Ngành nông nghiệp An Giang rất quan tâm và tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ngày 3.2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện sản xuất nông nghiệp năm 2022 và kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2023.
Phát biểu hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, ngành nông nghiệp An Giang chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 vượt kịch bản đề ra là 2,7%. Trong đó, trồng trọt đạt 31.648 tỉ đồng, chăn nuôi đạt 2.079 tỉ đồng, thủy sản đạt 11.595 tỉ đồng.
“Để nông nghiệp tăng trưởng bền vững và đầu ra thuận lợi không thể thiếu cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Do vậy, ngành nông nghiệp rất quan tâm và tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, trong năm 2022 toàn ngành nông nghiệp An Giang tăng trưởng 3,16% cao nhất từ trước đến nay, chỉ số tăng trưởng đó đã góp phần vào tăng trưởng, phát triển chung kinh tế cho cả tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.
Cũng tại hội nghị, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, năm 2023, ngành nông nghiệp An Giang đã lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài dịch bệnh. An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp địa phương và cơ quan liên quan tập trung triển khai các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, nông dân, để tiêu thụ nông sản.
“Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo chiều sâu, phát triển các ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã kiểu mới, sản phẩm chất lượng cao được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, tập trung đầu tư công tác sản xuất giống cây trồng vật nuôi...
Thực hiện chăn nuôi theo hình thức trang trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho sản phẩm tăng ổn định. Đề án giống cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện, dự kiến kết quả sản xuất giống sẽ tăng cả về chất lượng và số lượng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bước sang giai đoạn nâng chất, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế”, ông Thư nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thư, hiện nay ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đăng ký mã số vùng trồng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến đến xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường chính ngạch.
“Về mùa vụ sản xuất, đề nghị các huyện bố trí lịch mùa vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, không để tình trạng xuống giống lệch vụ, kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng của sâu, bệnh hại, tác động đến năng suất, sản lượng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của tỉnh”, ông Thư nói.