NSND Trần Phương, diễn viên đóng vai A Phủ trong bộ phim kinh điển Vợ chồng A Phủ đã qua đời sáng ngày 26.8 ở tuổi 91.

NSND Trần Phương – tài tử đời đầu của điện ảnh Việt Nam

27/08/2020, 10:55

NSND Trần Phương, diễn viên đóng vai A Phủ trong bộ phim kinh điển Vợ chồng A Phủ đã qua đời sáng ngày 26.8 ở tuổi 91.

Cố NSND Trần Phương - Ảnh: Internet

Tin NSND Trần Phương qua đời vào sáng 26.8 vì tuổi cao sức yếu được Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam thông báo. Dự kiến lễ viếng của cố nghệ sĩ sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội vào ngày 30.8. Lễ hoả táng diễn ra lúc 15h30 cùng ngày tại Đài hoá thân hoàn vũ Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

NSND Trần Phương là một trong những diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Ông là một nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà những vai diễn để đời, hình ảnh ông với vai vai diễn chàng A Phủ trong tác phẩm kinh điển Vợ chồng A Phủ sẽ luôn khắc sâu trong lòng khán giả.

NSND Trần Phương qua đời ở tuổi 91 - Ảnh: Internet

NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Trước khi bén duyên với điện ảnh, ông chưa từng được học qua bất cứ trường lớp đào tạo diễn viên hay đạo diễn điện ảnh nào. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp năm 16 tuổi. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, học văn với nhà văn Nguyên Hồng, Tô Hoài, tham gia đóng ca kịch Hòn đá với Đỗ Nhuận.

Năm 1955, ông trở thành diễn viên tại Xưởng phim truyện Việt Nam. Vai diễn A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ của ông đã gây tiếng vang lớn vào năm 1961. Trong bộ phim này, ông đã khắc hoạ thành công hình ảnh chàng thanh niên người Mông A Phủ và được khán giả cũng như giới chuyên môn đánh giá cao. Để đóng được vai A Phủ, ông đã phải sống cùng người dân tộc trên miền núi, phải thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim.

Vai diễn A Phủ của cố nghệ sĩ Trần Phương đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả - Ảnh: Internet

Sau thành công của vai A Phủ, ông tiếp tục góp mặt trong nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Cách mạng như vai Khoa – chồng Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu (1962), vai Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1969), vai Sơn trong Biển gọi (1967), vai Tiệp trong Ngày lễ Thánh, vai Lực trong Vợ chồng anh Lực… Với sự thành công của những vai diễn để đời này, NSND Trần Phương được xếp vào hàng một trong những diễn viên kì cựu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam cùng Trà Giang, Lâm Tới, Đức Hoàn…

NSND Trần Phương từng chia sẻ: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà quê, bố làm thợ mau, mẹ buôn bán ở chợ Thái Nguyên. Điện ảnh là một cái gì đó thật xa vời. Tôi may mắn được anh ruột của anh Phạm Duy là cụ Phạm Duy Nhượng, là thầy giáo văn hoá của tôi. Ông cụ lãng mạn lắm. Ông mê sân khấu, tổ chức những buổi biểu diễn và cho tôi làm diễn viên, như vở Lưu Bình – Dương Lễ. Rồi làm quen dần với nghệ thuật sân khấu. Sau này, tôi được cụ Thế Lữ dạy về sân khấu và được ở gần với các cụ, tôi học được ở các cụ rất nhiều điều. Thế Lữ là người dạy tôi rất nhiều, rồi tự mày mò, học hành mà tìm ra. Làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Rồi tôi đi theo cách mạng. Thái Nguyên giải phóng, con trai Thái Nguyên đi làm thợ. Số tôi rất may, tôi lại được làm thợ tiện cho ông Trần Đại Nghĩa, ông ấy luôn có những ý nghĩ rất lạ lùng”.

Sau này, Trần Phương chuyển hướng làm đạo diễn và tạo nên thành công của rất nhiều bộ phim như Tội lỗi cuối cùng, Dưới chân núi trắng, Hy vọng cuối cùng, Mưa rơi trên thành phố, Dòng sông hoa trắng, Dòng thác, Săn bắt cướp, Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Hai năm nữa anh về... Nhiều bộ phim trong số này nội dung về đề tài an ninh trật tự, giúp ông ghi dấu là một trong những đạo diễn có nhiều bộ phim về đề tài an ninh trật tự nhất.

Với những cống hiến vô cùng to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, Trần Phương được phong tặng NSND năm 2001. Các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng do ông đạo diễn giành được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Sự ra đi của NSND Trần Phương là một mất mát to lớn của điện ảnh Việt Nam cũng như trong lòng các thế hệ nghệ sĩ và những người yêu mến ông.

Đạo diễn Thanh Hiệp bày tỏ: Thương tiếc NSND Trần Phương - người nghệ sĩ để lại dấu ấn sâu đậm qua vai A Phủ trong bộ phim kinh điển Vợ chồng A Phủ. Thắp nén hương tưởng nhớ ông - nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cho điện ảnh Việt Nam nhiều vai diễn hay.

Họa sĩ Doãn Châu chia sẻ: Tôi cảm thấy buồn vì những thế hệ nghệ sĩ của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lần lượt ra đi, để lại bao tiếc thương cho người hâm mộ.

Đan Thùy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSND Trần Phương – tài tử đời đầu của điện ảnh Việt Nam