“Có những thứ tưởng nhỏ nhưng doanh nghiệp kêu mãi mà chúng ta không xử lý được thì doanh nghiệp nản không muốn kêu, rồi không quan tâm tham gia góp ý, phản biện đối với việc hoạch định, xây dựng chính sách”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Thông tin trên được đưa ra ngày 18.8 khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái và làm việc với Cục Hải quan TP.HCM, các bộ ngành cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần thẳng thắn, không nể nang, xác định rõ những gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan hải quan...”.
Báo cáo Phó thủ tướng, Cục Hải quan TP.HCM cho biết cả năm 2015 đơn vị chỉ phát hiện 76 vụ vi phạm, chiếm 0,019% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành; quý 1/2016 có 11 vụ vi phạm, chiếm 0,0089% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành. Trong khi số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số tờ khai nhập khẩu là 309.185 tờ khai, số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành là 123.283 (bằng 39,87%).
Kết quả này cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực. Chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng lớn hơn rất nhiều lần là chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải chịu vì thời gian thông quan bị kéo dài, doanh nghiệp sẽ không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời.
Những ý kiến của doanh nghiệp được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “chuyển” đến lãnh đạo các bộ ngành có mặt tại cuộc họp. Lãnh đạo các Bộ KH&CN, NN&PTNT, Y tế, Công thương đã trao đổi, phản hồi tại cuộc làm việc.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các bộ phải đưa ra cam kết, thời hạn cụ thể trong việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó có những ý kiến được nêu ra trong cuộc làm việc như công nhận chữ ký đại lý hải quan khi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đề xuất phương án xử lý việc kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng mô tơ tiết kiệm năng lượng; rà soát, sửa đổi những thông tư liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo nhiệm vụ đã được giao trong Nghị quyết 19…
“Chúng ta phải làm theo xu hướng quốc tế là quản lý rủi ro; áp dụng việc công nhận sản phẩm lẫn nhau không chỉ ở các nước ký tương đương mà cả những sản phẩm thương hiệu toàn cầu nổi tiếng”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng đặt yêu cầu cụ thể trong thời gian tới số lượng các mặt hàng bắt buộc kiểm tra chuyên ngành phải ít nhất, thời gian kiểm tra nhanh nhất, tần suất giảm ít nhất 15% vào quý 4/2016.
“Kiểm tra phải nhanh nhất có thể, chúng ta tính theo ngày nhưng Ngân hàng Thế giới đã tính theo giờ. Có những thứ tưởng nhỏ nhưng doanh nghiệp kêu mãi mà chúng ta không xử lý được thì doanh nghiệp nản không muốn kêu, rồi không quan tâm tham gia góp ý, phản biện đối với việc hoạch định, xây dựng chính sách”, Phó thủ tướng thẳng thắn nói.
Nhắc lại mục tiêu của Nghị quyết 19 là đến năm 2017, môi trường kinh doanh phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu và đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN-3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh phải làm sao để doanh nghiệp không chỉ hy vọng mà còn tin tưởng.
“Doanh nghiệp trông đợi vào Chính phủ, bộ ngành những thứ rất cụ thể, còn phân công, phối hợp thế nào là công việc của các bộ, ngành”, Phó thủ tướng lưu ý và cho rằng công việc phần nhiều nằm ở các bộ quản lý chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, công tác thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc tạo đồng thuận, ủng hộ để ngành hải quan, các đơn vị kiểm tra chuyên ngành mạnh dạn đổi mới trong công tác này.
Trí Lâm