Bãi bỏ việc hợp pháp hóa nghiên cứu tế bào gốc, đảo ngược Đạo luật cải tổ Y tế Obamacare, nới lỏng các tiêu chuẩn phê duyệt an toàn thực phẩm của FDA, chuyển hướng nghiên cứu tập trung của NASA từ sao Hỏa sang Mặt trăng, đó là những hệ quả quan trọng có thể xảy ra do sự chuyển giao chính quyền vào tay vị Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, đặc biệt trong bối cảnh các nhà chính trị thuộc Đảng Cộng hòa chiếm vị thế áp đảo trên nghị trường. Tạp chí Nature đã điểm qua một số những biến động nhiều khả năng sẽ diễn ra tới đây tại các cơ quan khoa học trọng yếu của Mỹ.

Ảnh hưởng từ chuyển giao quyền lực trên chính trường tới các cơ quan khoa học hàng đầu ở Mỹ

03/01/2017, 06:51

Bãi bỏ việc hợp pháp hóa nghiên cứu tế bào gốc, đảo ngược Đạo luật cải tổ Y tế Obamacare, nới lỏng các tiêu chuẩn phê duyệt an toàn thực phẩm của FDA, chuyển hướng nghiên cứu tập trung của NASA từ sao Hỏa sang Mặt trăng, đó là những hệ quả quan trọng có thể xảy ra do sự chuyển giao chính quyền vào tay vị Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, đặc biệt trong bối cảnh các nhà chính trị thuộc Đảng Cộng hòa chiếm vị thế áp đảo trên nghị trường. Tạp chí Nature đã điểm qua một số những biến động nhiều khả năng sẽ diễn ra tới đây tại các cơ quan khoa học trọng yếu của Mỹ.

Nhóm chuyển giao của ông Trump đã công bố lựa chọn Hạ nghị sĩ, bác sĩ Tom Price là người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) từng có nhiều tham vọng dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhưng nay, những chương trình lớn của Viện về nghiên cứu não người, cá thể hóa những phương pháp điều trị y tế và điều trị ung thư, đang đứng trước tương lai đầy bất định. Nghiên cứu não bộ thông qua những đột phá về công nghệ thần kinh (BRAIN) dường như có khả năng được tiếp tục do Quốc hội Mỹ đã tăng ngân sách hằng năm kể từ khi chương trình này được khởi xướng vào năm 2013. Tương lai của Sáng kiến y học chính xác (Precision Medicine Initiative), khởi xướng vào năm 2015, là không chắc chắn, còn sáng kiến Cancer Moonshot được đề xuất vào năm nay nhiều khả năng sẽ không được cấp nguồn kinh phí cần thiết.

Nghiên cứu tế bào gốc phôi và tế bào gốc mà NIH đã thiết lập cũng có thể một lần nữa trở thành điểm nóng. Ông Obama đã hợp pháp hóa nghiên cứu tế bào gốc do chính quyền liên bang tài trợ vào năm 2009 thông qua một sắc lệnh mà tới đây ông Trump có thể tùy ý bãi bỏ. Nghiên cứu liên quan đến các mô của bào thai cũng tiếp tục gây tranh cãi: ngày 16.11, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn 800.000USD cho một nhóm tiếp tục tiến hành điều tra về việc liệu các nhà nghiên cứu, những người sử dụng mô này và những người cung cấp mô có vi phạm luật không.

Giám đốc NIH, Francis Collins, nói rằng ông có kế hoạch đệ đơn từ chức vào đầu tháng 12. Collins cũng không nói liệu ông Trump có đề nghị ông tiếp tục lãnh đạo, hay sẽ xem xét đơn từ chức. Vào ngày 29.11, nhóm chuyển giao của ông Trump đã công bố lựa chọn người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ, bao gồm cả NIH, là Hạ nghị sĩ, bác sĩ Tom Price (thuộc Đảng Cộng hòa, Georgia), một người ủng hộ bãi bỏ Đạo luật cải tổ Y tế Obamacare và phản đối sáng kiến Cancer Moonshot của ông Obama.

Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm

Việc dư luận suy đoán rằng ông Trump sẽ đẩy mạnh nới lỏng các tiêu chuẩn phê duyệt tại Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) đã đẩy cổ phiếu dược phẩm tăng lên và khiến tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất bất bình. Những người giám sát cơ quan này – nơi được xem là đang thiếu nguồn lực thực thi nhiệm vụ ban hành các văn bản pháp luật ngày càng tăng – cũng lo ngại về tuyên bố ngừng tuyển dụng nhân sự liên bang của ông Trump. Những phê phán ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình về “cảnh sát thực phẩm FDA” cho thấy rằng những quy định an toàn thực phẩm cũng có thể bị đe dọa.
Ông Trump sẽ có thể bổ nhiệm một ủy viên FDA mới, nhưng cho đến giờ vẫn chưa rõ ông sẽ chọn ai. Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông giữ nguyên ủy viên hiện tại, bác sĩ tim mạch Robert Califf, người có nhiều thập kỷ chạy các thử nghiệm lâm sàng, giúp ông có kinh nghiệm trong ngành.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh

Một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất mà ông Trump đã đưa ra về y tế công cộng là vào năm 2014, khi ông ủng hộ việc cấm người dân từ những vùng bị lây nhiễm Ebola vào Hoa Kỳ - một lập trường bị các quan chức và các nhà khoa học y tế công cộng phản đối. Vào tháng 8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã đề nghị thiết lập một quy định để cập nhật những chính sách về kiểm dịch sau khi bùng phát dịch bệnh. Tương lai của quy định đó là không chắc chắn.
CDC cũng có thể bị ảnh hưởng nếu ông Trump và Quốc hội Hoa Kỳ phản đối Đạo luật cải tổ Y tế Obamacare. Việc bác bỏ luật chăm sóc sức khỏe cũng có thể xóa bỏ Quỹ dự phòng và y tế công cộng. Quỹ này – gồm 1,4 tỉ USD vào năm 2016 – đã được sử dụng để phát triển một số chương trình tại CDC.

Cơ quan Bảo vệ môi trường

Ông Trump chỉ trích những chính sách môi trường “khắc nghiệt” của ông Obama và cam kết sẽ rút bỏ rất nhiều chính sách trong số này. Trong đó bao gồm các đạo luật về khí hậu được Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) xây dựng; trong số này là những quy định giảm phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện. Các đạo luật này cũng yêu cầu EPA đưa ra các quy định điều chỉnh carbon và các chất gây ô nhiễm không khí, trên cơ sở đó các nhà bảo vệ môi trường đang chuẩn bị tiến hành một số vụ kiện để đảm bảo các quy định này được thực thi. Nhưng chính quyền của ông Trump có thể cắt giảm ngân sách của EPA để cản trở việc xây những quy định mới hoặc thực thi quy định hiện có.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ

Ban Khoa học của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ chi tiêu hơn 5 tỉ USD cho nghiên cứu mỗi năm vào những lĩnh vực như vật lí năng lượng cao, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu và sinh học. Cục An ninh hạt nhân Quốc gia của Bộ Năng lượng cũng giám sát chương trình vũ khí hạt nhân trị giá 8,8 tỉ USD của nước này. Chính quyền của ông Obama đã cố gắng tăng đầu tư trong nghiên cứu ứng dụng năng lượng sạch, nhưng ông Trump có thể chuyển sự tập trung này trở lại nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân tiên tiến.

Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ

Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) theo dõi thời thiết, nghề cá của Hoa Kỳ và khí hậu Trái đất. Cơ quan này vận hành các tàu nghiên cứu, máy bay, vệ tinh và lực lượng vũ trang trong khi dành khoảng 490 triệu USD mỗi năm vào khoa học khí quyển, đại dương và hệ sinh thái.
Vào tháng 12.2008, chỉ một tháng sau cuộc bầu cử, ông Obama đã khiến các nhà khoa học bất ngờ, khi tuyên bố ý định đề cử nhà sinh thái biển Jane Lubchenco đứng đầu NOAA – cơ quan này thông thường không nằm trong những ưu tiên hàng đầu của một người sắp làm Tổng thống. Trái lại, nó vẫn chưa rõ ràng khi nào thì nhóm chuyển giao của ông Trump sẽ xem xét những ứng viên đứng đầu NOAA.

Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ

Cơ quan này tiêu tốn 1 tỉ USD mỗi năm cho điều phối hoạt động nghiên cứu khoa học về thiên tai, các nguồn tài nguyên như nước, khoáng sản và môi trường. Những cắt giảm ngân sách trong thời chính quyền của ông Obama đã đe doạ đến các trạm thủy văn theo dõi lũ lụt, cũng như việc theo dõi núi lửa và động đất. Tới đây, dưới chính quyền của ông Trump, các chương trình về biến đổi khí hậu và thay đổi việc sử dụng đất của chương trình này có thể bị đe dọa.
Giám đốc hiện tại, Suzette Kimball, là một viên chức chính trị được bổ nhiệm, người gần như chắc chắn sẽ rời vị trí trước khi chính quyền mới nắm quyền. Phó giám đốc William Werkheiser sẽ có thể trở thành quyền giám đốc cho đến khi vị trí lãnh đạo thường trực được phê duyệt. Việc lựa chọn vị trí lãnh đạo của cơ quan này yêu cầu có sự thông qua của Thượng viện và vấn đề này có thể trở thành một cuộc tranh chấp chính trị.

NASA

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ có thể phải chuyển hướng tập trung từ Trái đất và sao Hỏa sang Mặt trăng. Một số cố vấn của ông Trump như Hạ nghị sĩ Newt Gingrich, là một trong những người ủng hộ việc đưa các nhà du hành trở lại Mặt trăng. Hai cố vấn không gian của ông Trump đã đề xuất cắt giảm các chương trình quan sát Trái đất của NASA hoặc chuyển các chương trình này sang các cơ quan khác như NOAA. Và kế hoạch kéo một tiểu hành tinh vào quỹ đạo Mặt trăng để nghiên cứu sâu hơn của chính quyền ông Obama dường như sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị cắt giảm kinh phí.
Người quản lý hiện tại của NASA, Charlie Bolden, một nhà cựu du hành và là người trung thành với ông Obama, chắc chắn rời vị trí vào tháng một khi ông Trump nhậm chức. Những cái tên được thảo luận có khả năng thay thế bao gồm cựu lãnh đạo NASA, Michael Griffin; Dân biểu Jim Bridenstine (Đảng Cộng hòa, Oklahoma), người rất tích cực trong các vấn đề về không gian; và nhà cựu du hành Eileen Collins, người đã phát biểu đề cử ông Trump tại đại hội Đảng Cộng hòa hồi tháng bảy.

Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ

Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF) tài trợ cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khác nhau, với tổng số tiền khoảng 7,5 tỉ USD mỗi năm. Không rõ nguồn ngân sách này tới đây sẽ chịu ảnh hưởng ở mức độ nào khi mà trong các năm gần đây, các thành viên của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội vẫn luôn đặt ra những câu hỏi về việc chi tiêu của quỹ này cho khoa học xã hội và khoa học địa chất, bao gồm nghiên cứu biến đổi khí hậu.

T.N.Vũ/Tia Sáng (lược dịch theo Nature)

Bài liên quan
Perplexity đề nghị sáp nhập với TikTok ở Mỹ khi ông Trump có thể hoãn lệnh cấm trong 90 ngày
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 18.1 cho biết “rất có thể" sẽ gia hạn thêm 90 ngày cho TikTok để tránh lệnh cấm tiềm năng ở Mỹ, sau khi ông nhậm chức vào ngày 20.1. Trong khi đó, TikTok cùng hơn 170 triệu người dùng Mỹ đang hồi hộp chờ đợi trước nguy cơ ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám ngừng hoạt động hôm 19.1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ảnh hưởng từ chuyển giao quyền lực trên chính trường tới các cơ quan khoa học hàng đầu ở Mỹ