Cơ chế, chính sách rõ ràng, khả thi sẽ khiến nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí từ nhiên liệu hóa lỏng (LNG).
Phát triển nhiệt điện khí (cả khí tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển điện khí còn gặp không ít thách thức.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh xoay quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của điện khí LNG đối với nhu cầu năng lượng của Việt Nam?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng mỗi năm, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt.
Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển do phụ thuộc các con sông và hồ, đập thủy điện. Nhiệt điện than - nguồn năng lượng cơ bản của nền kinh tế thời gian qua - sẽ không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế. Nhiệt điện sinh khối có công suất nhỏ và giá thành cũng khá cao, khó cạnh tranh với các loại hình khác. Điện hạt nhân vẫn chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Việt Nam cũng là quốc gia sớm nhận ra tác động bất lợi của việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch nên đã có nhiều chính sách phát triển liên quan đến chuyển đổi sử dụng năng lượng theo hướng giảm thải chất ô nhiễm, giảm thải khí nhà kính.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện giảm thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero) vào năm 2050, đã điều chỉnh và đưa ra được quy hoạch phát triển điện hướng tới tăng nhanh tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối...
Mặc dù được coi là không phát thải các chất ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính, nhưng giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn còn cao, lại không ổn định theo thời gian, mùa vụ nên nhiều quốc gia phải có trợ giá mua điện hoặc trợ giúp kinh phí để phát triển sản phẩm điện từ năng lượng tái tạo.
Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả khí tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Lý do là nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.
Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
- Vậy theo ông, việc phát triển điện khí hóa lỏng đang gặp những thách thức gì?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG. Như vậy, phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ không thể chủ động mà phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập.
Ngoài ra, giá thành điện khí LNG vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu và đặc biệt cao khi giá LNG tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn khi EVN ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư do tập đoàn này sẽ phải mua đắt bán rẻ theo chỉ đạo giá bán của Chính phủ.
Hơn nữa, việc phát triển điện khí LNG cũng gặp thách thức do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG.
Việc tìm kiếm địa điểm phù hợp, xây dựng kho cảng chứa LNG đã là một khó khăn do yêu cầu về tiếp nhận LNG và đảm bảo an toàn trong vận hành các cảng, kho LNG.
Hơn nữa, Việt Nam còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG... cũng là những khó khăn.
Thêm nữa, để có hạ tầng phát triển điện khí LNG cần một lượng vốn đầu tư lớn, với các quy trình xây dựng và chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt. đó cũng là một khó khăn lớn với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, thời hạn xây dựng, tính an toàn, bảo mật của dự án, cần có những chủ đầu tư có nguồn vốn lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở điện khí LNG.
Điều tiếp theo, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG, cơ chế mua bán sản lượng điện sản xuất ra và cơ chế giá cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án.
Khi có đầy đủ các chỉ số chi phí tài chính đầu vào, đầu ra tương đối ổn định thì các chủ đầu tư mới có cơ sở tính toán hiệu quả của dự án để quyết định đầu tư. Đặc biệt, điện là mặt hàng khi sản xuất ra phải được tiêu thụ toàn bộ, ngay lập tức, không thể lưu kho, nên cần hợp đồng tiêu thụ chắc chắn với các doanh nghiệp phân phối.
Quy hoạch điện 8 xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện 7, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỉ USD.
Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025. Theo tính toán từ thực tế, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.
- Vậy theo ông, muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện 8 cần giải quyết những vấn đề gì?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.
Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện.
Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.
Về phát triển hạ tầng, cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên các quy hoạch này để bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất điện khí.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh thành tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính...
Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên sự chậm chễ trong triển khai các dự án LNG trong thời gian qua, khiến hiệu quả các dự án LNG giảm thấp.
Sự quyết liệt trong việc phối hợp giữa các bộ, ban ngành, các địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc để triển khai, thực hiện các dự án LNG sẽ tạo sự an tâm, tin tưởng vào các cơ quan công quyền để các nhà đầu tư an tâm đầu tư một lượng tiền rất lớn vào điện khí LNG.
Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỉ USD.
- Xin cảm ơn ông.