Ở thời điểm này, vàng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, có khả năng sinh lời, tuy nhiên các nhà đầu tư cần thận trọng, không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ".
Trong khi giá vàng thế giới trụ vững trên ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước tiệm cận ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Hiện thế giới đang chứng kiến nhu cầu tìm kiếm vàng như nơi "trú ẩn an toàn" giữa căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Tại thị trường trong nước, đóng cửa giao dịch cuối tuần qua, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,6 - 78,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,6 - 78,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng 800 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,1%, trong khi giá vàng thế giới tăng 1,4% trong tuần qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank ngày 23.2: 1 USD = 24.760 đồng, giá vàng thế giới tương đương 59,49 triệu đồng/lượng, thấp hơn 19,51 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra sáng 23.2.
Trao đổi với Một Thế Giới về tình hình đầu tư vào mặt hàng kinh loại quý này năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định trong năm 2024 vàng vẫn sẽ là kênh đầu tư có lợi nhuận cao, an toàn. Cuối năm 2023, giá vàng từng tăng rất cao và đạt tới kỷ lục 80 triệu đồng/lượng. Tâm lý kỳ vọng này khiến các nhà đầu tư tiếp tục mua vàng. Đầu năm 2024, giá vàng vẫn tiếp tục tăng cao, dao động từ 78 - 79 triệu đồng/lượng.
Theo TS Hiếu, nếu Chính phủ không sửa đổi Nghị định 24 một cách mạnh mẽ, giá vàng trong nước sẽ còn tăng và vượt ngưỡng 80 triệu đồng so với trước đây. Trong năm 2024, vàng vẫn sẽ là kênh trú ẩn cho nhà đầu tư.
"Khi nền kinh tế ổn định, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hồi phục, giá vàng có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Ngược lại, nếu nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác trì trệ, giá vàng sẽ có thể gia tăng do tâm lý của người dân hướng tới tích trữ, dự phòng bằng vàng", vị chuyên gia nhận định.
Theo TS Hiếu, lợi nhuận là một trong những động cơ khiến các nhà đầu tư mua vàng. Trong khi, chứng khoán năm 2024 vẫn lình xình, bất động sản tiếp tục khó khăn, lãi suất tiền gửi thấp, thì đầu tư vào vàng vẫn kiếm lời. Nhà đầu tư chọn vàng vì vàng còn là tài sản, có tính thanh khoản cao, lợi nhuận tốt.
So với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán thì đầu tư vàng có khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng, không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ". Các nhà đầu tư đang có ý định bỏ tiền vào vàng nên đợi thêm, bởi những tác động từ chính sách của Chính phủ và việc sửa đổi Nghị định 24 có thể làm cho giá vàng đảo chiều giảm.
Hiện Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch kiểm soát thị trường vàng. Tuy nhiên, nguồn cung vàng ở Việt Nam vẫn hạn chế, chênh lệch cung - cầu trong nước đã đẩy giá vàng lên và chênh khá cao so với thế giới. Chệnh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao là rủi ro cho những người đầu tư vàng. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới, điều này có thể dẫn tới việc buôn lậu vàng để trục lợi.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.
Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cần rà soát và đánh giá lại. Về doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ngoài ra, quy định về thanh kiểm tra, giám sát cần tăng cường để không còn nhiều hiện tượng vàng trôi nổi trong nền kinh tế.
Năm 2023, giá vàng có biến động mạnh thời điểm gần cuối năm, xét giá vàng bán ra có thời điểm tăng mạnh 15% so với đầu năm, nhưng tính cả năm chỉ tăng 5% so với đầu năm. Biến động mạnh phần lớn là do nguồn cung vàng SJC bị hạn chế. Tuy nhiên, ngay sau thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước về sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và dự kiến sửa đổi Nghị định 24 ngay trong tháng 1.2024, giá vàng SJC đã điều chỉnh mạnh, giảm 5 - 6 triệu đồng/lượng ngay trong tháng 12.2023.
Thị trường vàng đã và đang có sự thay đổi tương đối nhiều so với hơn 10 năm trước khi Nghị định 24 ra đời, đặc biệt về mặt quy mô và cách thức hoạt động. Điều này dẫn đến hiện tượng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, khoảng 17 - 19 triệu đồng, thậm chí có thời điểm lên tới 20 triệu đồng và rõ ràng ở đây có sự bất thường.
"Tới đây, thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định hơn, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ thì chênh lệch cũng sẽ giảm bớt," chuyên gia Lực kỳ vọng.