Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bộ Chính trị: Xây dựng tàu điện ngầm quy mô lớn tại Hà Nội, TP.HCM

Tuyết Nhung 26/02/2024 23:00

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.

Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận thực hiện nghị quyết Trung ương khóa 11 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành cao tốc Bắc Nam phía đông, các trục cao tốc Đông Tây; sân bay quốc tế; hạ tầng cảng biển, đường thủy nội địa lớn; đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hải Phòng, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới. Định hướng đến năm 2045, Việt Nam phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù với công trình hạ tầng văn hóa, xã hội.

Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển đất nước.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không.

Phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng; hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số.

"Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...", kết luận nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.

Bộ Chính trị cũng lưu ý ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, đường vành đai, các dự án thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập tại các đô thị lớn; đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung với công nghệ đồng bộ, hiện đại.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220km, vốn đầu tư ước tính 25 tỉ USD. Hiện tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.

Bài liên quan
Malaysia: Va chạm giữa 2 tàu điện ngầm khiến hơn 200 người bị thương
Hai tàu điện ngầm thuộc hệ thống giao thông đường sắt đô thị (LRT) của thủ đô Kuala Lumpur của Malaysi vừa va chạm nhau vào tối 24.5.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Chính trị: Xây dựng tàu điện ngầm quy mô lớn tại Hà Nội, TP.HCM