Bé trai sinh non, nặng chỉ có 1,6kg bị bệnh teo đường mật bẩm sinh rồi dẫn đến xơ gan, nhiễm trùng gan, nhiễm trùng phổi dù đã được nhiều lần phẫu thuật để điều trị bệnh teo đường mật bẩm sinh. Sự sống của bé đang tính từng ngày, khi lá gan của bé đang bị xơ gan giai đoạn cuối và nhiễm trùng nặng thì bất ngờ đã được ông nội cứu sống từ lá gan của mình.

Ông nội lấy gan của mình cứu cháu trai đang nằm chờ chết

Hồ Quang | 19/08/2019, 21:28

Bé trai sinh non, nặng chỉ có 1,6kg bị bệnh teo đường mật bẩm sinh rồi dẫn đến xơ gan, nhiễm trùng gan, nhiễm trùng phổi dù đã được nhiều lần phẫu thuật để điều trị bệnh teo đường mật bẩm sinh. Sự sống của bé đang tính từng ngày, khi lá gan của bé đang bị xơ gan giai đoạn cuối và nhiễm trùng nặng thì bất ngờ đã được ông nội cứu sống từ lá gan của mình.

Cháu bé D.C.M. (16 tháng tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) được sinh ra khi mới hơn 6 tháng tuổi thai do người mẹ vỡ ối. Lúc mới sinh cháu bé chỉ cân nặng đúng 1,6kg. Khi bé đang điều trị bệnh lý vong ở trẻ sinh non (ROP), thì các bác sĩ phát hiện bé bị vàng da, ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh.

Bé sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để phẫu thuật Kasai điều trị căn bệnh teo đường mật bẩm sinh. Tuy nhiên, sau đó tình trạng bệnh của bé ngày càng xấu, bé bị xơ gan, viêm phổi nặng, gia đình đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bé M. được điều trị cùng lúc đến 4 kháng sinh, nhưng vẫn không hiệu quả, tình trạng bệnh ngày càng nặng, bé bị nhiễm trùng gan, nhiễm trùng phổi nặng.

Thời gian sống của bệnh nhi chỉ tính từng ngày. Lúc này muốn cứu sống bé chỉ còn con đường duy nhất là ghép gan, nhưng cha, mẹ của bé không phù hợp với chỉ định, trong đó cha bé bị gan nhiễm mỡ. Tưởng chừng bé sẽ phải chấp nhận cái chết thì bất ngờ ông nội của cháu tình nguyện hiến gan và rất may mắn lá gan này đã tương thích.

Nói về quyết định hiến lá gan của mình để cứu cháu nội, ông D.V.L. (ông nội cháu M., 56 tuổi, ngụ ở Tây Ninh) chia sẻ: “Nhìn cháu thoi thóp tui không cầm lòng, không thể nào để cháu chết như vậy nên quyết định hiến gan của mình cứu cháu. Lúc đầu tui cũng có đôi chút lo lắng, nhưng sau khi nghe các bác sĩ ở đây tư vấn cũng như xem các thông tin trên báo về việc hiến gan, tui yên tâm hơn. Những ngày sau đó, các bác sĩ liên tục khám, kiểm tra huyết áp và thông báo chuẩn bị lên bàn mổ tui đã không còn sợ nữa”.

GS.BS Trần Đông A - cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2, người trực tiếp làm công tác tư tưởng cũng như phân tích thiệt hơn cho ông L. trong việc hiến gan đã yêu cầu ông này phải ngưng ngay việc hút thuốc lá và uống rượu bia để làm sạch lá gan, mới có thể cứu sống cháu mình. Bởi ông L. có thói quen hút thuốc lá và uống rượu biacả chục năm qua.

"Tôi nói nếu ông muốn cứu cháu mình thì phải bỏ rượu bia ngay từ hôm nay, không hút bất cứ điếu thuốc hay uống hay uống một giọt rượu bia nào. Và ông ấy đã nghe làm theo. Sau 3 tháng thì lá gan ông L. đã sạch đủ để thực hiện ca ghép gan cho cháu”, GS Đông A nói.

Ca mổ ghép gan được bắt đầu thực hiện lúc 9 giờ ngày 18.6.2019. Ê kíp ghép gan là những bác sĩ “thiện chiến” nhất của Bệnh viện Nhi đồng 2 dưới sự chỉ huy của chuyên gia ghép tạng ở trẻ em, GS.BS Trần Đông A nhưng ca ghép gan này đã gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài đến 15 giờ đồng hồ.

“Dù ê kíp ghép gan đã tập trung cao độ nhưng do động mạch gan trái của người cho lại xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạc nối nhỏ nên khi bóc tách phân thùy gan 2, 3 tương đối khó khăn. Khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông nên ê kíp phẫu thuật phải lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối. Sau đó còn tiếp tục gặp trở ngại khi bụng của em bé quá nhỏ do sinh non tháng,ê kíp mổ buộc phải nong ổ bụng của em bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque – một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài sang phục vụ ca phẫu thuật”, GS.BS Trần Đông A chia sẻ.

Theo bác sĩ Thạch, để thực hiện ca ghép gan này, toàn bộ ê kíp ghép mổ đã có một quyết định rất tạo bạo, vì bệnh nhi này đang bị nhiễm trùng phổi rất nặng, nếu mổ ghép gan thì sẽ có nhiều nguy cơ trên bàn mổ đối với tình trạng bệnh trên. Hơn nữa cháu bé chưa đầy 2 tuổi, nhưng đã 3 lần phẫu thuật. Điều này cho thấy việc thực hiện ca mổ ghép gan đối với một cháu bé có tình trạng sức khỏe như thế là cực kỳ nguy hiểm, nhưng nếu không mổ ghép gan ngay lúc này thì bé sẽ tử vong.

“Rất may mắn, sau 15 giờphẫu thuật ca ghép gan cho bé đã thành công. Sau đó bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da dẻ trắng trẻo, không còn đen xạm do tình trạng ứ mật như trước. Bé có thể tự ngồi, đi xe đẩy hay đùa giỡn với mọi người. Sức khỏe người cho tạng cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật. Đến chiều nay (19.8) chúng tôi đã tiến hành cho bé xuất viện”, bác sĩ Thạch cho biết.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông nội lấy gan của mình cứu cháu trai đang nằm chờ chết