Theo một chuyên gia thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cần đạt đến thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, để ông có được “một chiến thắng chính trị” trong nước, vào lúc ông phải trải nghiệm nhiều thách thức gồm cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông.

Ông Tập Cận Bình cần một ‘chiến thắng chính trị’ từ thỏa thuận thương mại với Mỹ

Mỹ Trinh | 29/11/2019, 06:28

Theo một chuyên gia thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cần đạt đến thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, để ông có được “một chiến thắng chính trị” trong nước, vào lúc ông phải trải nghiệm nhiều thách thức gồm cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông.

Cố vấn cấp cao Steve Okun thuộc tổ chức tư vấn thương mại McLarty Associates nói với kênh CNBC hôm 27.11, rằng về chính trị, ông Tập đã phải trải qua “vài tuần khủng khiếp” vì những thách thức chính trị từ trong nước, ví dụ cuộc khủng hoảng 6 tháng qua ở Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Trung Quốc, với những cuộc biểu tình mà đôi lúc còn xảy ra ẩu đả bạo liệt giữa người phản đối với cảnh sát.

Các cuộc biểu tình này cũng khiến Quốc hội Mỹ thông qua Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt ngày 27.11. Luật này được cho là một cách gây sức ép để Trung Quốc ngưng đàn áp bạo lực đối với người phản đối. Luật cũng ra đời vào lúc Mỹ - Trung đàm phán thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” và ông Trump đã nói tình hình Hồng Kông “là một yếu tố phức tạp” trong các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại như ông Okun nói Hồng Kông sẽ không là rào cản trực tiếp cho việc Mỹ - Trung đạt đến một thỏa thuận. Vấn đề lớn hơn là liệu vị chủ nhân Nhà Trắng sẽ hủy bỏ các mức thuế hiện đánh lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc? Ông Tập sẽ không chịu ký thỏa thuận “giai đoạn 1” nếu như ông Trump không hủy.

Và khi Bắc Kinh đã liên tục kêu Mỹ hủy bỏ các mức thuế này, xem ra nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cần một thắng lợi chính trị tại quê hương ông, theo nhận định của chuyên gia Okun.

Ông nói: “Đáng chú ý là sau khi xem ra Trung Quốc đã giải quyết một số quan ngại của Mỹ, bằng cách đồng ý tăng mua nông sản Mỹ, mở cửa lĩnh vực tài chính của Trung Quốc và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngay lúc này, ông Tập đang không ở vị thế tốt, đang phải trải qua vài tuần khủng khiếp. Tổng thống Trump cũng trải qua nhiều tuần khủng khiếp. Cả hai bên thật sự nên tìm cách đạt đến thế“mỗi bên đều thắng lợi”, điều mà cả hai bên đều không có”.

Mỹ đã nhấn mạnh nếu không đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 15.12, thì Mỹ sẽ áp thêm mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc, với gói hàng nhập khẩu trị giá 160 tỉ USD sẽ vẫn phải chịu mức thuế 15%. Trong khi đó, mức thuế áp hồi đầu tháng 9, trên một loạt các mặt hàng tiêu dùng vẫn giữ nguyên. Đó chính là mức 15% áp lên khoảng 112 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế học Jinny Yan của ICBC Standard Bank (Trung Quốc), thỏa thuận này rất có thể đạt được trong 2 tuần nữa, khi Trung Quốc tổ chức Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương. Đây là một sự kiện kín, tổ chức trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 12 mỗi năm, từ đó các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lập kế hoạch cho kinh tế quốc gia trong năm kế tiếp.

Nói chuyện với CNBC hôm 27.11, bà Yan cho rằng vào lúc sắp đến gần thời hạn chót của Mỹ, “một thỏa thuận thương mại là rất rõ ràng”, nhất là khi kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục lao dốc vì hàng hóa tiêu dùng trong nước lâm cảnh ế ẩm. Bà nhấn mạnh: “Quan tâm chính của Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà hoạch định chính sách toàn quốc là sự ổn định, nên bất cứ điều gì phá hỏng sự ổn định chắc chắn sẽ là một mối quan ngại”.

Mỹ Trinh (theo CNBC)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Tập Cận Bình cần một ‘chiến thắng chính trị’ từ thỏa thuận thương mại với Mỹ