Các nhà nghiên cứu đang tiếp cận tổng thống mới đắc cử Donald Trump với những tư vấn khoa học – và cả lời chỉ trích.
Kelly Ramirez, nhà sinh thái học về vi sinh vật trong đất đang làm việc tại viện Nghiên cứu Sinh thái Hà Lan tại Wageningen, Hà Lan, đã rất hoang mang khi theo dõi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 9 tháng 11. Cô bắt đầu viết thư cho bạn bè - tất cả đều là các nhà khoa học nữ - ở Mỹ. Họ rất lo lắng trước chiến thắng chung cuộc của Trump, vì những gì họ được thấy là thái độ thiếu nghiêm túc của ông trước những sự việc và hành động phân biệt đối xử chống lại những nhóm như người Hồi giáo, Mỹ Latinh và phụ nữ.
Kết quả là đã có 11.000 nhà khoa học nữ ký vào một lá thư mở [được soạn sau khi thư gửi các nữ đồng nghiệp của Kelly Ramirez được lan truyền đến 200 người] , trong đó họ cam kết “xây dựng một cộng đồng toàn diện và hợp tác khoa học hơn”. Đó chỉ là một phản ứng của cộng đồng khoa học đối với tổng thống mới của Mỹ. Khắp thế giới, cá nhân các nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức khoa học đang ký vào những lá thư phản đối hoặc tư vấn cho nhóm chuyển giao quyền lực của Trump và tranh thủ truyền thông về các giá trị của khoa học cho công chúng.
“Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ khi các nhà khoa học vì chịu tác động bởi ‘hiệu ứng Trump’ mà sẵn sàng đứng lên vì khoa học”, Geoffrey Supran, nhà khoa học môi trường ở đại học Harvard, nói. Là người có nhiều năm quan tâm đến khí hậu, ông đã tổ chức soạn một bức thư góp ý về chính sách khí hậu gửi tới Trump, được hơn 800 nhà khoa học về trái đất cùng ký vào.
Trong những thư ngỏ gửi Trump gần đây có lá thư đề ngày 30 tháng 11, với chữ ký của 2.300 nhà khoa học, trong đó có 22 nhà khoa học được giải Nobel, kêu đòi phải có “văn hóa khoa học mạnh mẽ và cởi mở” ở cơ quan điều hành của chính phủ; sự kiện này do Union of Concerned Scientists (UCS), một nhóm vận động thay đổi chính sách ở Cambridge, Massachusetts, khởi xướng.
Những người đứng đầu của 29 hội khoa học trên khắp nước Mỹ cũng đã ký vào một lá thư đề ngày 23 tháng 11 kêu gọi Trump không trì hoãn thêm nữa việc lựa chọn một cố vấn khoa học “có uy tín quốc gia”. Mặc dù trước đây các hội khoa học đã gửi một thông điệp tương tự tới tổng thống Obama ngay sau khi ông đắc cử vào năm 2008, nhưng năm nay mối quan tâm tới bức thư tăng mạnh, theo Rush Holt, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ. “Cuộc bầu cử này cho thấy một sự thay đổi lớn và mang đến sự bất định cho vị trí của khoa học trong chính phủ Mỹ, khiến chúng tôi thấy cần tiếp cận ngay với tổng thống mới đắc cử”, ông nói.
“Chúng tôi yêu khoa học”
Một số nhà khoa học đã xuống đường để phản đối Trump. Tại cuộc họp của Hội Địa vật lý Mỹ vào ngày 13 tháng 12 tại San Francisco, các nhà nghiên cứu đã cùng tham gia sự kiện biểu tình “hãy đứng lên vì khoa học” ngay gần trung tâm tổ chức hội nghị. Khoảng 30 nhà khoa học mặc đồng phục phòng thí nghiệm, mang theo những biểu ngữ như “Băng tuyết không nghị sự - nó chỉ tan chảy”. Hơn một trăm người đứng xem cũng mang theo những biểu ngữ như “Chúng tôi yêu khoa học”, và cùng hô “Hãy đứng lên vì khoa học”.
Kim Cobb, một nhà cổ khí hậu học tại Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta, nói với đám đông rằng cô đã nghe tin về chiến thắng của Trump trong khi đang đi thám hiểm nghiên cứu ở Thái Bình Dương. Mối quan tâm về sự kiện này vẫn không giảm xuống khi cô trở về phòng thí nghiệm, nơi cô nghiên cứu quan hệ giữa biến đổi khí hậu và hiện tượng san hô bị chết. “Cơn ác mộng vẫn tiếp tục và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, cô nói.
Cobb nói với Nature rằng cô lo lắng cho sự an toàn về lâu dài của các cơ sở dữ liệu về khí hậu của chính phủ Mỹ và các hạ tầng nghiên cứu khác của liên bang. Nhóm chuyển giao quyền lực của Trump mới đây đã đề nghị Bộ Năng lượng cung cấp danh sách những người làm việc cho chính phủ về chính sách biến đổi khí hậu (đề nghị này đã bị từ chối). Cobb sợ rằng chính quyền sẽ Trump sẽ can thiệp vào công việc của các nhà nghiên cứu trong và ngoài chính phủ.
Andrew Rosenberg, giám đốc Trung tâm Khoa học và dân chủ, thuộc UCS, nói rằng, dường như các nhà khoa học sốt sắng bày tỏ quan điểm với tổng thống mới nhiều hơn so với các tổng thống trước đây. Các nhà khoa học cũng ký tên vào thư gửi tổng thống Bush do UCS tổ chức hồi năm 2004 nhưng chậm hơn rất nhiều, Rosenberg nói – ông nhìn nhận điều này như sự phản ảnh tâm trạng lo lắng của các nhà khoa học đối với tổng thống đắc cử Trump, và cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà khoa học trẻ sẵn sàng lên tiếng về chính sách.
Nhưng Jamie Vernon, giám đốc truyền thông khoa học và xuất bản của Sigma Xi, một hội xếp hạng khoa học ở Research Triangle Park, Bắc Carolina, cho rằng các nhà nghiên cứu phải hỗ trợ chính phủ của Trump vì lợi ích của xã hội. Từ chối làm việc với chính quyền mới sẽ “tạo ra những khoảng trống mà có thể chính những người không đồng thuận với cộng đồng khoa học sẽ thế chân vào”.
Jacquelyn Gill, một nhà cổ khí hậu học tại Đại học Maine ở Orono, hiểu rõ giả định phía sau cách tiếp cận này. “Nếu bạn muốn ký vào một lá thư kiến nghị, cũng tốt thôi, nhưng sẽ tốt hơn nếu đó không phải là tất cả những gì bạn làm”, cô nói.
Bảo Như/Tia sáng