Tiếp tục câu chuyện về cậu bé Huỳnh Hằng Hữu bất ngờ trở thành tỉ phú và đứng đầu doanh nghiệp, Báo Lao Động đã có bài phỏng vấn ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương), cha của cậu bé những vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm.

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Tôi cho tài sản không phải để con làm giàu”

23/09/2013, 14:40

Tiếp tục câu chuyện về cậu bé Huỳnh Hằng Hữu bất ngờ trở thành tỉ phú và đứng đầu doanh nghiệp, Báo Lao Động đã có bài phỏng vấn ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương), cha của cậu bé những vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm.

Tại sao trong di chúc của ông cho con trai lại yêu cầu phải xây dựng 17 ngôi đền?

Tôi đã xây dựng một ngôi đền tại khu du lịch Đại Nam. Tôi ước nguyện sẽ có ai đó thay tôi để giữ gìn và bảo tồn. Và thật may mắn, tôi đã có được một đứa con trai để thực hiện những điều tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất. Trên đời này có hàng ngàn việc để làm, tôi chọn việc xây đền và để cho con trai tôi tiếp tục giữ gìn là vì muốn văn hóa Việt được sống mãi qua nhiều thế hệ.

Theo tôi, việc này rất khó hơn nhiều vì khi xây dựng những ngôi đền thì phải nuôi dưỡng và giữ gìn cho thật tốt để thể hiện lòng biết ơn đối với đồng bào dân tộc. Đó là cả một quá trình xây dựng và gìn giữ chứ không phải như những việc từ thiện khác, chỉ cho rồi thì hết.

“Tỉ phú 1 tuổi” Huỳnh Bằng Hữu

Ông đã có con với người vợ trước, nay di chúc trao tài sản cho con trai sau này thì những người con trước có được phần nào không ?

Trước khi ly hôn, tôi đã nuôi con qua tuổi trưởng thành. Hai cháu lớn đã có gia đình và có con. Còn một cháu gái năm nay 24 tuổi. Tôi đã làm những gì tốt nhất cho vợ trước và con của tôi vào thời điểm tôi khó khăn nhất, nghiệt ngã nhất, một mất một còn. Giữa lúc tôi bị kinh tế khó khăn bao vây, giữa lúc tất cả mọi người đã quay lưng với tôi nhưng tôi đã cố gắng thực hiện nghĩa vụ làm cha, làm chồng và đã ly hôn hợp pháp.

Cho đến giờ phút này các con tôi và vợ trước của tôi không có điều gì để phiền đến tôi và lương tâm của tôi cũng thanh thản. Thời điểm tôi xây kKhu du lịch Đại Nam, có nhiều biến cố xảy ra khiến tôi rất đau buồn. Một vết thương lòng trong gia đình tôi mà tôi không thể kể ra cho dư luận được.

Tôi đã đã làm hết những gì có thể đối với vợ cũ và các con của tôi. Sau những biến cố xảy ra của gia đình tôi, tôi đã từng nói mọi người rằng tôi ao ước có được một đứa con trai mà đứa con đó sẽ làm được cái việc tiếp nối tôi để giữ gìn Đại Nam trường tồn. Nói thật, không phải nhất thiết là con của tôi, dù là con của một người nào đi nữa nếu có nhân duyên, thuận duyên thì tôi cũng sẽ trao cho người đó thay tôi gìn giữ Đại Nam.

Để có ngày hôm nay, tôi và vợ tôi bây giờ cũng đã nỗ lực hết sức vượt qua biết bao sóng gió phũ phàng để tự mình giải thoát, tìm được cuộc sống bình yên và cháu Huỳnh Hằng Hữu đã ra đời theo ước nguyện nên vợ chồng tôi vô cùng biết ơn trời Phật. Vào những lúc cuối đường thì thấy một ánh sáng, đó là điều tâm linh mà tôi không thể giải thích được. Nên con trai tôi sẽ thay cha mẹ làm những việc mà vợ chồng tôi không còn thời gian và sức lực để làm. Tôi hướng cho con trai tôi đi theo tâm nguyện như một sự biết ơn với trời Phật.

