Bước sang tuổi 91, lễ trao giải Oscar vẫn là sự kiện văn hóa thường niên có lượng khán giả theo dõi cao nhất ở Mỹ trên màn ảnh nhỏ và là giải thưởng tôn quý nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy danh tiếng có bị lu mờ khá nhiều trong vài năm trở lại đây nhưng Oscar vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà sản xuất và nơi nó được tổ chức - thành phố Los Angeles, trái tim của Hollywood.
Lễ trao giải Oscar 2019 sẽ diễn ra vào ngày 24.2 (giờ địa phương) tại nhà hát Dolby với sự tham gia của đông đảo ngôi sao nổi tiếng. Đặc biệt, sự kiện năm nay không có người dẫn chương trình và được gói gọn trong 3 tiếng (dù khả năng rất cao là sẽ dài hơn như thế).
Trang WalletHub mới đây đã công bố báo cáo Oscars Facts 2019 và đây là những con số đáng chú ý nhất từ sự kiện đình đám này:
130 triệu USD là số tiền Oscar 2019 mang đến cho thành phố Los Angeles.
128 triệu USD là doanh thu quảng cáo Oscar 2019 kiếm được cho kênh ABC. Theo Kantar Media, tổng doanh thu quảng cáo năm ngoái là 149 triệu USD – đứng đầu các chương trình do ABC phát sóng trong năm 2018.
Nhà hát Dolby
Khoảng 100 triệu USD là số tiền mà các nhà sản xuất phim Hollywood đã bỏ ra để vận động hành lang nhằm chiến thắng giải Oscar 2019.
44 triệu USD là chi phí thực hiện Oscar 2019.
26,5 triệu là lượng khán giả theo dõi lễ trao giải Oscar năm ngoái, thấp nhất trong lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên con số này rớt xuống thấp hơn mức 30 triệu.
15 triệu USD là khoản tiền vé lễ trao giải Oscar mang lại cho các đề cử của hạng mục “Phim hay nhất” kể từ khi công bố danh sách.
Cate Blanchett tại Oscar 2014
10 triệu USD là tổng chi phí (trung bình) mà một ngôi sao hạng A phải bỏ ra để có được diện mạo hoàn hảo đến tham dự Oscar. Tất nhiên, con số này đã bao gồm trang sức và trang phục được mượn (hoặc làm riêng) bởi các hãng danh tiếng. Hãy nghĩ đến bộ trang sức trị giá 18,1 triệu USD đã được Cate Blanchett diện đến Oscar 2014.
2,6 triệu USD là số tiền mà nhãn hàng phải trả để có 30 giây quảng cáo trong lúc diễn ra Oscar 2019, thấp hơn khoảng 50% so với Super Bowl.
300.000 USD là số tiền dành cho việc gửi thư cho các thành viên của Viện hàn lâm để bình chọn danh sách đề cử và người chiến thắng.
266.000 USD là chi phí mà một người (không phải ngôi sao) phải bỏ ra cho lần đầu tiên tham dự Oscar
150.000 USD là giá trị túi quà được tặng cho những người có mặt trong danh sách đề cử Oscar 2019. Bên cạnh các món đồ trang sức, mỹ phẩm hàng hiệu, túi quà còn bao gồm những chuyến du lịch xa xỉ với khách sạn 5 sao trên toàn cầu.
Túi quà của Oscar 2013
103.220 USD là số tiền mà một cặp đôi phải chi để tham dự tiệc hậu-Oscar do Vanity Fair tổ chức – mắc nhất trong số những buổi tiệc tương tự.
72.000 USD là chi phí để đăng quảng cáo cho một bộ phim trên trang The Hollywood Report xuyên suốt mùa trao giải Oscar (diễn ra từ tháng 1 đến cuối tháng 2 hằng năm).
24.700 USD là chi phí dàn dựng thảm đỏ Oscar 2019.
900 là số giờ mà một nhóm gồm 18 người thực hiện thảm đỏ.
Thảm đỏ Oscar là chương trình thảm đỏ có nhiều người theo dõi nhất trên sóng truyền hình
938 là số thành viên vừa được thêm vào Viện hàn lâm trong năm 2018, đánh dấu sự đa dạng nhất từ trước đến nay của nhóm này. Theo đó, 49% là phụ nữ và 38% là người da màu. Trong số 938 thành viên mới, 17 người từng chiến thắng Oscar và 92 người từng được đề cử. Quốc tịch của họ khá đa dạng, lên đến 59 quốc gia.
400 USD là giá trị thật của lớp vàng dát trên tượng Oscar.
233 phút là thời lượng của Oscar 2018.
225 là số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ phát sóng Oscar 2019.
87 là số lượng quốc gia gửi phim tranh tài tại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”. Và 5 cái tên được chọn là Đức, Nhật Bản, Lebanon, Mexico, Ba Lan.
20% là khoản tăng cát-xê của các diễn viên thắng giải Oscar cho dự án tiếp theo.
Mai Thảo