họ phải xa quê để lao động với mong muốn cuộc sống ổn định hơn. Nào ngờ, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã đẩy họ vào thế khó.

“Ở nhà an toàn thì…chết đói”

Đó là câu trả lời có thể khiến cho người nghe cảm thấy nhói đau, cay mắt phải rơi lệ của anh G., quê ở Cà Mau hiện đang làm công nhân cho một công ty ở tỉnh Đồng Nai. Anh G. chia sẻ, khoảng 1 tháng nay anh đã dọn đồ vào công ty để ở và làm việc. Dù biết dịch bệnh nguy hiểm nhưng nếu không làm thì sẽ chết đói. “Tôi ăn ngủ ở công ty cả tháng nay rồi, bản thân cũng rất mừng vì vừa được tiêm văc-xin. Nói thật, dịch bệnh phức tạp mình cũng lo lắm nhưng không làm thì không có cái ăn”, anh G. nói.

1.jpg
Nơi làm việc tại chỗ của công nhân với lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân - Ảnh: T.K

Theo lời anh G., từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều công nhân ở tỉnh Đồng Nai rơi cảnh thất nghiệp. Có người vì lo sợ bệnh dịch nên không đi làm, còn những ai đồng ý vào công ty ở và làm việc thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp. “Nếu ai nghỉ việc ở nhà thì được công ty hỗ trợ 50% lương cơ bản (khoảng 3,3 triệu đồng/tháng), còn ai đăng ký làm việc và ở luôn trong công ty thì ngoài nhận được lương đủ ngày công (khoảng 11 triệu đồng/tháng) thì còn được hỗ trợ 2 bữa ăn, mì tôm và 100 nghìn đồng/ngày”.

Khi được hỏi ở nhà an toàn hơn và cũng được nhận 50% lương thì tại sao anh phải đi làm? Lúc này, giọng anh G. như chùng xuống: “Ở nhà được tiền mà chết đói vì số tiền ấy chẳng thấm vào đâu, trong khi gia đình mình đủ khoản phải chi. Thôi kệ, cố gắng thực hiện quy tắc 5K mong được an toàn chứ giờ mà nghỉ làm thì khó đủ đường. Dưới quê, anh em cũng vận động kêu về hoài nhưng tôi không về được, về dưới thất nghiệp lại càng bế tắc hơn”.

Dịch bệnh COVID-19 đã làm cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn, những người ly hương đều mang nặng nỗi niềm riêng. Người thì mất việc rơi vào cảnh khó khăn, kẻ may mắn còn có được việc làm nhưng vẫn lo sợ “ác ma” COVID-19 luôn chực chờ. Tâm tư họ trĩu nặng vì ở quê nhà còn có gia đình, người thân luôn trông chờ món tiền hằng tháng họ gửi về để trang trải cuộc sống. Quả thực, COVID-19 đã gieo sầu cho nhân loại quá nhiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm người ly hương mùa dịch bệnh