“Hiện nay, không ít người có chức quyền dính vào tham nhũng; có chức quyền, có địa vị công tác thì có nhiều lợi ích vật chất. Khi đã có địa vị rồi người ta rất khó có thể dứt ra được cái ghế, bởi nó gắn với lợi ích kinh tế” – ông Vũ Mão chia sẻ.

Ông Vũ Mão: ‘Nhiều trường hợp đáng từ chức thì họ không từ chức'

Trí Lâm | 08/12/2016, 05:44

“Hiện nay, không ít người có chức quyền dính vào tham nhũng; có chức quyền, có địa vị công tác thì có nhiều lợi ích vật chất. Khi đã có địa vị rồi người ta rất khó có thể dứt ra được cái ghế, bởi nó gắn với lợi ích kinh tế” – ông Vũ Mão chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho Bộ Nội vụ xây dựng nghị định về “văn hóa từ chức”. Điều này tạo được sự đồng thuận lớn củadư luận và hầu hết người dâncho rằng việcnày hết sức cần thiết. Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Không muốn từ chức vì cái ghế gắn với bổng lộc

- Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nội vụ xây dựng nghị định về “văn hóa từ chức”, ông nhìn nhận việc này thế nào?

- Ông Vũ Mão: Tôi hoan nghênh và đánh giá cao chỉ đạo này của Thủ tướng. Từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng đang phát huy rất tốt với sự nhạy bén, sâu sát và lắng nghe người dân, doanh nghiệp. Những chỉ đạo của Thủ tướng cũng rất kịp thời.

Về vấn đề xây dựng văn hóa từ chức, theo tôi, từ chức có nghĩa là tự người đó xin thôi cương vị công tác của mình. Lý do mà họ xin thôi có thể là do sức khỏe, do cảm thấy không đủ năng lực hoàn thành nhiêm vụ… Việc từ chức có thể hiểu theo nghĩa rộng là có cả những trường hợp muốn ra ngoài khu vực nhà nước để tìm công việc khác thích hợp hơn, có thu nhập cao hơn hoặc như theo đuổi một ước mơ nào đó.

Cũng có những người cảm thấy không hợp với cơ quan mình làm, xung khắc với thủ trưởng nên họ xin từ chức. Những người tài giỏi, có năng lực, có lòng tự trọng nhưng cơ quan lại nhiều tiêu cực, nhiều tham nhũng, họ đấu tranh thì bị trù úm nên họ xin từ chức. Đây là điều rất đáng tiếc bởi sẽ dẫn đến chảy máu chất xám.

Bên cạnh đó, có trường hợp trong ngành, lĩnh vực màmình phụ trách xảy ra một tai nạn hay một vấn đề nghiêm trọng gì đó, người đứng đầu cảm thấy có trách nhiệm thì họ cũng xin từ chức. Việc xây dựng văn hóa từ chức là dành cho những đối tượng đó.

Ví dụ mới đây Thủ tướng New Zealand John Key thông báo sẽ từ chức vì lý do gia đình, hoặc trước đây Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won cũng xin từ chức và nhận trách nhiệm khi xảy ra vụ chìm phà Sewol làm gần 300 người chết và mất tích.

- Trước nay, muốn từ chức thì cán bộ làm thế nào, thưa ông?

- Trước nay, khi muốn từ chức thì cán bộ làm đơn gửi đến cơ quan chức năng trình bày lý do. Trong mấy chục năm công tác thì tôi cũng chứng kiến một vài trường hợp từ chức và họ nhận được sự trân trọng của mọi người.

Tuy nhiên, số người từ chức ở nước ta thực sự không nhiều, rất hiếm hoi. Trong nhiều trường hợp đáng từ chức thì họ không từ chức. Cho nên, chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng văn bản văn hóatừ chức là rất cần thiết.

- Theo ông, tại sao ở Việt Nam cán bộ từ chức ít ỏi như vậy trong khi ở nhiều nước trên thế giới việc từ chức khá phổ biến và cũng rất nhẹ nhàng?

- Bởi vì ở Việt Nam cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này, quy định rõ từ chức trong trường hợp nào, đối tượng từ chức là ai… Ở Việt Nam cũng chưa có được văn hóa từ chức, chưa xem việc từ chức như một nếp sống mang tính phổ biến, bình thường.

Ở ta, dù bây giờ đã đỡ hơn nhưng vẫn còn nặng nề việc phải vào biên chế nhà nước để cuộc sống được ổn định, đảm bảo. Hơn nữa, làm quan chức thì cũng có những quyền lợi cao hơn, chức quyền càng cao thì quyền lợi càng cao. Lương là một chuyện, lại còn bổng lộc nữa.

