"Việc bỏ phiếu đánh giá cán bộ là việc Đảng, Nhà nước đã làm. Đây là việc cần thiết. Việc đánh giá cán bộ có thể bằng nhiều kênh, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những kênh đó”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói.

Ông Vũ Quốc Hùng: Đánh giá cán bộ có thể bằng nhiều kênh

Trí Lâm | 25/12/2018, 14:22

"Việc bỏ phiếu đánh giá cán bộ là việc Đảng, Nhà nước đã làm. Đây là việc cần thiết. Việc đánh giá cán bộ có thể bằng nhiều kênh, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những kênh đó”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói.

Sáng 25.12, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII khai mạc. Dự kiến Hội nghị làm việc trong 3 ngày, từ 25 - 27.12.

Tại Hội nghị này, Trung ương sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Xu hướng công khai là rất cần thiết

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng việc bỏ phiếu đánh giá cán bộ là việc Đảng, Nhà nước đã làm. Đây là việc cần thiết. Việc đánh giá cán bộ có thể bằng nhiều kênh, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những kênh đó. Tuy nhiên, vấn đề làlàm thế nào để việc đánh giá này được trung thực, khách quan và chính xác nhất.

“Tôi nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nên công khai. Xu hướng công khai hiện nay là rất cần thiết”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian qua đã phát hiện hàng loạt cán bộ cấp cao có vi phạm nghiêm trọng, dù cho việc bổ nhiệm cán bộ trước đây vẫn được coi là chặt chẽ, đúng quy trình. Nêu giải pháp cho tình trạng này, ông Hùng cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Những người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phải là những người trong sạch, nếu không thì không thể kiểm soát được.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng cần phải nghe ý kiến của người dân thông qua báo chí, qua tiếp xúc cử tri, khảo sát ý kiến người dân. Cùng với đó là dân chủ, công khai, minh bạch. Việc này chính là phát huy dân chủ rộng rãi trong nhân dân. Việc hỏi dân ở nơi cư trú của cán bộ này cũng phải đầy đủ, chứ không chỉ hỏi riêng vài người nói một chiều.

“Ngay trong nội bộ thì mọi người đều phải được nói lên sự thật, nói đúng đánh giá của mình về người này người kia chứ không làm người ta sợ hãi, né tránh hay dân chủ hình thức”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian qua, một số người lên vùn vụt, quyền cao chức trọng nhưng bây giờ không chỉ bị xử nghiêm về mặt Đảng mà còn bị xử lý ở mặt luật pháp. Cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ cũng phải có trách nhiệm trước tình trạng hàng loạt cán bộ vi phạm.

“Để bổ nhiệm được cán bộ thì cần phải xem xét, thẩm tra, xác minh chứ không chỉ dựa trên văn bản mà người ta gửi. Nếu chỉ dĩ hòa vi quý với nhau, hoặc “cửa” nào đó bị mua chuộc thì không thể nào mà tuyển chọn được cán bộ trong sạch”, ông Hùng cho hay.

Đổi mới quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Trả lời báo chí trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, các nghị quyết, quy chế, quy định về công tác cán bộ được ban hành thời gian qua đã góp phần đổi mới đồng bộ, tổng thể, liên thông các khâu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở, tạo cơ chế môi trường thúc đẩy, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khắc phục cho được những sơ hở, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ và từng bước đẩy lùi tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…”.

Đặc biệt, theo ông Bình, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11- KH/TW về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản:

Một là, tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo phương châm “làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó” với lộ trình cụ thể như sau: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9 và sau đó sẽ tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.

Hai là, đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.

Ba là, cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch theo Quy định 90-QĐTW của Bộ Chính trị khóa XII về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng thống nhất, đồng bộ, tổng thể, liên thông.

Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước.

Bốn là, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với đó là đề cao trách nhiệm, của các cấp ủy, tổ chức đảng, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để “lọt” những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược.

Cụ thể: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, trên cơ sở quan điểm, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình cách làm như trên; đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm Kế hoạch 11 của Bộ Chính trị, tạo không khí phấn khởi, trách nhiệm, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị.

“Nhìn chung, kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết…”, ông Bình nói.

21 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm

Hiện nay, tổng số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 24 người. Tuy nhiên, Hội nghị lần này chỉ lấy phiếu 21 người, do có 3 trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm. Đó làtrường hợp của mộtuỷ viên Bộ Chính trị là ông Đinh Thế Huynh đang trong thời gian nghỉ chữa bệnh dài ngày. Hai thành viên Ban Bí thư là Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn vừa được Trung ương bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9.5 nên chưa đủ thời gian 1 năm để lấy phiếu tín nhiệm.

21 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm, đó là:

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

- Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

- Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình

- Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

- Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng

- Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai

- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình

- Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch

- Bộ trưởng Công an Tô Lâm

- Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải

- Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

- Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên

- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình

- Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường

- Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

- Giám đốcHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Nguyễn Xuân Thắng

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Vũ Quốc Hùng: Đánh giá cán bộ có thể bằng nhiều kênh