Phát biểu trước các Đại sứ Nga khi trở về nước hôm 19.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói có những thế lực ngầm vì quyền lợi nhỏ mọn muốn phá kết quả cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16.7 ở Helsinki.

Ông Putin: Có thế lực ngầm muốn phá cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ

Trần Trí | 20/07/2018, 14:22

Phát biểu trước các Đại sứ Nga khi trở về nước hôm 19.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói có những thế lực ngầm vì quyền lợi nhỏ mọn muốn phá kết quả cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16.7 ở Helsinki.

Theo hãng thông tấn TASS, ông Putin khi cho biết kết quả cuộc gặp đã nói: “Chúng ta sẽ chờ xem mọi sự diễn ra thế nào, khi có vài thế lực ở Mỹ đang muốn phá kết quả cuộc gặp. Chúng ta có thể trông thấy các thế lực ở Mỹ, vốn dễ hy sinh quan hệ Nga-Mỹ vì những tham vọng của họ trong cuộc đấu đá chính trị nội địa ở Mỹ. Họ sẽ hy sinh quyền lợi Mỹ, vốn đã mất các hợp đồng và quan hệ ở Nga, việc làm Mỹ vốn lệ thuộc hợp tác Nga-Mỹ”.

Theo hãng tin RT, ông Putin còn nói các thế lực này sẽ “hy sinh quyền lợi của các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông, gồm nhà nước Israel. Họ sẽ hy sinh chính an ninh của họ. Chúng ta đã được dạy rằng một nguyên thủ quốc gia phải ưu tiên các quyền lợi cốt lõi của đất nước mình trên hết mọi sự. Trong trường hợp này thì không có. Chúng ta chứng kiến các thế lực ở Mỹ đã đặt quyền lợi đảng và của họ lên trên khỏi đất nước họ”.

Vị chủ nhân Điện Kremlin còn nói: “Các cây cọ biếm họa của chúng ta đã mô tả họ là những người bệnh hoạn, nhưng không đúng. Ngược lại, họ là một thế lực ngầm, nếu họ có thể lừa gạt hàng triệu đồng bào để nghe câu chuyện phi lý mà họ dựng lên”.

Sáng 19.7, ông Trump viết Twitter chỉ trích giới truyền thông Mỹ đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ: “Giới tin giả muốn chứng kiến một cuộc đối đầu lớn với Nga, dù cuộc đối đầu này có thể dẫn đến chiến tranh. Họ ẩu tả thúc ép và ghét thực tế là tôi sẽ có thể có quan hệ tốt với Putin. Chúng tôi đang cố gắng làm điều tốt nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Cuộc gặp thượng đỉnh với Nga rất thành công, ngoại trừ kẻ thù đích thực của đồng bào chính là giới đưa tin giả”.

Ukraine không chấp nhận trưng cầu dân ý “trò hề”

Ông Putin cũng nói ông đã đề nghị với ông Trump tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, để giúp giải quyết nội chiến ở đông Ukraine. Nhưng hai nhà lãnh đạo đồng ý không công bố, để ông Trump có thời gian xem xét, theo hai người giấu tên dự cuộc họp kín của ông Putin với các nhà ngoại giao Nga, đã cho Bloomberg biết.

Nhà Trắng chưa bình luận về đề nghị của ông Putin. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin từ chối bình luận về đề xuất của ông Putin về Ukraine, chỉ nói: “Một số ý tưởng đang được thảo luận”.

Trong khi ông Putin mô tả đề nghị của ông là một tín hiệu kết thúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ khó được sự chấp nhận của chính phủ Ukraine và các nước phương tây vốn đã làm trung gian một thỏa thuận ngưng bắn ở vùng Donbass hiện đa phần thuộc quyền kiểm soát của quân ly khai có Nga ủng hộ.

Mỹ và EU đã liên tục cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí đến ủng hộ quân ly khai ở đông Ukraine. Moscow phủ nhận, dù Ukraine đã bắt nhiều lính Nga và tước vũ khí.

Các quan chức Ukraine hẳn sẽ phản ứng, sau khi ông Trump để ngỏ khả năng công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, điều đã kích hoạt cuộc nội chiến ở hai vùng Donetsk và Luhansk ở đông Ukraine. Quốc tế không công nhận vụ sáp nhập này.

Kiev đã đề nghị hai khu vực này tự trị dưới quyền kiểm soát của Ukraine, và ủng hộ việc dàn quân gìn giữ hòa bình đến khu vực này.

Hồi tháng 5, lãnh đạo của hai Cộng hòa tự phong ở Donetsk và Luhansk đã tổ chức trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập. Mỹ và EU bác kết quả trưng cầu dân ý, trong khi Kiev gọi đó là “trò hề”.

