Nhiều nông dân ở Bạc Liêu đã ứng dụng thành công kỹ thuật nuôi lươn không bùn. Với cách nuôi này, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp gìn giữ sự trong sạch, thân thiện với môi trường xung quanh.
Tuy mới thành lập khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng Tổ hợp tác nuôi lươn ở ấp 2, xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã bắt đầu “ăn nên làm ra” nhờ cách nuôi lươn không bùn trong hồ nước. Tổ hợp tác này hiện có 8 thành viên thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình nuôi lươn. Trung bình mỗi hộ nuôi đều đã thu hoạch từ 1 – 2 vụ, mỗi vụ có lợi nhuận từ hơn 100 triệu đồng.
Ông Phan Văn Chào (48 tuổi), thành viên Tổ hợp tác nuôi lươn ở xã An Trạch A cho biết gia đình ông bắt đầu nuôi lươn khoảng 1 năm nay. Hiện trại nuôi lươn của ông Chào có 15 hồ nuôi, mỗi hồ có diện tích 2,5m2. Mỗi vụ nuôi, ông Chào thả khoảng 30.000 con giống. Thời gian nuôi lươn kéo dài khoảng 1 năm là có thể thu hoạch.
“Giá lươn trên thị trường hiện rất ổn định, dao động từ khoảng 90.000 – 120.000 đồng/kg (tuỳ thời điểm và kích cỡ). Với mức giá trên, người nuôi đảm bảo có lãi. Vừa qua, tôi đã thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng hơn 3 tấn. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 120 triệu đồng”, ông Chào cho hay.
Nói về nguồn cung ứng con giống và đầu ra, ông Chào cho biết, con giống được ông mua từ một cơ sở chuyên sản xuất lươn giống có uy tín trên thị trường ở tỉnh Sóc Trăng với giá 1.000 đồng/con. “Vấn đề đầu ra cũng rất đơn giản, thương lái nhiều lắm, mỗi ngày họ thu mua lươn thương phẩm cả chục tấn”, ông Chào nói.
Về kỹ thuật nuôi, ông Chào chia sẻ, đặc tính của con lươn là thích ánh sáng và không chịu được môi trường bẩn. Bởi thế, khi bắt đầu thả nuôi, ông Chào phải mở đèn vào ban đêm xung quanh khu vực nuôi lươn. Đồng thời, thường xuyên thay nước cho lươn. Theo ông Chào, giai đoạn từ 1 – 3 tháng đầu, ông cho lươn ăn trùn chỉ, qua giai đoạn này, ông tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp.
“Tôi chẳng học hành gì về kỹ thuật nuôi đâu, tất cả đều học hỏi lẫn nhau từ anh em trong Tổ hợp tác. Sau một vụ thả nuôi thành công, đã “ăn nằm” với con lươn nên tôi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Do biết được đặc tính của con lươn nên tôi xây dựng hồ rộng khoảng 2,5m2, xung quanh dán gạch, trang bị đèn chiếu sáng rồi mới thả nuôi. Nói chung, quy trình nuôi lươn cũng đơn giản, nhưng tốn nhiều công chăm sóc. Một khi đã hiểu được chúng rồi thì rất dễ dàng”, ông Chào nói. Đồng thời, ông cho biết, ông vừa thả hơn 30.000 con giống, hiện lươn đã hơn 1 tháng tuổi và phát triển tốt.
Ông Hồ Văn Quyền, thành viên tổ hợp tác nuôi lươn xã An Trạch A chia sẻ, ông có 10 hồ nuôi lươn, vụ nuôi vừa qua, ông thả nuôi 20.000 con giống, sau khi thu hoạch ông lãi khoảng 80 triệu đồng. Thấy việc nuôi mang hiệu quả kinh tế cao, đợt này, ông Quyền quyết định thả 30.000 con giống, hiện lươn nuôi sinh trưởng tốt. “Nuôi lươn cũng không quá khó, chỉ cần am hiểu tập tính của chúng là có thể nuôi được. Ban đầu tôi có biết gì đâu, được anh em trong tổ hợp tác động viên, truyền đạt và hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm dần dà thành quen, có niềm đam mê rồi học hỏi. Giờ nhìn đàn lươn nuôi trong hồ là tôi vui mừng”.
Theo ông Quyền, việc nuôi lươn không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật chuyên môn nhưng đòi hỏi người nuôi phải chịu khó thay nước, làm sạch môi trường nuôi thường xuyên, liên tục. Bởi chỉ cần môi trường ao nuôi dơ là lươn sẽ bị hao hụt. Ông Quyền cũng cho hay, tỉ lệ thành công từ việc nuôi lươn khá cao, trên 75%.
Ông Hồ Văn Tiến, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 2, xã An Trạch A, đánh giá, Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn trên địa bàn tuy mới chỉ hình thành khoảng 2 năm trở lại đây nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Địa phương khuyến cáo bà con nhân rộng mô hình này để người dân tăng thêm nguồn thu nhập.
Ông Lê Quốc Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trạch A, cho biết: “Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn ở xã An Trạch A hiện có 8 hộ nuôi. Trung bình mỗi vụ nuôi kéo dài 12 tháng là có thể thu hoạch. Tất cả những hộ nuôi trong Tổ hợp tác đều đã thu hoạch từ 1 – 3 vụ, lợi nhuận mang lại trên 100 triệu đồng/vụ. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi liên kết từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để tạo sự chủ động cho người nuôi và thương lái. Đồng thời, nếu các thành viên của Tổ hợp tác có nhu cầu về nguồn vốn để mở rộng mô hình nuôi, Hội nông dân sẽ kiến nghị với cấp trên để được hỗ trợ, tạo điều kiên cho bà con phát triển kinh tế.
Theo ông Khải, mô hình nuôi lươn không bùn giúp môi trường nuôi không bị ô nhiễm và giá trị kinh tế cao nên địa phương rất khuyến khích người dân thực hiện. Với kết quả thành công ngoài mong đợi, thời gian tới, Hội Nông dân xã An Trạch A sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn xã. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện để mọi người giao lưu, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi lươn ở địa phương.