Ca sĩ Kim Loan là thế hệ ca sĩ được ông bầu Nguyễn Đức đặt nghệ danh hàng chữ “Kim”. Ông Đức nhận Kim Loan làm đệ tử từ lúc mới vừa được 8-9 tuổi. Và qua những năm tháng được thầy Nguyễn Đức vốn được mệnh danh là “phù thủy” đào tạo ca sĩ có thể biến một giọng hát “tay ngang” thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô bé Kim Loan ngày nào bỗng chốc đã trở thành ca sĩ Kim Loan với mối tình nổi tiếng với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Và quả thật như thế, năm 1966 Kim Loan 17 tuổi, cô đã ra mắt khán thính giả bài hát “tủ” được ông bầu Nguyễn Đức chọn là bài “Căn nhà ngoại ô” và lập tức Kim Loan trở nên nổi tiếng. Nhưng cùng với sự nổi tiếng, Kim Loan đã bước vào ngưỡng cửa của số phận…
Kỳ 1
Đêm gặp gỡ định mệnh
Kim Loan có nét đẹp rất “Tây” từ gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to sâu thẳm, tóc dài, nụ cười duyên dáng tới dáng người thon thả, quyến rũ trong tà áo dài kiểu nữ sinh. Sở hữu một chất giọng mũi khàn, đục phù hợp với những điệu boléro, rumba, slow… Kim Loan nhanh chóng trở thành giọng ca ăn khách của các vũ trường, phòng trà, đại nhạc hội, đài phát thanh, màn ảnh truyền hình, thu băng, thu đĩa…
Nhờ nhan sắc và giọng ca đặc biệt không lẫn lộn Kim Loan đã trở thành một ngôi sao trong làng ca nhạc thời bấy giờ. Nhất là khi cô bước lên sân khấu phòng trà, hay vũ trường dưới ánh đèn rực rỡ cô càng trở nên lộng lẫy, quyến rũ hơn. Bởi thế Kim Loan mới chen chân được với thế hệ ca sĩ hàng chữ “Phương” lúc bấy giờ đã nổi danh như: Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế… hay cả thế hệ ca sĩ đàn chị như: Phương Dung, Minh Hiếu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hoàng Oanh, Hà Thanh…
|
Ca sĩ Kim Loan thời trẻ |
|
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu một lần ngẫu hứng đánh trống cùng ban nhạc |
Giữa lúc con đường ca hát của Kim Loan đang lên như diều gặp gió và là niềm kỳ vọng của bầu Nguyễn Đức thì định mệnh nghiệt ngã đã đến với cô ca sĩ trẻ đẹp này chỉ trong một đêm, năm đó cô vừa 20 tuổi.
Đó là đêm Kim Loan nhận lời hát phục vụ cho quân lính binh chủng Biệt Động Quân tại trại Đào Bá Phước - bản doanh của Binh chủng Biệt Động Quân chế độ Sài Gòn vào khoảng cuối năm 1968. Đào Bá Phước nguyên là một Trung tá, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 5 BĐQ đã bị máy bay trực thăng Mỹ oanh tạc nhầm bỏ mạng tại trường Phước Đức số 266 đường Khổng Tử, Chợ Lớn, nơi đặt Bộ chỉ huy Liên đoàn 5 BĐQ trong dịp tổng công kích đợt 2 năm Mậu Thân lúc 6 giờ chiều ngày 2-6-1968. Ngay sau đó Đào Bá Phước đã được Tổng thổng Nguyễn Văn Thiệu vinh thăng Đại tá và lấy tên ông ta đặt cho bản doanh Binh chủng Biệt Động Quân.
Đêm ca nhạc phục vụ binh lính BĐQ tại trại Đào Bá Phước có Tổng Thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu tới dự. Cô ca sĩ trẻ đẹp, hát không hay nhưng có chất giọng mũi ấn tượng, phong thái như “Tây” đã lọt vào mắt xanh của ông Tổng Thống đa tình. Lập tức, Nguyễn Văn Thiệu đã “trải lòng thầm kín” của mình cho Đặng Văn Quang, một viên tướng tình báo dưới quyền, đồng thời là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu và Trung tá Ngân, sĩ quan tin cẩn đứng ra thu xếp để Nguyễn Văn Thiệu sớm gặp được “người đẹp” đã có sức mạnh giáng cho ngài Tổng Thống một cú sét ái tình làm ông ta bị “choáng”.
Tất nhiên Tổng Thống muốn là… ”vua” muốn, bằng nhiều cách, nhiều kênh bí mật, Đặng Văn Quang và Trung tá Ngân đã đưa được ca sĩ Kim Loan vào dinh Độc Lập mà báo chí bấy giờ gọi là “Phủ Đầu rồng” với lớp vỏ bọc ngụy trang là "hát cho Tổng Thống nghe”.
Nhưng hát rồi Tổng Thống giữ luôn cô ca sĩ ở lại Phủ Đầu rồng không cho về nhà. Và sau một năm, Kim Loan “hát” thường xuyên cho Tổng Thống “nghe” như vậy thì cô mang thai. Lúc này chuyện cũng đã lùm xùm, cánh báo chí lúc đó cũng đã biết và nghe đâu chính bà Mai Anh vợ của Nguyễn Văn Thiệu cũng đã biết. Nhưng vì giữ thể diện cho chồng và chiếc ghế Tổng Thống, người đàn bà có máu ghen giống Hoạn Thư này đã nuốt giận, khôn khéo lên kế hoạch để “làm thịt” bí mật cô tình địch ca sĩ.
Kế hoạch giải cứu người tình tổng thống
Tất nhiên Đặng Văn Quang và Trung tá Ngân cũng nắm được tình hình nên báo cáo cho TT Nguyễn Văn Thiệu mối hiểm họa đang tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Lập tức Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho tâm phúc chiêu “xóa sạch tang chứng”, thế là Đặng Văn Quang và Trung tá Ngân thực hiện kế hoạch “hỏa tốc”, họ đã “đẩy” cái bào thai trong bụng cô ca sĩ cho một Đại úy dưới quyền và đưa cả hai “vợ chồng” này qua Tây Đức sinh sống, vĩnh viễn không trở về Việt Nam khi nào Nguyễn Văn Thiệu còn làm Tổng Thống. Năm đó là năm 1969, chính xác là vào ngày 6-11-1969, cũng là ngày chấm dứt cuộc đời ca hát của ca sĩ Kim Loan ở trong nước. Kim Loan khi qua Tây Đức định cư ở thành phố Cologne. Và không hiểu cặp vợ chồng “gán ghép” này sống thế nào nhưng nghe nói chỉ sau 1 năm, Kim Loan đã kết hôn với một Việt kiều tại Tây Đức.
Kim Loan không chỉ tìm được hạnh phúc mới mà còn chứng tỏ cô là một người có ý chí vì đã theo học khoa Xã hội Sư phạm, sau đó được Bộ Xã hội Tây Đức nhận vào làm việc. Sau đó ca sĩ Kim Loan là chủ một thẩm mỹ viện, vừa kinh doanh, vừa đi hát trở lại trong những chương trình văn nghệ phục vụ kiều bào hải ngoại. Trước đó vào năm 1978, Kim Loan được mời đóng vai Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình do đoàn Kim Chung dàn dựng phục vụ kiều bào ở Pháp do Hội Việt kiều yêu nước ở Paris tổ chức. Trước đó nữa, năm 1977, ca sĩ Kim Loan cũng đã tham gia một chương trinh văn nghệ ở khu Maubert Mutualité tại Paris.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường