Thời buổi công nghệ thông tin, nhiều nông dân ở ĐBSCL mạnh dạn thay đổi tư duy, dám “chơi lớn” bằng cách mua sắm thiết bị công nghệ tiến hành “cày xới” trên môi trường mạng, tìm kiếm kiến thức bổ ích ứng dụng vào thực tế để làm giàu.

Nông dân thời 4.0: Quyết 'đổi đời' bằng học hỏi kỹ thuật công nghệ và sáng tạo

Trần Khải | 06/09/2023, 11:15

Thời buổi công nghệ thông tin, nhiều nông dân ở ĐBSCL mạnh dạn thay đổi tư duy, dám “chơi lớn” bằng cách mua sắm thiết bị công nghệ tiến hành “cày xới” trên môi trường mạng, tìm kiếm kiến thức bổ ích ứng dụng vào thực tế để làm giàu.

Học qua mạng, đầu tư hàng trăm triệu để... làm giàu

Vùng ĐBSCL không thiếu những nông dân sản xuất giỏi, dám nghĩ dám làm và dám thay đổi tư duy sản xuất cũ, thay đổi từ truyền thống sang hiện đại. Bởi họ hiểu rằng, nếu không đổi mới, thích ứng với công nghệ thì sớm muộn gì cũng bị tụt hậu.

Ông Trần Văn Truyện, ngụ ấp Ba Mến, xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) được biết đến là người có “máu liều” trong phát triển sản xuất. Ông hiện là hình mẫu của nhiều nông dân địa phương về tấm gương vượt khó, thoát nghèo.

1.jpg
Để hiện thực giấc mơ làm giàu, ông Truyện đã tìm hiểu và ứng dụng thành công kỹ thuật nuôi heo rừng qua mạng

Quê miệt tỉnh Cà Mau, ông bôn ba nhiều nơi trước khi về định cư, lập nghiệp ở ấp Ba Mến. Ban đầu, gia cảnh ông Truyện rất khó khăn, quanh năm làm thuê làm mướn cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ vì phải suy nghĩ tìm cách thoát nghèo.

Rồi ông Truyện liều “chơi lớn” bằng cách vay mượn đầu tư hẳn một chiếc Smartphone về lướt mạng tìm hiểu cách làm giàu. “Từ khi có chiếc điện thoại thông minh, tôi gần như “lạnh nhạt” với vợ. Đôi khi bà ấy “ghen” với điện thoại, khi nghe tôi lý giải lướt mạng để học cách làm giàu thì bà ấy mới hết giận dỗi”, ông Truyện nhớ lại.

Sau thời gian tìm hiểu thông tin trên mạng, một lần nữa ông Truyện lại “chơi lớn” khi vay mượn tiền của người thân, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua heo rừng giống về nuôi với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Ban đầu, chòm xóm dị nghị, cho rằng ông Truyện bị "khùng", bởi quá mạo hiểm khi chưa biết gì về kỹ thuật nuôi heo rừng thương phẩm mà dám bỏ ra khoản tiền lớn để đầu tư. Chính những lời chê bai, dè bỉu ấy lại là động lực để ông Truyện nỗ lực, quyết tâm khẳng định hướng đi của mình là đúng. Và rồi, ông đã thành công ngoài mong đợi.

“Ban đầu, tôi chẳng có kỹ thuật gì, chỉ học qua Youtube và những kiến thức góp nhặt được trên Google. Khi áp dụng thả nuôi, tôi được đơn vị cung cấp con giống cam kết hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn và bao tiêu sản phẩm thì tôi tin chắc hướng đi của mình là đúng”, ông Truyện chia sẻ.

Sau gần 2 năm thả nuôi, đàn heo của ông Truyện bắt đầu sinh sản. Hiện ông đã xuất bán 4 đợt, mỗi đợt hơn 60 con heo thương phẩm với giá xuất chuồng từ 85.000 - 100.000 đồng/kg (tùy thời điểm). “Ban đầu, khi bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào chăn nuôi trong khi chưa hiểu sâu về tập quán sinh sản, ăn uống, cách chăm sóc heo rừng như thế nào nên tôi cũng hơi lo.

Tuy nhiên, nhờ phía công ty hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kèm với các điều khoản như bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ thiệt hại "1 đổi 1" đối với con giống ở tháng đầu tiên và hỗ trợ hoàn 50% vốn nếu như heo nuôi xảy ra dịch bệnh nên tôi cũng an tâm hơn. Từ lúc nuôi đến nay, công ty luôn hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật, khi có heo xuất bán mình liên hệ là họ đến thu mua ngay”, ông Truyện cho biết.

2.jpg
Theo ông Truyện, mỗi năm heo rừng sinh sản 2 lần, mỗi lần sinh từ 8-9 con

Được biết ông Truyện vừa bán hơn 60 con heo rừng thương phẩm với trọng lượng từ 15 - 30kg. Hiện trong chuồng nuôi của ông còn khoảng 110 con heo rừng lớn nhỏ. Trong đó, có 13 con heo rừng nái và một con heo đực để phối giống sinh sản. Mỗi năm, heo nái đẻ 2 lần, mỗi lần 8 - 9 con.

