Chủ nghĩa âm mưu đang ở khắp nơi, làm doanh nghiệp khốn khổ. Cần tìm mọi cách nới lỏng dây buộc cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chủ nghĩa âm mưu đang ở khắp nơi, làm doanh nghiệp khốn khổ

15/06/2020, 10:26

Chủ nghĩa âm mưu đang ở khắp nơi, làm doanh nghiệp khốn khổ. Cần tìm mọi cách nới lỏng dây buộc cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại cuộc thảo luận - Ảnh: VPQH

Ngày 15.6, các đại biểu quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Có hiện tượng chặn thông tin đến ĐBQH?

Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết chống dịch COVID-1 thành công vang dội rồi, giờ cần nhất là quay lại để tạo sức bật, phục hồi cho nền kinh tế. Nên cần bổ sung vào kỳ họp này một nghị quyết riêng hoặc bổ sung nội dung này vào nghị quyết kỳ họp. Chủ nghĩa âm mưu đang ở khắp nơi, làm doanh nghiệp khốn khổ. Cần tìm mọi cách nới lỏng dây buộc cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ông Nhưỡng cũng đề nghị cần chú trọng vấn đề giám sát, phòng chống tham nhũng.

“Bài học về phòng chống tham nhũng thể hiện rõ qua vụ tiêu cực mua sắm thiết bị y tế chống dịch vừa qua. Trong thời COVID-19 mà còn tham nhũng thì không người dân nào chịu đựng được. Đề nghị cán bộ nào có tính toán xấu, đang "lên kế hoạch tham nhũng" thì cần dừng lại ngay”, ĐB Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cho biết những ngày qua ông nhận được nhiều tin nhắn của cử tri, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu nói “chưa từng bao giờ thấy niềm tin về nền tư pháp Việt Nam thấp như lúc này”.

Liên hệ đến vụ án Hồ Duy Hải, ĐB Nhưỡng bày tỏ ông đã thức cả đêm để xem từng bản ảnh của vụ án và phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót về tố tụng, thấy cần lên tiếng. “Đừng đổ tội cho các đại biểu quốc hội đi làm rối vấn đề, sự việc và cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa với công tác tư pháp”.

ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho biết ông rất đồng tình với một số đại biểu đề cập đến cái sai của cơ quan này cơ quan kia. Theo ông, nếu cơ quan này cơ quan kia, kể cả cơ quan tư pháp, nếu có sai thì cần nên sửa, toàn dân rất mong muốn điều này.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng hoạt động tư pháp thời gian qua có cái sai nhưng qua mấy chục năm cải cách tư pháp chúng ta đã có những thành tựu, góp phần ổn định trật tự xã hội. Nếu chỉ vì một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp tệ hại thì không nên. Thời gian tới, quan trọng là làm sao để cơ quan tư pháp sửa được cái sai, để hoạt động tư pháp được tốt hơn, tránh được oan sai”, ông Quyền nói.

Cũng tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề nên nhìn nhận như thế nào cho đúng? Nếu tiếp nhận thông tin qua điện thoại thì có được coi là có cơ sở hay không? “Nhận định này tôi cho rằng là phủ định sạch trơn thành tựu của ngành tư pháp. Một số phóng viên có hỏi về vụ án này vụ án kia nhưng tôi từ chối vì tôi không được nghiên cứu hồ sơ hay tham gia vụ án từ đầu đến cuối”, ông Cương nói.

Ông Cương cũng cho rằng cần đặt ra cơ chế thông tin cho đại biểu quốc hội một cách chính thống để họ thông tin cho đúng. “Tôi cũng cho rằng ý kiến của đại biểu Phạm Hồng Phong có ý kiến thanh minh, bảo vệ ngành nhưng xúc phạm đến đại biểu khác là không nên”, ông Cương nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đồng tình với ông Cương là cần cơ chế thông tin cho đại biểu. “Tôi biết hiện này có nhiều trường hợp chặn thông tin đến đại biểu, đến cá nhân tôi. Tôi biết chứ không phải không biết”, ông Nhưỡng nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết không có cơ chế nào chặn thông tin của đại biểu.

Cẩn trọng việc mở cửa lại với các nước

Nhắc đến công tác phòng chống dịch COVID-19, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ lên tới 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.

Về việc cần làm, ông Nhân phân tích Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nền kinh tế có quan hệ đối tác quan trọng nhất.

“17 nền kinh tế này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thỏa thuận hai bên”, Bí thư TP.HCM đề nghị.

Theo ông Nhân, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nền kinh tế này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nền kinh tế này.

7 nền kinh tế còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì cần theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay. Một dự báo “không tốt lắm”, song theo Bí thư TP.HCM, Việt Nam cần quan tâm, đó là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%. Ông cho rằng cần tính tới các dự báo này để có điều chỉnh phù hợp.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề cập đến vấn đề đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài thời hậu COVID-19. Đại biểu Hiền đề nghị cần có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư, trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Cùng với đó, ĐB Hiền cho rằng cần chống cả 2 loại vi rút là corona và vvi rút trì trệ.

Tranh luận lại ĐB Nguyễn Thiện Nhân, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần hết sức cẩn trọng việc mở cửa với các nước vì hiện nay Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch. Làn sóng thứ 2 đang treo lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Các nhà đầu tư vẫn chưa yên tâm, bằng chứng là thị trường chứng khoán vẫn chưa khởi sắc.

Do đó, ông Hiếu cho rằng Việt Nam cần tiến hành các biện pháp khẳng định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không dữ dội như các nước. Những biện pháp này cần dựa vào khoa học và có ngành y tham vấn. Ví dụ như làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng, quy trình khách quốc tế vào Việt Nam cần xét nghiệm chặt chẽ…

Cũng theo ông Hiếu, hệ thống y tế công cộng đã phát huy rất tốt vai trò trong đại dịch vừa qua nhưng hiện nay đang xuống cấp, suy yếu do chưa được đầu tư đúng mức. Cần có chiến lược đầu tư cho y tế, nhất là tuyến xã, huyện và vùng sâu vùng xa để có thể đối mặt với các đại dịch trong tương lai.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chủ nghĩa âm mưu đang ở khắp nơi, làm doanh nghiệp khốn khổ