Mưa nhiều ngày qua đã làm mực nước lũ ở vùng đầu nguồn ĐBSCL tiếp tục lên nhanh, mang theo nhiều tôm, cá.

Nước tràn đồng, ngư dân miền Tây dong xuồng bắt tôm cá

Tô Văn | 26/09/2023, 06:10

Mưa nhiều ngày qua đã làm mực nước lũ ở vùng đầu nguồn ĐBSCL tiếp tục lên nhanh, mang theo nhiều tôm, cá.

Dong xuồng gỡ lú bắt tôm, cá

Hơn 6 giờ sáng, chúng tôi lội nước theo ông Nguyễn Tiến Tới (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đi gỡ lú. Đồ nghề ông mang theo là chiếc xuồng (được đóng bằng 3 mảnh ván phẳng đẹp và chắc) và cái thau bằng nhựa để đựng cá.

Trước khi lên xuồng, ông Tới chỉ về hướng Tây (nơi giáp xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) bảo rằng: “Trên kia là nơi chú đặt 10 cái lú, thời điểm này nước lớn tràn đồng, hy vọng có nhiều tôm cá”.

6-dong6.jpg
4-4.jpg
Nước tràn đồng ngư dân dong xuồng đi xúc cá, tôm - Ảnh: Duy An 

Đến một điểm, ông Tới dừng xuồng rồi nhảy nhanh xuống nước lội bộ, tay kéo xuồng đi chầm chậm đến mấy cái lú. Ông cẩn thận đưa hai tay xuống nước gỡ lú thì nghe tiếng lụp bụp. “Cá tôm cũng nhiều đấy”, vẻ mặt ông vui mừng khi thấy "chiến lợi phẩm" đầu tiên. Ông Tới bảo, nghề này nó vậy, gỡ lú lên có cá là mừng lắm. Rồi nhìn vào số tôm cá vừa bắt được ông Tới bảo: "Đây mới là sự khởi đầu cho công việc mưu sinh mùa nước nổi”.

Là người có kinh nghiệm trong đặt lú bắt cá, ông Tới nhận định, mấy năm nay mưa nước về thấp và trễ hơn mọi năm nên cá đồng sẽ ít hơn mọi năm, tuy nhiên thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

“Dự đoán là cá năm nay sẽ ít nhưng đặt lú cũng thấy nhiều cá hơn năm ngoái, chỉ có tép là năm nay ít thôi. Việc đặt lú cũng đơn giản, chiều đặt rồi sáng hôm sau đi giở, nói chung thu nhập cũng đỡ hơn việc đi làm thuê cho người ta”, ông Tới cho biết.

8-dong8.jpg
Nghề đặt lú bắt cá đồng thường chỉ kéo dài khoảng một tháng mỗi năm - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Tới, nghề đặt lú bắt cá đồng thường chỉ kéo dài khoảng một tháng. Khi những cánh đồng được xới đất xong thì nghề đặt lú bắt cá đồng không còn hiệu quả nữa. Và khi đó, bà con nông dân trở lại với nghề nông, làm đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị đất xuống giống vụ lúa đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

9-dong9.jpg
Khi nước tràn đồng thì việc đặt lú bắt cá, tôm mang lại thu nhập cao cho ngư dân - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, anh Hồ Toàn (ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) năm nào đến mùa trục đồng cũng đặt lú bắt cá. Anh Toàn tiết lộ, với khoảng 60 cái lú, mỗi vụ đánh bắt cá gia đình anh thu nhập được khoảng 20 triệu đồng.

“Mình đi theo cái máy trục, nơi nào có trục thì mình đặt lú. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tôi dùng cái lú loại thưa, chỉ đặt để bắt các loại cá lớn như: cá rô, cá sặt, mè vinh, cá lóc”, anh Toàn giải thích.

5-dong5.jpg
Người dân đang đánh bắt cá bằng lưới - Ảnh: Tô Văn
3-dong3.jpg
Và sau đó lựa số cá, tôm, tép vừa thu hoạch - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, ông Trần Văn Khánh (ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) lại thả lưới để bắt cá. Vừa cầm 30 tay lưới về nhà cũng là lúc trời vừa sáng, ông Khánh và vợ tranh thủ gỡ cá để kịp phiên chợ sáng.

Ông Khánh chia sẻ: “Hơn 1 tuần nay, tôi giăng lưới thấy lượng cá nhiều hơn mọi năm. Nước tràn đồng mà lượng cá thế này thì phấn khởi lắm. Mấy ngày nay, tôi thu về hơn chục ký cá các loại, ngày nào ít thì cũng 7 - 8kg. Bán cho thương lái, mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 đồng. Mong vài ngày tới nước sẽ lên nhiều và cá cũng về nhiều để những người hành nghề “bà cậu” được bội thu”.

Nhộn nhịp chợ cá tôm

Trở lại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cách biên giới Campuchia chưa đầy 1km, tôi ghé vào một vựa thu mua cua, ốc vào sáng 24.9.

Tại đây, hàng chục công nhân khuân vác, phân loại, đóng thùng... nói chuyện rôm rả tạo nên không khí nhộn nhịp. Dưới sông, các vỏ lãi chở cua, ốc thu mua của người dân đánh bắt ngoài đồng và từ Campuchia chở sang đậu san sát chờ đưa lên bờ.

2-dong2.jpg
Một vựa thu mua cua ốc ở ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Ảnh: Tô Văn

Tại chợ Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) vào khoảng 11 giờ đến 14 giờ mỗi ngày đều nhộn nhịp cảnh mua bán cá, tôm. Thời điểm này, người dân từ Campuchia chạy vỏ lãi chở tôm cá, cua, ốc... sang bán. Người dân địa phương đánh bắt trên đồng cũng mang đến vựa để bán. Sau đó chủ vựa phân phối cho bạn hàng chở đi các chợ trong và ngoài địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Ông Trần Văn Trung (46 tuổi, chủ vựa thu mua ốc, cá tôm) cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 50 tấn cua, ốc của người dân, trong đó chủ yếu từ Campuchia sang. Sau đó, vựa ông bán lại các mối ở Hà Nội, TP.HCM. Hiện, ốc lác, ốc bươu giá 30.000 đồng/kg, cua đồng giá 15.000 đồng/kg.

Một cán bộ UBND xã Nhơn Hội cho biết mùa lũ năm nay được dự báo sẽ là một mùa lũ đẹp.

“Mùa lũ ở ĐBSCL không như những nơi khác, là lũ hiền hòa mang theo tôm cá, sản vật dồi dào giúp một bộ phận dân nghèo chuyên sống bằng nghề đánh bắt trong mùa lũ có thêm sinh kế, thu nhập”, người này nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước tràn đồng, ngư dân miền Tây dong xuồng bắt tôm cá