Cho rằng cán bộ xã lừa dối dân để “vẽ” ra dự án trồng rau sạch, nên nhiều nông dân quyết liệt phản đối.

Nông dân phản đối trồng rau sạch, vì… cán bộ dối dân

Thanh Tuấn | 14/09/2017, 15:49

Cho rằng cán bộ xã lừa dối dân để “vẽ” ra dự án trồng rau sạch, nên nhiều nông dân quyết liệt phản đối.

Cán bộ “gạt dân”, hóa chuyện không thành có?

Mấy ngày qua tại ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, H.An Phú, tỉnh An Giang rộ lên chuyện nông dân phản đối dự án trồng rau sạch. Trong số 57 hộ có đất nằm trong dự án thì có đại diện 32 hộ ký tên vào đơn phản đối. Anh Phan Văn Xương (44 tuổi) kể, hơn 2 tháng trước, UBND xã mời anh và nhiều bà con đến trụ sở ấp để triển khai dự án trồng rau sạch. Cán bộ xã phổ biến dự án có diện tích 28 ha, nằm trong ấp Thạnh Phú.

Anh Xương cho biết, cán bộ xã còn phổ biến phải làm con đường ngang 4 m, dài 1 km, từ Ban Chỉ huy Quân sự xã đến đất ông Nguyễn Văn Hải, để vận chuyển nông sản. Ngoài đi lại còn để kéo hệ thống tưới phun sương. Chính quyền hỗ trợ 60.000 đ/m2 đất “dính” đường, còn xoài đang trồng thì hỗ trợ theo tuổi thọ cây. Khi ấy anh Xương có ý kiến không đồng tình, mà phải theo giá thị trường là 300.000 đ/m2.

Xe cuốc vào chuẩn bị móc đất làm đường cho dự án rau sạch

Theo anh Xương, đến lần họp khác thì nhiều người có ý kiến giống anh. Nghĩa là họ cũng đòi mức bồi thường về đất là 300.000 đ/m2. Vài ngày sau, anh Xương được mời đến văn phòng ấp một mình. Khi đó anh trình bày 3 chuyện để cho rằng dự án khó khả thi. Đầu tiên là trước kia, chính quyền cho múc đường nước tưới tiêu sau Đình Khánh An. Múc xong tưới được 3 tháng thì… bỏ hoang. Dân phải lấp lại vì cỏ mọc um tùm, chứa chuột.

Chuyện thứ 2 là trước đây, Chủ tịch xã mời bà con đến đắp con đê trong ấp để trồng rau sạch. Nhưng sau đó nhiều bà con trồng bị lỗ, bỏ đi Bình Dương. Thứ 3 là đào mương rút nước chống úng để trồng bắp, đến khi bắp rớt giá, nông dân lỗ thì chính quyền cũng bỏ hoang.

Con mương tưới tiêu do chính quyền chủ trương múc đã bị bỏ hoang như anh Xương kể

Anh Xương nói, đã có 3 chuyện chính quyền chủ trương làm không hiệu quả, giờ lại mời trồng rau sạch thì dân hoang mang. Bởi làm đường hao tốn kinh phí của nhà nước lại mất đất của dân. Cán bộ muốn trồng rau sạch thì cần thí điểm, nếu hiệu quả cao thì dân làm theo.

“Hôm đó có anh Chủ tịch xã và nhiều cán bộ khác. Mấy ảnh nói không được, phải làm một lần, vì trồng rau thì phải làm đường. Họ nói dự án có 57 người mà 56 người đã đồng ý, chỉ còn mình tui không chịu. Nhưng khi về nhà tui hỏi lại, thì còn nhiều người không đồng ý. Rõ ràng là cán bộ nói dối, gạt gẫm dân”, anh Xương kể.

Còn ông Nguyễn Văn Phiến (68 tuổi) cho hayviệc triển khai dự án làm đường, trồng rau sạch diễn ra một số cuộc họp. Bản thân ông mắc bệnh nên không dự họp. Nhưng có lần ông Bùi Hữu Nghĩa - Phó ấp, và 1 người khác đến nhà ông. Họ hỏi ông đồng ý làm đường, trồng rau sạch hay không? Ông nói dứt khoát không. Ông Nghĩa chỉ tay vào tờ giấy nói, vậy thì ông ký vào ô không đồng ý. Nghe vậy ông Phiến ký tên vào. Vài ngày sau lại có cuộc họp dân và ông Phiến cũng không đi dự.

“Khi bà con họp về tui hỏi lại, bà con nói khi ông cán bộ ở tỉnh xem bản đồ hỏi đầu ra của con đường ở đâu? Trong bản đồ thể hiện nằm trên đất ông Hải. Nhưng ông Hải có ý kiến đất ông hẹp, lại có 2 căn nhà. Nếu làm đường thì phải dời nhà. Lúc này, bà Trần Thị Thúy - Phó chủ tịch UBND xã, nói, thực ra là đất ông Phiến, đã có làm việc và ông Phiến đồng ý rồi. Trong khi tui chưa hề đồng ý vấn đề gì cả”, ông Phiến nói.

Dân bất lợi đủ thứ nên phản đối

Ông Phiến còn cho biếtđến ngày 31.8, ông có đi họp. Lúc này cán bộ địa chính xã yêu cầu bà con phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CMND và hộ khẩu nộp, để họ hỗ trợ về đất. Đồng thời cắt phần đất làm đường về cho nhà nước. Nhưng ông không mang theo giấy tờ. “Tui thấy bà con đến đông, nhưng không ai đồng ý chuyện cắt đất. Hôm sau, cán bộ địa chính đến nhà tui, chưa kịp hỏi thì tui đã nói khỏi có giấy tờ, bồi thường gì hết. Nếu làm được thì cứ làm, tui không đồng ý gì hết. Bởi tui giận cán bộ mà nói dóc láo, gạt dân”, ông Phiến bức xúc.

Bà Ri chỉ ra cánh đồng dự án rau sạch đang trồng xoài và bắp

Bà Bùi Thị Ri - 58 tuổi (vợ ông Phiến) - cho biếtgia đình bà trồng 8 công xoài keo (Campuchia) chưa cho thu hoạch. Nhưng bà thấy nhiều người đã trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi công xoài bán 10 triệu đồng/năm. Nếu so với trồng lúa chỉ lời 3 - 4,5 triệu đồng/công/năm, thì trồng xoài lời hơn nhiều. Trong khi trồng xoài ít chăm sóc, còn trồng lúa thì chăm sóc vất vả.

“Cả ấp này chỉ còn vài người chưa trồng xoài. Chính vì vậy mà gia đình tui và bà con ở đây phản đối việc trồng rau sạch. Riêng gia đình tui thì không có người làm. Đất bà con đang trồng xoài mà cuốc bỏ trồng thứ khác không hiệu quả, thì làm để làm gì?”, bà Ri bày tỏ.

Ông Trương Văn Chẩm - 69 tuổi, đang trồng 3 công xoài -khẳng định: “Tui trồng xoài 2 năm thì bán xoài lá với giá 10 triệu đồng/công/năm. Trong 2 năm đó tui chỉ tốn tiền mua cây giống, mướn người trồng, chưa đầy 1 triệu đồng/công. Khi bán cho thương lái thì khỏi chăm sóc gì nữa. Họ đến xịt thuốc, vô phân cho xoài ra trái rồi hái bán. Dưới tán xoài tui còn trồng bắp. Mỗi năm ngoài lời 9 triệu đồng/công xoài, tui còn lời thêm mấy vụ bắp. Vậy thì trồng rau sạch để làm gì và ai mua?”.

Anh Nguyễn Văn Triều (31 tuổi) cho biếtanh bức xúc việc cán bộ làm đầu tàu gương mẫu cho dân, mà chuyện không nói có, chuyện có nói không. Hễ cán bộ xã đến cuối ranh làng thì nói dân đầu ranh đã ký cho làm đường, đồng tình trồng rau sạch và ngược lại. Nhưng sự thực chẳng ai làm.

Ông Phiến cho rằng cán bộ xã, ấp lừa gạt mình

Thêm vào đó, nhiều người dân còn cho rằngtrên thực tế đã có 2 con đường hiện hữu trong vùng dự án trồng rau sạch, là quốc lộ 91C và đường nhựa nông thôn (cách nhau chừng 300 m). Vậy mà chính quyền lại cho làm thêm con đường ở giữa để trồng rau sạch. Thế là chỉ một quãng đường dài 300 m mà có tới 3 con đường. Đó là sự lãng phí lớn.

“Liệu đây có phải là chuyện 'đẻ dự án'? Bởi cán bộ xã, ấp cứ nói gạt dân, mà dân thì chẳng thấy có lợi chỗ nào. Chỉ thấy phải cắt đất manh mún, phá vườn xoài trồng rau. Còn nếu không trồng rau thì sao gọi là dự án trồng rau sạch? Làm đường thì lãng phí. Vậy làm để làm gì, ai có lợi?”, một vài nông dân đặt vấn đề về tính khả thi của dự án.

Ông Nguyễn Huỳnh Long - Chủ tịch UBND xã Khánh An - cho biếtdự án trên do UBND H.An Phú làm chủ đầu tư (vốn 6,3 tỉ đồng). Mục đích nhằm tăng thu nhập cho người dân ở xã Nông thôn mới. UBND xã sẽ tổ chức đối thoại với dân tiếp…

Nguyễn Sơn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân phản đối trồng rau sạch, vì… cán bộ dối dân