Lãnh đạo Tập đoàn Siemens mong muốn hợp tác triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 về phát triển đường sắt cao tốc, đường sắt toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt.
Chiều nay (27.2), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Đức) Roland Busch.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens Roland Busch khẳng định, Việt Nam với dân số trên 100 triệu, ưu tiên phát triển kinh tế xanh sạch, chiến lược số hóa sẽ là "mảnh đất" vô cùng tiềm năng đối với doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Đức. Siemens tại Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác lâu dài, sâu sắc trong lĩnh vực của mình tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch Siemens cũng dẫn dự án hợp tác giữa Tập đoàn với Vinfast về dự án hợp tác tự động hóa tại Hải Phòng, tiềm năng hợp tác số hóa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với Tập đoàn FPT và trung tâm dữ liệu, chuyển đối số với VNPT là những ví dụ điển hình cho hợp tác song phương.
"Tôi rất kỳ vọng những hoạt động hợp tác như vậy sẽ được triển khai nhiều hơn trong giai đoạn tới", ông Roland Busch nhận định.
Nhấn mạnh những mục tiêu của Hà Nội trong phát triển xanh và bền vững rất phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của Siemens, ông Roland Busch cũng lưu ý việc thu hút các tập đoàn vào Hà Nội cũng rất quan trọng trong việc hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp.
Chia sẻ sâu hơn về những dự định thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Siemens mong muốn tham gia hợp tác triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 (tuyến metro số 5), trên cơ sở những thế mạnh và kinh nghiệm của tập đoàn về phát triển đường sắt cao tốc, đường sắt toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt. Hiện Siemens đang áp dụng công nghệ tối tân - dựa trên nền tảng AI trong các dự án, cũng như một số dự án về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả cho các tòa nhà, công nghệ biến rác thành năng lượng...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Siemens xem xét kỹ hơn về khả năng hợp tác trong phát triển hạ tầng giao thông đường sắt đô thị của Hà Nội, cũng như thu hút, tập hợp cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực liên quan, làm cầu nối để tăng cường hợp tác với Thủ đô.
Dự án tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 24.844 tỉ đồng; chi phí thiết bị 16.629 tỉ đồng; chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 6.220 tỉ đồng; dự phòng phí 16.900 tỉ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chỉ là 811 tỉ đồng.
Với quy mô đầu tư hơn 65.000 tỉ đồng, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị có quy mô vốn đầu tư lớn nhất trong số các tuyến metro đã hoàn thành bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Hà Nội.
Để có đủ vốn xây tuyến metro số 5, dự án được cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có thể cân đối bộ trí bổ sung giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của Luật Đầu tư công.
Phương án cân đối nguồn lực đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 từ 5 nguồn vốn được Hội đồng thẩm định thành phố họp thông qua.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội sẽ dành 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021 - 2025; 18.000 - 20.000 tỉ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỉ đồng từ đấu giá một số khu đất; phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỉ đồng. Ngoài ra, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho phần kinh phí còn lại khoảng 6.900 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện như sau: giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2018 - 2022; tiếp đó, giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026, trong đó, giai đoạn vận hành thử và bàn giao dự án vào cuối năm 2025; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán năm 2026 - 2027.