Ông Huỳnh Uy Dũng cùng vợ con trong buổi lễ công bố di chúc

Ai sẽ quản lý khối tài sản này và việc quản lý như thế nào? Việc trao cho con trai mới 1 tuổi làm Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đại Nam liệu có đúng quy định hay không ? Việc điều hành công ty có bị ảnh hưởng ?

Tôi đã thành lập một Hội đồng giám sát theo dõi công việc và giữ gìn tài chính. Con trai tôi sẽ là ông chủ nhỏ nhất nhưng chức vụ to nhất – chủ tịch hội đồng quản trị. Tôi làm tổng giám đốc, tiếp theo là vợ tôi cùng 7 nhân sự khác là các thành viên hội đồng giám sát. Ngoài ra, còn có 2 nhân viên kế toán và một luật sư để giám sát cho công việc này.

Khi tôi hoặc vợ tôi qua đời hoặc đến khi con trai tôi đến 18 tuổi thì cháu được toàn quyền quyết định trong công việc. Riêng về tài chánh không được sử dụng cho mục đích gì khi chưa có ý kiến của cha hoặc mẹ. Toàn bộ số tiền sẽ do tôi hoặc vợ tôi có ý kiến sử dụng cho mục đích gì và có thông qua hội đồng giám sát. Tất cả phục vụ cho việc thiện nguyện.

Tôi nguyện dâng hiến hết những cái tôi có để phục vụ cho công tác từ thiện. Một phần tài sản của tôi dành cho việc xây 17 ngôi đền cho đất nước, số tiền còn lại sẽ dành giúp cho những điều thánh thiện nhất. Tôi không cho tài sản để con tôi làm giàu. Tôi chọn một đứa con để nó giúp cho tôi thực hiện hoài bão, ước mơ, tâm nguyện làm những điều thiện nguyện mà tôi đã hằng mơ ước.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ – Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.HCM):

TRẺ 1 TUỔI KHÔNG THỂ GIỮ CHỨC CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Pháp luật quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, do đó ông Huỳnh Uy Dũng có quyền lập di chúc để lại tài sản cho đứa con trẻ 1 tuổi của ông Dũng. Tài sản để lại là toàn bộ số cổ phần trong doanh nghiệp. Với số cổ phần đó đủ để có thể nắm giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Nhưng đây là di chúc chưa có hiệu lực pháp luật, nên con trẻ 1 tuổi chưa trở thành chủ sở hữu thật sự của khối tài sản; vì vậy chưa thể tham gia vào hội đồng quản trị công ty. Ông Dũng vẫn còn toàn quyền quyết định đối với khối tài sản này và cũng có thể hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào.

Như vậy, con trẻ 1 tuổi là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản vừa được cha tặng cho. Pháp luật quy định tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý. Vì con trẻ 1 tuổi là trẻ chưa thành niên, do đó ông Dũng và bà Hằng là người đại diện theo pháp luật, nên có quyền tiếp quản và quản lý tài sản của con trẻ 1 tuổi.

Tuy nhiên,  với khối tài sản để lại đủ để có thể nắm giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp, thì trẻ em 1 tuổi có quyền nắm giữ chức vụ đó được không? Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (điều 21). Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác (điều 20).

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên (điều 46). Tại điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên hội đồng quản trị phải có đủ năng lực hành vi dân sự. Và điều 111 quy định: đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị bầu chủ tịch hội đồng quản trị theo quy định tại điều lệ công ty. Trường hợp hội đồng quản trị bầu Chủ tịch hội đồng quản trị thì được bầu trong số thành viên.

Từ các qyi định pháp luật nêu trên có thể thấy: Trẻ em 1 tuổi là trẻ vị thành niên, không có năng lực hành vi dân sự nên không thể đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên hội đồng quản trị, do đó không thể được bầu làm chức vụ này. Mặt khác, dù trẻ 1 tuổi với tư cách là chủ sở hữu khối tài sản cổ phần nhưng quyền định đoạt tài sản đó thì do cha mẹ (người đại diện theo pháp luật) quyết định, nên trẻ 1 tuổi càng không thể tự tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp nên không thể ứng cử vào thành viên hội đồng quản trị và không thể trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của công ty.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Huỳnh Uy Dũng: “Tôi cho tài sản không phải để con làm giàu”