Từ đôi bàn tay trắng, hiện mức thu nhập hằng năm của ông Truyện khoảng 200 triệu đồng/năm và ông đã mua được đất để canh tác, mở rộng trang trại chăn nuôi. Ông vừa đầu tư thêm gần 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua giống chồn mốc về nuôi.

Ông Nguyễn Công Tạo, Chủ tịch UBND xã An Trạch A đánh giá: “Ông Truyện đến địa bàn xã An Trạch A từ hai bàn tay trắng, điều kiện gia đình khó khăn, nhờ chí thú làm ăn nên giờ cuộc sống gia đình của ông Truyện dần ổn định, ông đã mua được đất để canh tác cải thiện cuộc sống. Mô hình nuôi heo rừng phát triển kinh tế của gia đình ông Truyện rất hiệu quả, lợi nhuận mang về mỗi năm từ mô hình trên 100 triệu đồng. Ông Truyện là một trong những tấm gương nông dân điển hình tiêu biểu của xã”.

Sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản

Nếu như trước đây, người nông dân chỉ quẩn quanh sản xuất theo kiểu truyền thống, thủ công là chính, khiến cuộc sống của họ luôn trong vòng vây của cái nghèo, với lẩn quẩn của điệp khúc được mùa – mất giá và ngược lại. Tuy nhiên, từ khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và chiếm lĩnh đời sống xã hội, thì tư duy về cách nhìn của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng đổi mới để thích nghi với thời đại.

Họ lên mạng tìm hiểu kỹ thuật ngày càng nhiều hơn về những lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất hằng ngày của mình. Từ đó, nhiều nông dân đã tự học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm sản xuất ở môi trường mạng để ứng dụng vào thực tiễn đời sống, nhiều người đã thành công.

Thông qua nhiều kênh tin tức, bạn bè, anh Trần Văn Tính, ngụ ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã học tập, ứng dụng thành công kỹ thuật ủ men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản. Với cách làm này, thủy sản trong ao nuôi của anh Tính lớn nhanh và sống khỏe mạnh trong môi trường không mầm bệnh.

3.jpg
Anh Tính giới thiệu quy trình ủ men vi sinh trong chăn nuôi thuỷ sản

“Tôi có 4ha đất nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa. Trước đây, khi chưa biết đến kỹ thuật ủ men vi sinh thì thuỷ sản rất chậm lớn và thường xuyên đối diện với dịch bệnh. Từ khi ứng dụng kỹ thuật này vào sản xuất thì thuỷ sản lớn nhanh và không bị mắc bệnh trong quá trình nuôi. Men vi sinh có tác dụng làm sạch môi trường đáy ao và tạo thức ăn cho thuỷ sản”, anh Tính cho hay.

Với 4ha đất nuôi trồng thủy sản vào mùa nắng, anh Tính thả nuôi tôm – cua bằng kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn. “Lúc con giống còn nhỏ, tôi thả gièo tôm, cua trong một diện tích nhất định, đến khi lớn hơn, thuỷ sản khoẻ mạnh thì tôi thả ra môi trường lớn hơn. Trong suốt quá trình nuôi, tôi thường rải men vi sinh đã ủ sẵn xuống vuông”, anh Tính chia sẻ.

Vào mùa mưa, anh cải tạo ao đầm rồi sản xuất khép kín theo kiểu “4 trong 1” gồm: tôm sú, tôm càng xanh, cua và trồng lúa theo hướng an toàn sinh học. Tất cả sản phẩm trong vuông nuôi đến giai đoạn thu hoạch đều được bao tiêu đầu ra với mức giá cao hơn thị trường. Trong quá trình nuôi, anh Tính cho thủy sản ăn dặm gạo cám đã ủ lên men, với cách nuôi này hằng năm giúp anh mang về khoản thu nhập trên 300 triệu đồng.

4.jpg
Gạo cám được lên men dùng để làm thức ăn cho tôm, cua

Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực cho biết: “Mô hình nuôi tôm bằng men vi sinh của hộ anh Trần Văn Tính là cách làm hay, sáng tạo, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Kỹ thuật nuôi này có tác dụng rất tốt trong xử lý môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho thủy sản. Giúp người nông dân không phải tốn thêm chi phí thức ăn và xử lý môi trường nuôi”.

Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho người nông dân khẳng định được năng lực của mình trên con đường đổi mới sản xuất theo hướng hiện đại, thích ứng với thời công nghệ 4.0, bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vào phát triển sản xuất rất cần được nhân rộng, để ngày càng có nhiều hơn những nông dân như ông Tính, ông Truyện chinh phục giấc mơ làm giàu.

Bài liên quan
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân thời 4.0: Quyết 'đổi đời' bằng học hỏi kỹ thuật công nghệ và sáng tạo