Thực trạng ở nước ta hiện nay, do bản thân đương sự thiếu rèn luyện và công tác quản lý chưa tốt nên không ít người có chức quyền dính vào tham nhũng. Tham nhũng lớn cũng có mà tham nhũng vặt cũng nhiều. Công tác kiểm soát quyền lực không tốt, xử lý tham nhũng không hiệu quả cho nên có chức quyền, có địa vị công tác thì có nhiều lợi ích vật chất. Khi đã có địa vị rồi người ta rất khó có thể dứt ra được cái ghế, bởi nó gắn với lợi ích kinh tế.

Trong khi ở nước ngoài, một quan chức nào đó nếu từ chức hoặc không làm trong bộ máy nhà nước, họ ra ngoài làm vẫn tìm được công việc thích hợp như kinh doanh, làm tư vấn… và có thu nhập cao.

Nên xây dựng luật về từ chức

- Vậy ông có góp ý gì về phương hướng xây dựng văn bản pháp luật này?

- Theo tôi, có 3 phương án.

Phương án thứ nhất: Nếu xây dựng một văn bản riêng về từ chức thì trước hết không nên gọi là nghị định về văn hóatừ chức mà nên gọi là nghị định về từ chức thì hợp lý hơn.

Phương án thứ hai: Nên xây dựng luật về từ chức vì đối tượng từ chức còn có cả những vị do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... Nếu là luật thì bao quát hơn và tính pháp lý cũng cao hơn.

Phương án ba: Từ chức là một nội dung nằm trong tổng thể của vấn đề nhân sự. Trong công tác nhân sự thì có vấn đề bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt, cũng có vấn đề từ chức và cách chức.

Chúng ta nên chọn phương án ba để xây dựng một văn bản pháp luật hoàn chỉnh về vấn đề nhân sự.

Khi xây dựng văn bản pháp luật về từ chức cần phải tính đến việc đảm bảo uy tín, tâm lý cho người từ chứcbởi vì không phải ai cũng hiểu đầy đủ việc từ chức. Có người cho rằng từ chức là do phạm lỗi nào đó... Do đó không nên đánh đồng và truyền thông cũng nên thông tin cụ thể để dư luận không hiểu nhầm.

Không thể từ chức hòng thoát tội

- Như ông nói ở trên, có những trường hợp một công chức xin từ chức vì đấu tranh chống tiêu cực mà lại bị trù úm. Ông cho rằng nên khắc phục tình trạng này như thế nào để tránh “chảy máu chất xám” trong đội ngũ cán bộ?

- Những cán bộ (có chức vụ) có năng lực, có đạo đức, có lòng tự trọng phải xin từ chức, rời bỏ môi trường nhà nước để ra ngoài làm chứng tỏ cơ chế, cách làm việc của thủ trưởng cơ quan đó không ổn, chứng tỏ chính sách đối đãi với hiền tài còn hạn chế, cần có những quy định chặt chẽ để khắc phục tình trạng này.

Hơn nữa, tình trạng dân chủ trong nội bộ ở một số cơ quan hiện nay còn nhiều hạn chế. Nói dân chủ nhưng một người vừa là thủ trưởng, vừa là bí thư đảng bộ mà độc đoán, chuyên quyền, rồi tình trạng tham nhũng; người kiên quyết đấu tranh thì bị trù úm là điều không thể chấp nhận được.

Do đó, công tác đảng, công tác cán bộ cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng để trọng dụng người tài, kiểm soát bằng được quyền lực.

- Những cán bộ có sai phạmmuốn từ chức để trốn tránh trách nhiệm thì sao, thưa ông?

- Chúng ta phải xây dựng một văn bản pháp luật thuận lợi cho việc từ chức nhưng không để bị lợi dụng cho việc chạy tội. Đối với những cá nhân có nhiều sai phạm, cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ để xử lý đúng người, đúng tội.

Nếu đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý chứ không thể có sai phạm mà xin từ chức để thoát tội. Trong phạm vi nào đó thì mới được từ chức, còn khuyết điểm, sai phạm ở mức nặng nề thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Hoặc khi từ chức rồi mà cơ quan điều tra mới phát hiện ra sai phạm thì cũng vẫn bị xử lý như thường chứ không thể thoát tội.

- Xin cảm ơn ông!

TríLâm(thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Vũ Mão: ‘Nhiều trường hợp đáng từ chức thì họ không từ chức'