Theo tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học ở Đại học Minnesota, Mỹ, đã nuôi cấy được các mạch máu nhân tạo từ các tế bào của da cừu. Các mạch máu này có thể phát triển cùng với cơ thể cừu.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tạo ra các mạch máu nhân tạo có thể phát triển cùng với cơ thể một khi chúng được cấy ghép. Hiện tại thì khoa học mới chỉ có thể nuôi cấy các mạch máu từ tế bào của chính người bệnh - một việc làm tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Để thay thế các mạch máu, các van và buồng tim, từ trước đến nay vẫn phải sử dụng mô người hay vật liệu tổng hợp mà vật liệu tổng hợp thì không phát triển được, những ca phẫu thuật tiến hành khi trẻ còn nhỏ đến khi lớn lên lại phải phẫu thuật thay mạch máu nhân tạo mới.
Trong các mạch máu mới do các nhà khoa học phát triển không có các tế bào sống, vì thế có thể tổ chức “sản xuất hàng loạt” và sử dụng cho mọi bệnh nhân - cơ thể người được cấy ghép loại mạch máu này sẽ không đào thải chúng. Nhờ công trình nghiên cứu này mà những đứa trẻ có dị tật tim bẩm sinh không phải nhiều lần mổ tim hở để thay thế các mạch máu cũ bằng các mạch máu cùng kích cỡ.
Để tạo ra các mạch máu sinh trưởng được, trước tiên các nhà nghiên cứu lấy từ da cừu những tế bào mô liên kết rồi đưa vào một ống nhỏ chuyên dụng, sau đó đưa chất dinh dưỡng vào dung dịch bao quanh các tế bào để kích thích chúng tăng trưởng.
Những mạch máu mới được cấy vào cho những con cừu 5 tuần tuổi. Sau khi cấy, ống protein được dồn đầy các tế bào của chính con cừu. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những con cừu thử nghiệm khoảng trên một năm. Trong thời gian đó, cừu con đã lớn gấp 4-5 lần và không cảm thấy tác dụng phụ của việc cấy ghép. Đồng thời, các mạch máu đã dài và rộng gấp 1,5 lần và hoạt động như những mạch máu của cừu trưởng thành.
Nhưng các nhà khoa học chưa vội áp dụng trên người. Trước tiên, họ thấy cần thảo luận với các các sĩ tim mạch và Cục quản lý chất lượng thực phẩm và dược phẩm Mỹ để xác định hướng nghiên cứu tiếp theo rồi mới tiến hành thử nghiệm trên người.
Vũ Trung Hương