Lúc đó, Nga tuyên bố “tôn trọng” hai cuộc trưng cầu dân ý, vốn có tỉ lệ 96% ủng hộ ly khai khỏi Ukraine.

Hồi năm 2017, ông Putin chọc tức Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine, bằng cách ký một sắc lệnh công nhận hộ chiếu và giấy tờ do hai chính phủ ly khai ở Luhansk và Donetsk cấp. Hai vùng này cũng tuyên bố công nhận đồng rúp Nga là dòng tiền chính thức.

Hồi tháng 3.2017, hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời Igor Plotnitsky, người lúc đó là lãnh đạo “Cộng hòa nhân dân Luhansk”: “Nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở hai vùng ly khai đông Ukraine, thì kết quả cũng giống như ở Crimea vốn đã chọn trở về Nga”.

Tuy nhiên hồi tháng 6, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố Mỹ không xem Crimea là của Nga. Tuyên bố này sau khi có thông tin tại Hội nghị thượng đỉnh G-7, ông Trump nói Crimea thuộc Nga vì người ở đó nói tiếng Nga. Cũng có tin ông gọi Ukraine là “một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới”.

Cảnh giác với khả năng Mỹ không hoàn toàn ủng hộ Ukraine nữa, lãnh đạo Ukraine đã tìm sự bảo đảm của Mỹ, từ trước khi ông Trump gặp ông Putin.

Một nhà ngoại giao cho Reuters biết hồi tuần trước: “Chúng tôi đã được Mỹ khẳng định rõ rằng các quyền lợi của Ukraine sẽ được xác định và sẽ được bảo vệ tại cuộc gặp thượng đỉnh. Điều quan trọng là không có chuyện bất ngờ xấu xảy ra sau lưng chúng tôi”.

Tổng thống Putin cảnh cáo NATO chớ thân cận Ukraine, Gruzia

Tại cuộc họp kín với các nhà ngoại giao Nga, ông Putin cũng cảnh cáo NATO chớ nên lập quan hệ thân cận với Ukraine và Gruzia, nói chính sách này là “vô trách nhiệm” và NATO sẽ phải nhận những hậu quả.

Năm 2008, lãnh đạo NATO hứa sẽ có lúc Gruzia và Ukraine sẽ được kết hợp với khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này. Nga đã bày tỏ sự phẫn nộ, không muốn hai nước láng giềng tham gia một khối quân sự thù địch.

Ông Putin nói cần phục hồi sự tin cậy lẫn nhau ở châu Âu, và ông chống điều gọi là “mưu toan NATO lập căn cứ mới, cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới Nga”.

Vị Tổng thống tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phản ứng thích đáng với những động thái hung hăng đó, vốn trực tiếp đe dọa Nga. Các đồng nhiệm của chúng ta đang cố gắng leo thang tình hình, tìm cách đưa Ukraine, Gruzia vào quỹ đạo của NATO. Họ nên nghĩ tới khả năng phải lãnh nhận hậu quả vì chính sách vô trách nhiệm này”.

Ông Putin cũng nói đã nêu chuyện này với ông Trump, người đã yêu cầu các nước thành viên NATO tăng chi phòng thủ, nhưng ông cũng thắc mắc có nên đưa Montenegro vào khối này hay không, và gọi dân Montenegro “rất hung hăng”.

Thông tin chi tiết nội dung cuộc nói chuyện giữa hai ông Putin-Trump rất ít, cho đến nay do Nga cung cấp là chủ yếu. Ngay cả các quan chức hàng đầu ở Washington xem ra cũng không biết hai nhà lãnh đạo đã thống nhất điều gì.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders viết Twitter: ông Trump đồng ý với Putin “để đối thoại cấp làm việc” giữa nhân viên an ninh Mỹ-Nga, và ông Putin đã được mời thăm Washington vào mùa thu tới.

Ngày 18.7, Sứ quán Nga ở Washington tuyên bố trên Twitter: “Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng tuân thủ các thỏa thuận về an ninh toàn cầu mà hai vị Tổng thống Nga-Mỹ đã đạt được”.

Nhưng các quan chức Mỹ không biết thỏa thuận này thế nào, vì sau cuộc gặp thượng đỉnh không có tuyên bố chính thức.

Ngày 19.7, ông Trump hé lộ chút đỉnh qua Twitter: hai ông đã bàn chuyện ngăn chặn khủng bố, bảo đảm an ninh cho Israel, vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Nga cũng lưu ý nội chiến Syria, gia hạn Thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược (START) là hai lĩnh vực mà Mỹ-Nga có thể hợp tác.

Bích Ngọc (theo Washington Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin: Có thế lực ngầm muốn phá cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